Xích lô không chỉ là nét văn hóa Huế mà còn là một nghề để mưu sinh. Ảnh: Mê Tâm |
Tôi ấm ức mãi vì đã lỡ làm mất hết những tấm ảnh chụp xích lô trong một lần đến Huế cách đây 3 năm. Và tôi đã… thề, một ngày trở lại sẽ thu đầy máy của mình bằng những tấm ảnh như vậy…
Giọt mồ hôi trong đêm
Cái nóng đầu hạ của TP. Huế vô tình “làm phiền” giấc ngủ của tôi trong đêm đầu tiên trở lại. Mà có lẽ một phần nữa vì cảm giác tiêng tiếc, sau khi mi mắt khép lại rồi thì đêm bình yên tại thành phố này sẽ theo giấc mơ vụt trôi đi mất… Đêm trả về cho những con đường Huế sự… cô đơn đến lạ (hay là do tôi cảm nhận vậy!). Trên lề đường khách sạn Sông Hương, hai dãy xe xích lô nằm ngủ nhoài. Có lẽ chúng cũng mệt như chính những chủ nhân của mình sau một ngày đưa đón khách. Tôi bắt gặp một anh đang khóa chiếc xích lô chuẩn bị kết thúc ngày làm việc. Đồng hồ đã chỉ sang 12 giờ đêm. Nét mệt mỏi hiện trên gương mặt người đàn ông. Đêm nay, anh lại trở về với nỗi lòng của những chuyến xe vắng khách. Anh là Huỳnh Văn Phúc ở phường Vỹ Dạ, TP. Huế. Bảy năm rồi, anh trường kỳ với chiếc xích lô như một… chiến hữu. Bảy năm không hiếm hoi những đêm anh chở xe không mà lòng nặng trĩu ra về. Anh còn vợ và hai con nhỏ. Chị đãi hến thuê ngày kiếm được trên dưới 30 ngàn đồng. Cuộc sống gia đình tựa nhiều vào anh. Anh biết vậy. Nhưng nghề đạp xích lô này cũng nắng mưa theo mùa, chỉ thuận lợi làm ăn vào những tháng nắng.
Anh còn “nghề tay… phải” là đi giao đá cây. Mỗi cây đá giao cho đại lý anh nhận được 500 đồng. Một đêm đạp xích lô kết thúc lúc 12 giờ đêm là muộn. Giấc ngủ có khi không kịp đến, 1 giờ sáng anh đã phải thức dậy bắt đầu giao đá. Cũng lại công việc đạp, đẩy nặng nhọc. Nhưng không có nó, gia đình anh không biết sống bằng gì. Tôi đành hẹn anh vào đêm mai, đêm cuối cùng ở Huế để được anh đưa đi dạo mát qua cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba và Thành nội. Tôi khép cửa phòng lúc 1 giờ. Trước khi chìm vào giấc ngủ, trong đầu tôi đang hình dung về người đàn ông cong lưng đạp xe đi giao từng cây đá nặng…
Sẽ tiếc cho những ai đến Huế mà không một lần ngồi xích lô dạo ngắm phố đêm. Khách nước ngoài có vẻ “chịu khó” dạo trên xích lô ban ngày. Nhưng khách “ta” thì ngược lại. Theo anh Phúc, tùy theo yêu cầu của khách mà mỗi chuyến có thể lòng vòng 1 đến 2 giờ đồng hồ. Có khách cao hứng ghé chỗ này chỗ kia ăn uống, “tài xế” xích lô vẫn phải chờ dù có thể họ nóng lòng về một chuyến mới. Nhưng giá mỗi chuyến thì cũng có vậy thôi, 20 đến 30 ngàn đồng. Có đêm, từ 7 giờ đến trước 12 giờ đêm, họ chỉ chở được hai chuyến là nhiều. Cũng có đêm được quyền “tài nhất” nhưng họ lại chẳng chở được khách nào.
Thương hoài những vòng xe…
Có lẽ vì lời hứa, đến tận 11 giờ khuya, anh vẫn ngồi đợi tôi trước cổng khách sạn. Thì ra, đây là chuyến đầu tiên của anh trong đêm nay và có khi cũng là chuyến cuối. Hai chiếc xích lô khởi hành đưa tôi cùng 3 đồng nghiệp khác dạo trên các con phố. Khi chúng tôi ngồi ở phía trước, họ lập tức trở thành hướng dẫn viên đầy tự hào “khoe” những nét đẹp “không đụng hàng” của vùng đất cố đô.
Một lòng một dạ với nghề đạp xích lô này phải kể đến ông Trần Thắng cũng trú tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế với thâm niên trên 20 năm gắn bó nghề. Ngày ông vào nghề, con ông mới chào đời. Lúc ấy, người vợ trọng bệnh mất sức lao động và đứa con thơ trở thành niềm lo khôn cùng của người đàn ông trẻ. Loay hoay mãi chưa kiếm được việc, nghề xích lô đến với ông như một chiếc phao cứu sinh dù rằng công việc này chỉ phần nào giúp cuộc sống gia đình ông bớt chông chênh. Rồi ngày tháng cuốn đi, suốt ngần ấy năm, người cha ấy vẫn tảo tần đạp xích lô nuôi con đi học. Giờ đây, niềm vui lớn lao trong ông là hai con đều đang học đại học. Ông vén ống quần giải thích cho chúng tôi, những người đạp xích lô lâu năm mắt cá chân thường bị sưng to như thế này. Lòng chúng tôi chợt nghẹn lại. Vẫn biết không được đổ lỗi cho những con dốc khiến mỗi ngày họ phải rướn chân cho thêm sức đạp. Vẫn biết, không nên trách cứ những vị khách hơi… nặng cân mỗi lần bước lên xe, bởi nghề này, họ chấp nhận tất cả. Không hiểu sao vẫn áy náy lạ lùng khi thấy mình quá vô tư chỉ chú tâm vào những con phố lấp lánh ánh đèn trước mặt và thoải mái với gió sông Hương mát lành. Đâu biết, phía sau lưng áo những người đàn ông này ướt đẫm mồ hôi. Trong chuỗi chuyện trò, tôi nhận ra tiếng thở mỗi lúc một thêm đứt quãng vì mệt dù họ vẫn nhiệt thành kể thêm nhiều chuyện khác.
Ông Thắng thể hiện quyết tâm bằng câu nói khiến chúng tôi không khỏi giật mình: “Chú sẽ đạp xích lô như thế này đến khi nào… kiệt sức mới thôi!”. Có lẽ ý ông chỉ đơn giản là sẽ bám trụ nghề này lâu đến khi nào có thể, hay ít nhất là để chăm lo cho hai đứa con tốt nghiệp đại học. Anh Phúc cũng tỏ bày, điều anh sợ nhất là mất chiếc xe này không chỉ bởi nó đáng giá (anh từng dành dụm mãi mới đủ 3 triệu đồng để mua chiếc xe) mà vì chính nó là “cái đầu cơ nghiệp” với cuộc sống gia đình anh.
Rồi có thể trở thành lãng quên sau cái vẫy tay thay lời tạm biệt cuối góc phố. Rồi ngay cả chúng tôi có khi cũng chẳng còn dạt dào xúc động với hình ảnh những người đàn ông đạp xích lô sau chuyến xe đưa chúng tôi trở lại Sài Gòn. Nhưng trót đến Huế một lần, thật tiếc nếu không thử khám phá sự bình yên, thơ mộng và gần gũi của thành phố này bằng xích lô để mở thêm cho lòng nhiều dòng cảm nhận. Có khi chỉ ngồi trên xích lô một lần, một lần thôi nhưng nhất định cứ phải đi cho bằng được!
Huế 25 – 6 – 2009
MÊ TÂM
Bình luận (0)