Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đạo đức là cái gốc của con người

Tạp Chí Giáo Dục

Việc lồng ghép giáo dục đạo đức cho HS cần linh hoạt, tế nhị. Ảnh: A.KHôi
Tại buổi giao lưu nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15-10-1968), do Hội Khoa học tâm lý Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Hà Nội, Hội Khoa học tâm lý Hà Nội… phối hợp tổ chức vừa qua, vấn đề giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ được rất nhiều đại biểu nhắc đến.
Phóng viên Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với cô Mai Thị Thu Bảy, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La – đại biểu tham dự buổi giao lưu) – về phương pháp giáo dục đạo đức cho giới trẻ và cách nuôi dạy con của một người mẹ. Cô Thu Bảy cho biết:
Rất may tôi là giáo viên dạy văn nên việc giáo dục lồng ghép trong các bài giảng là việc làm thường xuyên. Theo tôi, để giáo dục đạo đức, truyền thống cho học sinh (HS) chúng ta có thể thực hiện bằng nhiều con đường: Bài học, việc làm, bằng hành động của thầy cô giáo… Đặc biệt là ở lứa tuổi THCS, tâm sinh lý các em đang phát triển nên lời nói của thầy cô phải đi đôi với việc làm, bằng tình yêu thương coi HS như chính con em mình nên dù khó khăn đến mấy, chúng tôi đã cảm hóa được nhiều HS.
PV: Hiện nay, rất nhiều luồng ý kiến cho rằng cần xem lại công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường. Cô nghĩ sao về vấn đề này?
Thời nào cũng như vậy, đạo đức là cái gốc của con người. Gốc mà không vững chắc thì mọi nền tảng xây dựng lên đều có nguy cơ đổ vỡ. Vấn đề giáo dục đạo đức bây giờ khó khăn hơn thời chúng tôi đi học bởi vì xu thế hội nhập có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến HS. Ngày nay, các em khó tiếp cận những giá trị chân – thiện – mỹ, nhưng cái tiêu cực của xã hội lại dễ đeo bám. Chính vì vậy, việc giáo dục đạo đức cho HS trong giai đoạn này tôi nghĩ là cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi vì các em rất dễ sai lệch trong tư tưởng, trong định hướng và người làm công tác giáo dục nếu không nắm bắt được vấn đề này mà cứ chạy theo bệnh thành tích, chỉ lo dạy chữ mà không lo dạy người thì rất nguy hiểm. Tôi nghĩ nếu tất cả xã hội, từ gia đình đến các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là ngành giáo dục quan tâm, kiên trì phấn đấu để đạt được mục tiêu này thì tin rằng công tác giáo dục đạo đức HS không phải là vấn đề khó. Người làm công tác giáo dục phải rất nhạy cảm và phải đặt mình vào vị trí của HS, thấu hiểu và lắng nghe các em nói, hiểu được các em thì tôi tin là sẽ có phương pháp hay.
Công tác giáo dục đạo đức cho HS ở miền núi có khác với miền xuôi, thưa cô?
– Trường tôi cũng có những thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là trường chất lượng cao, HS được tuyển chọn. Tuy nhiên, không phải vì được tuyển chọn mà các em không bị tác động xấu của xã hội, đây là khó khăn. Có thể lúc vào các em còn là những tờ giấy rất trắng, tinh khôi nhưng chỉ cần vài thông tin ở xã hội tác động đến là có thể thay đổi nhận thức của các em. Những người làm công tác giáo dục phải dạy cho các em có kỹ năng sống, phải biết cái gì đúng, cái gì không đúng, biết tiếp thu tinh hoa của thế giới, giữ gìn văn hóa dân tộc và biết tẩy chay những gì trái với đạo đức truyền thống dân tộc, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Phải biết phê phán, loại trừ những cái không tốt.
Cô có thể cho biết kinh nghiệm khi giảng dạy lồng ghép môn giáo dục đạo đức?
– Đối với một số bộ môn khác, việc lồng ghép giáo dục đạo đức với HS có vẻ hơi khiên cưỡng nhưng đối với giáo viên văn, việc liên hệ, giáo dục rất linh hoạt, tế nhị, ở nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Chỉ cần người giáo viên có tâm hồn tinh tế thì việc vận dụng giáo dục tư tưởng đạo đức với HS không phải là khó. Giáo dục đạo đức với HS như thế nào để thật nhẹ nhàng, thấm thía, sâu sắc và phải là hành trang cho các em. Giáo dục như thế mới có hiệu quả. Còn giáo dục một cách cứng nhắc, có tính chất áp đặt, cách giáo dục đấy không đi đến kết quả như mong muốn.
Cô có thể chia sẻ về cách nuôi dạy con của mình trong gia đình?
– Chồng tôi trước đây ở chiến trường Lào, sau đó mất vì bệnh ung thư – lúc đó cháu gái đầu học lớp 8, cháu thứ hai học lớp 5. Trong thời gian các cháu học THCS, tôi vừa là một người thầy, vừa là một người bạn, vừa là một người mẹ, một người cha – tôi phải đóng rất nhiều vai. Do đã mất mát quá lớn tình cảm của người cha nên tôi giáo dục các con bằng con đường tình cảm thông qua phim ảnh. Tôi phải tập cho các cháu đi bằng hai chân của mình, đây chính là cách tôi tự giải phóng bản thân. Trong các môn học, tôi đều là thầy dạy của các cháu…
Dù trong cảnh ngộ nào thì vai trò giáo dục của người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của con cái sau này.
Các con có hay tâm sự với cô không?
– Nói thật, mọi người đừng có ảo tưởng, kỳ vọng nhiều. Con cái khi còn bé có thể cái gì cũng bi bô với mẹ nhưng khi lớn lên, các con có rất nhiều áp lực. Ngày 5 môn, mỗi môn 5 bài tập, còn thời gian đâu để tâm sự với mẹ. Cha mẹ phải lắng nghe thông qua người thân, họ chính là đối tượng để con mình giãi bày tâm sự, mình nghe để điều chỉnh hành vi của mình đối với con, đừng hy vọng con sẽ tâm sự hết với mẹ. Tôi không nghĩ rằng tôi thất bại trong giáo dục khi con cái không tâm sự với tôi.
Xin cảm ơn cô!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Cô Mai Thị Thu Bảy đã có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy: Năm 1996 là đại biểu của tỉnh Sơn La dự Đại hội điển hình tiên tiến của ngành GD-ĐT. Năm 2006 được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen. Năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)