Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đào sâu nét bản địa để hút khán giả

Tạp Chí Giáo Dục

Điện ảnh Việt nửa cuối năm 2024 đa phần tập trung vào các đề tài lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, chân thật và gần gũi

Phim kinh dị tâm linh lấy cảm hứng từ những câu chuyện truyền miệng trong văn hóa dân gian Việt là "Ma da" của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng dự kiến ra rạp từ ngày 16-8. Nhiều phim khác: "Con Cám", "Linh miêu", "Công tử Bạc Liêu", "Nhà gia tiên", "Đồi thông hai mộ"… dự kiến sẽ công chiếu trong nửa cuối năm 2024.

Từng bước tạo chất riêng

Người trong giới cho rằng việc các nhà làm phim bắt đầu tập trung khai thác những đề tài lấy cảm hứng văn hóa dân gian, chất liệu lịch sử, chuyển thể văn học… lên màn ảnh rộng là tín hiệu vui. Từng bước, điện ảnh Việt sẽ xây dựng chất riêng, để phân biệt cùng điện ảnh các nước trong khu vực châu Á.

Trong số loạt phim Việt dự kiến ra rạp giai đoạn nửa cuối năm 2024, phim "Ma da" của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng khai thác đề tài tâm linh với câu chuyện truyền miệng dân gian về ma da. Nội dung phim kể về hành trình của bà Lệ (Việt Hương đóng) làm nghề vớt thi thể đuối nước, đưa người đã mất trên sông về với gia đình. Vì một lý do bí ẩn nào đó, con gái bà Lệ là bé Nhung lại là đối tượng bị "ma da kéo giò". Phim ngoài Việt Hương còn có các diễn viên: NSƯT Thành Lộc, Trung Dân, Cẩm Ly… và được quay suốt 35 ngày tại rừng ngập mặn ở Năm Căn, Cà Mau.

Cảnh trong phim “Ma da” (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Cảnh trong phim “Ma da”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Phim kinh dị "Con Cám" của đạo diễn Trần Hữu Tấn kể về một nhân vật cổ tích rất nổi tiếng của Việt Nam với góc nhìn mới, sẽ đến với khán giả từ ngày 25-10. Nội dung phim xoay quanh các nhân vật trung tâm là nàng Cám, nàng Tấm, hoàng tử, thằng Bờm.

Phim "Linh Miêu" do đạo diễn Lưu Thành Luân thực hiện, khai thác truyền thuyết linh dị dân gian Việt với hình tượng linh miêu cùng quan niệm liên quan đến quỷ nhập tràng. Câu chuyện sẽ được phát triển theo hướng bi kịch của một gia đình sinh sống tại Huế vào những năm 1960, đi sâu hơn vào văn hóa truyền thống của Huế. Phim dự kiến ra rạp từ ngày 22-11.

Phim "Công tử Bạc Liêu" lấy cảm hứng từ cuộc đời nhiều thăng trầm của nhân vật Công tử Bạc Liêu, cũng như những giai thoại thú vị, gắn liền với ông và những bóng hồng trong đời. Phim do Lý Minh Thắng đạo diễn, dự kiến ra rạp từ ngày 20-12. Ngoài ra, các phim: "Đồi thông hai mộ", "Nhà gia tiên" cũng lần lượt được lên lịch dự kiến chiếu từ ngày 27, 28, 31 của tháng 12.

"Tôi và ê-kíp sẽ tập trung khai thác đề tài gắn liền với nét văn hóa bản địa. Những sản phẩm bước đầu như "Bắc Kim Thang", "Kẻ ăn hồn" và "Con Cám"… sắp tới sẽ là "Dưới đáy hồ" cũng sẽ là những câu chuyện lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, truyền thuyết đô thị, gần gũi và thân thuộc với khán giả Việt. Nét văn hóa bản địa sẽ là yếu tố giúp phim kinh dị Việt nói riêng, điện ảnh Việt nói chung có nét riêng, độc đáo và khác biệt so với các nền điện ảnh lân cận" – đạo diễn Trần Hữu Tấn bày tỏ.

Nét đẹp văn hóa truyền thống

Không chỉ những phim điện ảnh Việt ra rạp vào nửa cuối năm 2024 mới tập trung vào việc đào sâu văn hóa bản địa, không ít dự án của năm 2025 được công bố cũng quan tâm về chủ đề này. Cụ thể như phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang được thực hiện. Phim lấy bối cảnh những năm 1967, khi chiến tranh Việt Nam ngày càng khốc liệt, là những câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính nhưng trên hết vẫn là nghĩa vụ và sự hy sinh vì Tổ quốc.

Tác phẩm "Hoàng hậu cuối cùng" nói về cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương do bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân – Nam Cito thực hiện, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Tình sử Nam Phương Hoàng hậu" của nhà văn Trần Thị Hảo và tác phẩm "Nam Phương Hoàng hậu" của tác gia Lê Lan Khanh. "Hoàng hậu cuối cùng" dự kiến khởi quay vào năm 2025. Đại diện Galaxy Studio cho biết sẽ đẩy mạnh sản xuất phim Việt, trong đó chú trọng khai thác các đề tài lịch sử.

"Chúng tôi luôn mong muốn đáp ứng nhu cầu xem phim với đa dạng đề tài hơn nữa của khán giả Việt, hiện nay chúng tôi đang chú trọng khai thác về dòng phim văn hóa lịch sử của Việt Nam" – đại diện Galaxy Studio thông tin.

Theo nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc, tác phẩm "Linh Miêu" gửi gắm sự tồn tại và vẻ đẹp của văn hóa Huế, cụ thể là nghệ thuật khảm sành giúp người xem có thể cảm nhận hành trình từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, biến hóa nên nghệ thuật trang trí cung đình đáng tự hào của người dân xứ Huế.

Những người trong cuộc cho rằng làm phim từ văn hóa bản địa là một cách thức để truyền tải thông điệp nhân văn, một quan điểm xã hội, câu chuyện về con người hoặc một nét đẹp văn hóa truyền thống đến khán giả đại chúng. 

Theo các nhà chuyên môn, việc nhiều nhà làm phim cùng tập trung khai thác về văn hóa bản địa sẽ dần tạo môi trường cạnh tranh, buộc mỗi ê-kíp phải nỗ lực tạo ra tác phẩm tốt nhất nhằm chinh phục khán giả.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)