Đau đầu với BS bỏ nhiệm sở
Một tiết học tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ – nơi đào tạo nhân lực ngành y tế có uy tín tại khu vực ĐBSCL
|
Theo quy hoạch tổng thể của Thủ tướng Chính phủ về phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2010-2020 thì tỷ lệ BS/ 1 vạn dân phải đạt tối thiểu là 7. Tuy nhiên đến nay, cũng như nhiều vùng khó khăn khác, tỷ lệ này tại ĐBSCL và nhiều tỉnh ĐNB khá thấp. Hiện chỉ TP.Cần Thơ đạt 9,01 BS/ 1 vạn dân, kế là tỉnh Cà Mau 7,47; Bạc Liêu 6,73; thấp nhất là Sóc Trăng 3,89; An Giang 4,56 và Tiền Giang 4,86. Hàng năm UBND nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL đều có văn bản đề xuất với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và trình Bộ GD-ĐT đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo địa chỉ cho địa phương. Năm 2013 cũng vậy, Trường ĐH Y dược Cần Thơ có tổng chỉ tiêu 1.250 trong đó dành 450 cho đào tạo theo địa chỉ sử dụng, chưa tính hệ liên thông; nhưng không ít tỉnh vẫn đề nghị tăng thêm chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ và liên thông. Ngoài ra một số tỉnh – thành đề xuất trường quan tâm đào tạo các chuyên khoa đang rất thiếu như: BS pháp y, BS tâm thần, y học dự phòng, y học cổ truyền.
Thời gian qua, nếu tính số BS đào tạo tại ĐH Y dược Cần Thơ, gồm hệ chính qui và nhiều hình thức đào tạo khác như chuyên tu, liên thông, đào tạo theo địa chỉ, và diện cử tuyển, thì số BS tại ĐBSCL đã vượt khá xa so với yêu cầu 7 BS/vạn dân. Nhưng tại sao khu vực này luôn luôn khát nguồn nhân lực y tế? Hay nói cách khác, tại sao sinh viên ĐH Y dược Cần Thơ và các trường ĐH đào tạo nhân lực y tế trong cả nước không về địa phương công tác? Chỉ tính hệ đào tạo chính qui tại ĐH Y dược Cần Thơ, số BS đa khoa tốt nghiệp năm 2011 và năm 2012, trừ TP.Cần Thơ và tỉnh Cà Mau; các tỉnh còn lại, rất ít BS về địa phương hoặc nếu về thì làm tại cơ sở ngoài công lâp… Có nơi như tỉnh Sóc Trăng chỉ có 4/25 BS “chịu về”; Trà Vinh 15/42; Hậu Giang 3/15… Kể cả số đào tạo theo địa chỉ và diện cử tuyển – những người được đào tạo bằng ngân sách của địa phương (tức là tiền thuế của nhân dân) – cũng tìm mọi cách ở lại các thành phố lớn sau khi tốt nghiệp. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhiều lần cảnh báo thực trạng trên. Ông Võ Anh Hổ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, không giấu được sự thất vọng: “Thời gian qua, chỉ 1/3 BS đào tạo bằng ngân sách địa phương trở về tỉnh phục vụ. Chúng tôi mong Trường ĐH Y dược Cần Thơ cung cấp danh sách sinh viên của Đồng Tháp đang học chính qui tại trường để Sở Y tế thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ và động viên các em về tỉnh công tác sau khi ra trường”…
PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ tâm tư: “Chúng tôi đào tạo BS, DS suốt 6 năm còn học chưa hết chương trình mà một số trường ngoài công lập chỉ dạy 2 buổi thứ bảy và chủ nhật. Họ lại không có điều kiện để bố trí người học thực tập tại các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố như qui định. Như vậy là quá nguy hiểm!”.
|
Chỉ có Đồng Tháp đề ra hướng “chiêu hiền đãi sĩ” này để thu hút nguồn nhân lực y tế, các tỉnh còn lại chỉ có phương pháp là tiếp tục đề nghị nhà trường và Bộ GD-ĐT tăng chỉ tiêu đào tạo liên thông và đào tạo theo địa chỉ (nghĩa là hạ đến mức thấp nhất điểm tuyển) trong khi không đề ra được giải pháp làm sao để những BS, DS diện này về địa phương công tác sau khi tốt nghiệp! Trong khi đó nếu không giải quyết được vấn đề căn cơ này thì bài toán thiếu nhân lực y tế vùng ĐBSCL và các vùng khó khăn khác, có thể nói, sẽ không thể tìm ra lời giải cho dù Trường ĐH Y dược Cần Thơ và các trường ĐH khác có tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ, theo cử tuyển và hệ liên thông nhiều đến đâu, và thời gian kéo dài cho đến… vô cực. Và như vậy, vô hình trung chất lượng đào tạo BS, DS sẽ ngày càng đi xuống vì những đối tượng sinh viên này hoặc không phải thi đầu vào hoặc điểm trúng tuyển rất thấp. Ngoài sự bất công do lấy tiền thuế của dân để đào tạo nhưng sau đó đối tượng không phục vụ lại nhân dân, còn là sự bất bình đẳng trong cuộc đua tuyển sinh “vượt vũ môn” để vào ngành học vốn có điểm trúng tuyển cao nhất nước. Vấn đề đáng quan ngại hơn khi qui mô tăng nhưng đầu vào chất lượng thấp, các trường ĐH đào tạo chuyên ngành sức khỏe thuộc hệ thống công lập sẽ phải loay hoay với thực trạng mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng đào tạo!
Mổ xẻ chất lượng đào tạo
Bà Trần Thị Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp quả quyết: “Tỉnh Đồng Tháp còn thiếu rất nhiều BS nhưng không vì thế mà chúng tôi chấp nhận những BS có chuyên môn yếu. Đối với ngành học đặc thù như y – dược, đầu vào có tốt thì chất lượng mới bảo đảm. Mặt khác nguồn nhân lực y tế phải đầu tư lâu dài không thể chỉ trong 1-2 năm. Tôi đề nghị chúng ta không chạy theo số lượng trước mắt để đưa những em điểm thấp vào đào tạo trong khi những em có điểm cao thì rớt. Năm nay lấy điểm chuẩn chính qui 25 thì đào tạo theo địa chỉ thấp hơn tối đa 2 điểm thôi”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nói: Vũng Tàu thiếu hơn 200 BS nhưng không vì thế mà tỉnh chủ trương đào tạo liên thông tràn lan. “Ngành y có điểm chuẩn cao nhất nước, nhiều khi hơn 26 điểm không đậu. Tại sao chúng ta không lấy những em này để đào tạo, thậm chí có thể là 23, 24? Vì thi ĐH đạt số điểm này là rất giỏi. Chúng ta cứ lấy từ điểm cao nhất xuống dưới đến khi đủ chỉ tiêu, thay vì đào tạo liên thông, để chất lượng ngành y được bảo đảm?”, ông Dũng đề nghị.
“Em nào điểm thi thấp quá tỉnh tôi không cử đi học. Chúng tôi chọn các em có trình độ tốt để học thành BS giỏi, làm nghề cứu người. Thợ sửa máy, máy hư có thể đền cái khác chứ trình độ BS kém mà sửa “hư” người thì không đền được”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – Trần Thị Thái nói.
|
Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, gay gắt: “Mỗi một BS, khi gây ra tai biến mang tính chủ quan là cả ngành chúng ta đau xót. Tôi đề nghị toàn ngành phải đấu tranh để hạn chế tình trạng đào tạo BS kém chất lượng. Hiện nay các trường ngoài công lập lấy điểm quá thấp, đào tạo BS, DS mà chỉ 14 điểm, trong đó có thí sinh được cộng đến 3, 4 điểm ưu tiên! Vậy mà có những cơ quan, đơn vị vẫn kiến nghị Bộ Y tế cho những trường đó được đào tạo. Thật là bất công. Các trường đó chạy theo đồng tiền chứ không phải lo cho nguồn nhân lực để phục vụ vùng, vì họ đào tạo ra nhưng không thể sử dụng được”.
Giải mã cho sự yếu kém trong đào tạo, PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, tiết lộ: ĐBSCL có trường ĐH mới thành lập nhưng mở một lúc 5-6 ngành, đào tạo cả BS, DS, kỹ thuật viên xét nghiệm, điều dưỡng, chung với các ngành công nghệ. Chất lượng sẽ ra sao khi họ không có kinh nghiệm, không có chuyên môn? Hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng phòng đào tạo không phải là BS, DS. Tôi thấy nhức nhối quá. “Nếu các trường ĐH y dược chưa đủ khả năng tăng qui mô tuyển sinh thì chúng ta đề nghị Bộ Y tế cho phép trường CĐ y tế có bề dày hoạt động nâng cấp lên đào tạo cán bộ y dược, còn hơn để trường đa ngành ngoài công lập vốn đào tạo toán – tin lại đào tạo cả BS, DS”, PGS.TS Phạm Văn Lình kiến nghị.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Ông Võ Minh Đoàn, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ, yêu cầu: “Vừa qua, nhiều sự cố xảy ra trong ngành y, có nhiều vấn đề, nhưng nguyên nhân lớn là do yếu về chuyên môn. Do vậy tuyển ngoài ngân sách, đào tạo theo địa chỉ để phục vụ nhiệm vụ chính trị nhưng cũng hạ điểm vừa phải thôi. Các địa phương không nên ép nhà trường nhận sinh viên xét tuyển mà điểm thấp, khi số em này tốt nghiệp ra trường thì chuyên môn yếu, bị xã hội chê cười”. |
Bình luận (0)