Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đạo diễn Lê Dân: Hành trình tâm lý gắn với tình yêu hòa bình

Tạp Chí Giáo Dục

Đạo diễn Lê Dân (trái) cùng nam diễn viên chính

Đó là hình ảnh của bộ phim nhựa “Những bức thư từ Sơn Mỹ”, trị giá 8 tỷ đồng, được bấm máy tại làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó, PV Báo Giáo Dục TP.HCM có cuộc trò chuyện với Đạo diễn Lê Dân (Giám đốc Trung tâm Unesco Điện ảnh Đa truyền thông Việt Nam) xung quanh bộ phim nhựa dài 120 phút này.
PV: Cuộc tàn sát đẫm máu tại Sơn Mỹ đã dần khép lại trong quá khứ, cách đây hơn 41 năm. Là cây đại thụ trong làng điện ảnh, ông cảm nhận như thế nào khi quyết định làm bộ phim “Những bức thư từ Sơn Mỹ”?
Đạo diễn Lê Dân: Vụ thảm sát Sơn Mỹ là nỗi đau hằn sâu trong lòng người dân thôn Mỹ Lai vào ngày 16 tháng 3 năm 1968, với 504 người dân đã chết vì sự ngông cuồng của quân đội Mỹ. Trong đó, có Trung uý William Calley trực tiếp chỉ huy trung đội 1. Tôi không tiện thuật lại cuộc chiến, nhưng vào ngày 19 tháng 8 năm 2009 tại Kiwanis Club, Columbus ông William Calley đã lên tiếng công khai xin lỗi rằng: “Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra tại Mỹ Lai…”. Tôi thiết nghĩ ông William Calley nên đích thân đến tạ lỗi với nhân dân Sơn Mỹ thì tốt hơn, bởi dân tộc ta luôn có lòng bao dung, nhân ái. Một điều quan trọng nữa là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã rất hoan nghênh khi tôi trao đổi thông điệp, ý tưởng và tầm quan trọng của bộ phim. Có thể nói, thành công của bộ phim nhựa kỳ này sẽ góp phần giúp dân tộc Việt Nam giành chiến thắng trong vụ kiện về chất độc hóa học đioxin.
Thưa ông, có rất nhiều tựa đề về chiến tranh, nhưng sao ông lại chọn chủ đề chính bộ phim khởi quay tại Sơn Mỹ với “Những bức thư”?
 Đây là điều tôi nghĩ rất nhiều. Bởi lẽ, viên Trung uý trong phim mang tên Peter Cage, đã gửi cho vợ mình ở Mỹ với nhiều bức thư. Ông kể lại tất cả những gì “mắt thấy tai nghe”, từng sự đổi thay, từng cảm xúc đau thương của nhân dân Sơn Mỹ và từng lời hối cải, ăn năn do chính mình gây ra. Qua những bức thư, cảm xúc con người sẽ được thể hiện dạt dào hơn, kể cả sự ngọt ngào và chua xót. Không tình cảm nào quan trọng, thân thiết, chân thành bằng tình vợ chồng và vợ nhân vật Peter Cage biết rõ ý nghĩa chuyến thăm về Sơn Mỹ. Khi từng dòng thư được đọc lên, kèm theo là những giọt nước mắt của nhân vật, sẽ mang nhiều cảm xúc và nước mắt đến khán giả.
Ông có thể tóm tắt những tình tiết xúc động nhất của bộ phim này được chứ?
Trước tiên, tôi sẽ giới thiệu một số tình tiết mà tôi thấy tâm đắc. Trên chuyến tàu về Quảng Ngãi, Peter Cage đã gặp và trò chuyện với cô gái tên Hạnh bằng tiếng Anh. Và cô gái Hạnh cũng là người con ở làng quê Sơn Mỹ. Cuộc trò chuyện khá lâu và sôi nổi, Peter Cage có nhắc khéo đến cuộc chiến tranh ở Sơn Mỹ, Hạnh lắng nghe thật kỹ từng lời nói và mỉm cười khoan dung. Đến Quảng Ngãi, Hạnh đã mời Peter Cage đến nhà ở Sơn Mỹ và anh ta đã nhận lời. Thật bất ngờ, cha và anh trai của Hạnh là nạn nhân trong vụ thảm sát ở Sơn Mỹ. Trong căn nhà, thấy người mẹ già của Hạnh đã một mình vượt qua biết bao khó nhọc, để nuôi cô con gái duy nhất còn sống sót từ tấm bé, chính là Hạnh. Bần thần, Peter Cage không sao tin điều đang xảy ra là sự thật, lặng mình đỗi lâu trong đau xót, hối hận đối với gia đình Hạnh và nhân dân Sơn Mỹ. Và Peter Cage không thể nào nói chính diện với gia đình Hạnh về mình, cách đây 41 năm về trước. Tình tiết quan trọng nữa là có cậu bé tên Vũ, bị nạn nhân chất độc da cam, em đã vẽ bức tranh bằng đôi chân tật nguyền và đôi tay mất hết tri giác. Chuyện anh thương binh Dũng, cụt hết 2 chân, hàng ngày ngồi trên xe lăn đến dạy cho các em nhỏ ở lớp học tình thương. Chuỗi ngày trôi qua, Hạnh đã biết Peter Cage là viên trung uý năm xưa, cô lặng người và an ủi Peter Cage: “Những gì đã qua hãy cho nó qua đi. Chúng ta hãy nghĩ đến tương lai xem cần phải làm gì cho những lỗi lầm của mình. Đó mới là điều quan trọng”.
Xin cảm ơn ông.
KIM LONG (thực hiện)

Bình luận (0)