Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đào tạo bác sĩ: Trường tư sẽ dần “áp đảo” trường công?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như trước đây, khối ngành khoa học sức khỏe chỉ có một số trường đại học công lập uy tín đào tạo thì hiện nay nhiều trường đại học tư thục cũng tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành này. Kén chọn thí sinh như ngành y đa khoa cũng không còn là thị phần độc quyền của trường công.

Số lượng tăng nhanh chóng

Ngành y đa khoa được xem là ngành có điều kiện mở ngành khó nhất trong khối ngành khoa học sức khỏe. Tuy nhiên, những năm gần đây, trường đại học (ĐH) tư được mở ngành y đa khoa không còn là chuyện hiếm. 

Theo đề án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2021 dự kiến mà Trường ĐH Văn Lang vừa công bố, trường dự kiến mở các ngành mới: y đa khoa, y học cổ truyền, bên cạnh những ngành thuộc khối sức khỏe hiện đang đào tạo như: răng-hàm-mặt, điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học.

Sinh viên khối ngành sức khỏe Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng trong giờ thực hành
Sinh viên khối ngành sức khỏe Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng trong giờ thực hành (Ảnh minh hoạ)
Đây là năm thứ hai Trường ĐH Đại Nam (TP.Hà Nội) tuyển sinh ngành y khoa. Trước đó, hai ngành đào tạo về sức khỏe cũng được mở tại trường này là dược học và điều dưỡng.

Nhiều năm nay, Trường ĐH Nam Cần Thơ đã được đào tạo ngành y khoa, dược học, quản lý bệnh viện, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học.

Trường ĐH Võ Trường Toản cũng có ngành y khoa và dược học. Trường ĐH Tân Tạo (tỉnh Long An) cũng đào tạo ngành y đa khoa từ lâu. 

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có đến bốn ngành thuộc khối khoa học sức khỏe gồm y đa khoa, dược học, răng-hàm-mặt, điều dưỡng.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chẳng những có ngành y đa khoa, mà còn có dược học, sức khỏe răng miệng, răng-hàm-mặt, kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng, kỹ thuật phục hồi chức năng.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo bảy ngành thuộc khối sức khỏe gồm: y khoa, y học dự phòng, dược học, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm, kỹ thuật y sinh, vật lý y khoa.

Trong khi đó, số lượng trường công đào tạo ngành y đa khoa và nhóm ngành khoa học sức khỏe còn lại vẫn chỉ là những cái tên quen thuộc như: Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Khoa Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Y Thái Bình, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, Khoa Y Dược – ĐH Đà Nẵng, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế…

Điểm chuẩn cách biệt

Cả nước có hơn 20 trường, bao gồm cả công lập và tư thục, đào tạo ngành y khoa. Đây là một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất. Nhưng có sự khác biệt giữa trường tư và trường công.

Năm 2020, Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Y Dược TP.HCM tiếp tục dẫn đầu với mức điểm lần lượt là 28,9 (tăng 2,15 so với năm ngoái) và 28,45 (tăng 1,75 điểm).

Bốn vị trí tiếp theo vẫn là Khoa Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược Thái Bình. Ngành y khoa của Khoa Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất với 28,35 điểm (tăng 2,75 điểm so với năm 2019); tại Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế là 27,55 điểm. 

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lấy điểm chuẩn từ 26,35 đến 27,5 điểm; Trường ĐH Y Dược Thái Bình là 27,15 điểm; Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM là 27,05 (tăng 3,1 điểm so với năm ngoái). 

Các trường ĐH Y Dược Hải Phòng, Y Dược Cần Thơ và Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng… đều có điểm chuẩn ngành y đa khoa trên 26. 

Vài năm trước, không ít trường tư lấy điểm chuẩn nhóm ngành y dược rất thấp gây nên cảnh tuyển sinh bát nháo. Điều này đồng nghĩa với việc khó có chất lượng đào tạo cao. Trong khi y dược là nhóm ngành đặc thù cần phải được đảm bảo chất lượng đầu vào.

Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành này. 

Tuy vậy, trường tư không thể lấy điểm quá cao vì dễ hụt chỉ tiêu. Do đó, hai năm nay, các trường ĐH tư thục đều xác định điểm chuẩn khối ngành y dược bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với điểm sàn của bộ. 

Như năm 2020, điểm sàn ngành y khoa, răng-hàm-mặt là 22 điểm; ngành dược và y học cổ truyền: 21 điểm; điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng: 19 điểm.

Ngay sau đó, Trường ĐH Nam Cần Thơ lấy điểm chuẩn ngành y khoa là 22 điểm, dược học 21 điểm, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật xét nghiệm y học 19 điểm. 

Tương tự, Trường ĐH Tân Tạo có điểm chuẩn ngành y đa khoa 22 điểm. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng lấy điểm chuẩn đúng bằng điểm sàn, từ 19 – 22 điểm…

Chỉ có Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường tư duy nhất lấy điểm chuẩn ngành y khoa cao hơn điểm sàn của bộ là 24 điểm. Đó cũng là ngành cao điểm nhất của trường, ngành dược học vẫn lấy bằng sàn là 21 điểm. 

Có thể thấy, đường vào học khối ngành y dược không còn là khe cửa hẹp. Vấn đề là người học dựa vào năng lực của mình để chọn trường công điểm cao, học phí thấp hoặc trường tư điểm thấp hơn và học phí cao hơn.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, sự phân hóa điểm chuẩn giữa trường công và trường tư cũng là lẽ tất nhiên. Bởi, ĐH công được cấp ngân sách nên thu học phí rất thấp, cùng với lợi thế truyền thống lâu năm nên thu hút nhiều thí sinh, đặc biệt là thí sinh giỏi.

Còn ĐH tư non trẻ và học phí cao, khó thu hút thí sinh giỏi thiếu điều kiện tài chính. Tuy nhiên, do cơ chế tự chủ nên sự đầu tư của trường tư vào các điều kiện đào tạo rất nhanh và lớn. 

Trong một diễn biến mới, từ năm 2020, một số trường công đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe như Trường ĐH Y dược TP.HCM bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ; sắp tới là ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM đào tạo chất lượng cao… nên học phí cũng tăng “chóng mặt”.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, trong vài năm tới tình hình sẽ khác, sự cạnh tranh sẽ sòng phẳng hơn nên cục diện điểm chuẩn giữa ĐH công – tư đối với nhóm ngành này đôi khi sẽ không còn nhiều khoảng cách.

Theo Gia Tuệ/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)