Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đạo đức sinh viên xuống cấp: Kỳ cuối: Tránh xem nhẹ việc “dạy người”

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học đông, nhất là học theo học chế tín chỉ khiến cho thầy trò thời nay ít còn thời gian lắng nghe tâm tư tình cảm của nhau
Gia đình gần như quản lý con cái từ xa, “gửi trọn niềm tin” vào nhà trường. Trong khi đó, giữa thầy và trò bây giờ lại là cách biệt rất lớn, chỉ kết nối với nhau bằng kiến thức. Thiếu sự dẫn đường từ phía người lớn là một trong những nguyên nhân khiến đạo đức một bộ phận sinh viên tụt dốc mạnh…
“Thầy đầu sông, trò cuối sông”
Ở bậc phổ thông, thầy cô gần gũi học sinh bao nhiêu thì vào ĐH, khoảng cách giữa thầy và trò càng xa bấy nhiêu. Giữa giảng viên và SV hầu như không có liên hệ nào ngoại trừ những hỏi đáp liên quan đến nội dung chuyên môn, bài tập tiểu luận hay bảng điểm… lạnh lùng được đăng tải trên website. Lớp học là một giảng đường rộng lớn có nhiều người cùng ngồi, cùng ghi chép và cùng chờ chuông reo. Không có những hỏi han, trao đổi về tâm tư, tình cảm hay chia sẻ kinh nghiệm sống… Ngay cả SV cũng dần thờ ơ, không cần biết ai đang dạy, mà chỉ quan tâm môn học ấy bao nhiêu tín chỉ, học và thi như thế nào. Thậm chí nhiều SV quen với tư tưởng học tập thụ động, hạn chế “thắc mắc” bởi đặt câu hỏi trong giờ sẽ ảnh hưởng đến SV khác, hỏi ngoài giờ lại ảnh hưởng lịch làm việc của giảng viên…
Đây là không khí học tập có thật tại các lớp ĐH dưới sự mô tả chân thực của ThS. Lê Bích Thủy (giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM). Theo ThS. Thủy, điều này phần nào lý giải nguyên nhân vì sao có hiện tượng mờ nhạt dần truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong SV. ThS. Cao Hải An (giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh) cũng đánh giá, không ít SV ngay tại chính trường mình có biểu hiện vô lễ với giảng viên, nhiều em chỉ chào thầy cô ở trong trường, còn gặp bên ngoài thì coi như không quen biết. Trong khi đó, hoạt động đào tạo tín chỉ với đặc trưng liên tục thay đổi nhóm/lớp như hiện nay càng khiến việc tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cho SV gặp nhiều trở ngại.
Khi SV bước vào cuộc sống tự lập xa nhà ở môi trường ĐH, sự quan tâm, dạy dỗ của cha mẹ không còn sát sao nữa, phần nhiều được thực hiện từ xa. ThS. Thái Thu Hoài (Khoa Xuất bản Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) nhấn mạnh, bối cảnh xã hội hiện đại đòi hỏi các bậc cha mẹ phải nâng cao năng lực để đa dạng được vai trò của mình hơn trong việc đồng hành cùng con nhưng trên thực tế nhiều gia đình lại buông lỏng hoặc “khoán” hẳn nhiệm vụ dạy con cho nhà trường.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thừa nhận, một thời gian dài, các trường chưa coi trọng giáo dục đạo đức cho SV, nếu có cũng chỉ nặng hình thức, lý thuyết suông, thiếu sức thuyết phục.
“Dạy chữ” mà không “dạy người” thì… tai hại
Hiện nay, việc giáo dục đạo đức cho SV các trường ĐH-CĐ đã bắt đầu được chú ý hơn nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Một bộ phận giảng viên quy trách nhiệm giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng SV cho phòng công tác chính trị – quản lý SV hay tổ chức Đoàn hội. Một số khác còn chú trọng truyền thụ kiến thức chuyên môn, xem nhẹ việc “dạy người”, bồi dưỡng đạo đức. Thậm chí có giảng viên còn làm “mất hình ảnh” trong SV thông qua việc đối xử thiếu công bằng, đố kỵ hay nói xấu đồng nghiệp, chưa văn hóa trong giao tiếp, bỏ giờ, đi muộn về sớm…
“Nếu trường học chỉ chú trọng dạy SV kiến thức mà không dạy cho các em lòng yêu nước thương người thì thật tai hại. SV khi về nhà liệu có biết thương cha mẹ, anh em không; ra xã hội liệu có yêu quý bạn bè, tôn kính người già, quý trọng người lao động không?” – TS. Hoàng Trung (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đặt vấn đề. Theo TS. Trung, các môn khoa học lý luận Mác – Lênin trong trường ĐH góp phần trang bị thế giới quan, xây dựng lý tưởng, niềm tin cho SV nhưng lại bị các em tiếp cận một cách đối phó, thụ động. Vì vậy, trước khó khăn, sóng gió của cuộc sống, nhiều SV không đủ bản lĩnh, có trường hợp còn tha hóa phẩm chất đạo đức.
ThS. Nguyễn Thị Nhượng (giảng viên Trường ĐH Phú Yên) cho rằng cùng với sự phát triển của xã hội thì những chuẩn mực, giá trị đạo đức đã thay đổi theo nhiều chiều hướng. Nhiều chuẩn mực, đạo đức mới được hình thành, một số giá trị truyền thống cũng có ít nhiều thay đổi. Nếu không được định hướng đúng, SV dễ “lạc hướng” trong lựa chọn các giá trị phù hợp. Việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức hiệu quả giúp các em nhận thức được cái gì cần gìn giữ, cái gì cần bổ sung để phù hợp với tình hình mới.
ThS. Lê Bích Thủy (giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) đồng quan điểm khi đề nghị các chương trình lồng ghép giáo dục đạo đức SV cần mềm dẻo, sinh động, bớt lý thuyết nặng nề để các em dễ tiếp cận. Tăng cường “kết nối” giữa người dạy và người học sẽ có lợi rất nhiều đối với quá trình rèn giũa đạo đức cho SV.
Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức cho SV hiệu quả nhất khi trước tiên, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương, bởi tầm ảnh hưởng của người thầy thường rất lớn. Tuy hiện nay không giảng dạy môn đạo đức trong môi trường ĐH mà thông qua các hoạt động, môn học lồng ghép khác nhưng PGS.TS Ngô Minh Oanh khẳng định, việc truyền nghề, đào tạo nhân lực cao cho đất nước thực chất gồm “dạy chữ” và cả “dạy người”. Nếu người thầy chỉ lo truyền thụ kiến thức nghề nghiệp mà buông lơi trách nhiệm giáo dục đạo đức cho SV thì mới chỉ hoàn thành một nửa nhiệm vụ.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Các nội dung đạo đức cần bồi dưỡng cho SV
TS. Nguyễn Thị Thọ (giảng viên Khoa Triết học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đề cập các nội dung đạo đức cơ bản cần giáo dục cho SV hiện nay, gồm: Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; lý tưởng, hoài bão, ước mơ; tình bạn, tình yêu chân chính; học tập và làm theo gương Bác; đạo đức nghề nghiệp…
Box: Khó lựa chọn lối sống vừa vặn
ThS. Nguyễn Thị Nhượng (giảng viên Trường ĐH Phú Yên) nhận định, SV hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong lựa chọn lối sống sao cho vừa phù hợp với giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc vừa theo kịp sự phát triển của xã hội hiện đại. Mặt trái của hội nhập là sự xáo trộn, mất ổn định trong tâm lý, văn hóa ở rất nhiều người. Lứa tuổi SV hay nhạy cảm với những cái mới, bắt chước thói hư tật xấu ngoài xã hội, thậm chí xem đó là trào lưu thể hiện “cái tôi”. Những biểu hiện sai lệch này đều có thể gây ra hậu quả xấu, cần được kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn…
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)