Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đạo diễn Việt Tú bất ngờ làm… thầy giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Sau Hoa hậu Việt Nam 2010, vào những thời khắc cuối cùng của năm, vị đạo diễn sự kiện hàng đầu của showbiz Việt lại bất ngờ xuất hiện với một vai trò hoàn toàn mới – thầy giáo.

Đạo diễn Việt Tú sẽ có buổi ra mắt với các học trò khóa Đào tạo “Event Management” trong hai ngày 21 – 22/12/2010 tại Hà Nội.

Tên tuổi của anh đã gắn liền với sự thành công của một loạt các chương trình lớn như Con đường âm nhạc, Sao mai điểm hẹn lần 1, Vở thời trang “Cơn ác mộng của người thợ may”, “Bữa tiệc của các tín đồ”, Đại lễ Phật đản liên hiệp quốc… Nhưng thời gian gần đây người ta lại thấy anh ít xuất hiện. Vì sao thế? 

Vì sau mỗi chương trình hoặc loạt chương trình lớn tôi cần có khoảng lặng, những thời gian rảnh rỗi để làm mới (refresh) bản thân. Chương trình lớn thì đồng nghĩa với việc tiêu hao năng lượng lớn. Chẳng ai có thể nghĩ ra được cái gì hay ho trong lúc đang mệt mỏi cả. Hơn nữa, nếu có điều kiện nghỉ ngơi thì tại sao lại phải làm việc quần quật để rồi đến năm 40 – 50 tuổi chợt nhận ra rằng những năm tháng tươi đẹp đáng để hưởng thụ nhất của cuộc đời mình đã trôi qua. 

Tôi làm việc chăm chỉ và cũng rất “chăm chỉ” hưởng thụ những thành công của mình. 

Dư luận cũng không ngớt bàn tán về việc anh tự rời bỏ các chương trình nghệ thuật vốn “hữu danh vô thực” để chuyển sang làm các show thương mại? 

Tôi chẳng rời bỏ cái gì cả. Tôi làm những gì mà tôi thích. Cái gọi là phong cách công việc cũng giống như phong cách thời trang thôi. Hôm nay, tôi mặc quần ống đứng, nhưng ngày mai tôi lại thích mặc quần bó. Công việc cũng vậy. Những chương trình nghệ thuật đương đại mang tính tiên phong đã đem lại cho tôi ít nhiều danh tiếng nên các khách hàng của tôi dành cho tôi nhiều lời mời làm đạo diễn những chương trình thương mại lớn. Họ mong muốn tôi đưa được (hay nói đúng hơn là thương mại hóa được) những thứ tiên phong đó để làm cho những chương trình của họ trở nên độc đáo và nhiều khả năng thành công về thương mại hơn. 

Anh đột ngột “tái xuất giang hồ” vào những ngày cuối năm này với vai trò…Thầy giáo? Tại sao anh không tiếp tục con đường đã chọn?

Tôi có “ở ẩn” đâu mà “tái xuất”? Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, mấy người bạn làm kinh doanh trong lĩnh vực Đào tạo và Tư vấn Truyền thông hỏi tôi rằng tại sao trong thị trường Tổ chức và Quản lý Sự kiện, các chương trình biểu diễn nghệ thuật lại lộn xộn như vậy? Tôi bảo thì có ai được đào tạo cơ bản gì đâu mà chả không lộn xộn. Họ hỏi nếu họ tổ chức một khóa Đào tạo về Tổ chức và Quản lý Sự kiện thì liệu có thiết thực với thị trường không? Và nếu họ mời tôi đứng lớp làm… thầy giáo để chia sẻ với mọi người những trải nghiệm trong công việc thì tôi có nhận lời không? Và tôi đã không mất quá một phút để… đồng ý. 

Vốn quen với vai trò đạo diễn sự kiện, nay thử sức ở vai trò “giảng viên”, anh có tự tin mình sẽ thành công? 

Đây không phải lần đầu tôi làm giảng viên. Cách đây 3 năm, nhận lời mời của Hội đồng Anh (British Council) tại Hà Nội, tôi cùng với một đạo diễn video art đến từ một studio nổi tiếng ở London đã từng đứng lớp giảng cho các sinh viên ở 2 trường Đại học SKĐA tại Hà Nội và TPHCM về cách làm video clip nghệ thuật và thương mại. Năm 2009 và 2010, tôi cũng tham gia giảng dạy 2 lớp cho Trung tâm Đào tạo của Đài THVN về kỹ năng Đạo diễn cho các Biên tập – Đạo diễn – Quay phim, của Đài truyền hình VN và các Đài khu vực trực thuộc (mỗi khóa từ 8 – 10 ngày liên tục). Lạy trời cho đến bây giờ, cả 3 lớp đó chưa có học viên nào bỏ học giữa chừng cả. 

Nhìn nhận về nghề tổ chức, quản lý, sáng tạo sự kiện, anh nghĩ chúng ta đang ở đâu so với thế giới. “Lỗ hổng” lớn nhất trong nghề tổ chức và quản lý sự kiện ở ta, theo anh là gì? 

Không nên so với thế giới vì trong lĩnh vực này, chúng ta mới chỉ ở điểm khởi đầu. Mọi ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội muốn phát triển được không chỉ phụ thuộc vào nội lực bản thân của ngành nghề mà còn phụ thuộc vào cả mặt bằng kinh tế xã hội nữa. 

Lỗ hổng lớn nhất của nghề Tổ chức & Quản lý Sự kiện ở ta chính là không được đào tạo bài bản, mọi thứ đều tự học, tự phát thì nó thành như vậy thôi.

Là giảng viên cho khóa Đào tạo “Event Management” trong hai ngày 21 – 22/12/2010 tại Club 75 Yên Phụ (Hà Nội), mục đích của khóa học này là gì? 

Mục đích của chúng tôi là bằng những trải nghiệm, khiến thức thực tế, những thành công của một người đi trước trong lĩnh vực này để giúp các học viên định vị và phân vùng xem mình còn thiếu cái gì, cái gì là thứ mình cần, những kỹ năng cơ bản của người làm nghề cần phải có. Để làm nghề được một cách thực sự thì những gì mình đang được trang bị đã là đầy đủ và đúng phương pháp chưa. Nếu chưa đủ (và chắc chắn là chưa) thì những khóa đào tạo chuyên sâu tiếp theo sẽ giúp họ khắc phục những cái thiếu mà họ đang cần đó. 

Xin cảm ơn anh. 

Nguyễn Vân (Theo Dantri)

Bình luận (0)