Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục nghề: phải quy về một mối

Tạp Chí Giáo Dục

Trong số 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật, có 3 trường trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, 2 trường trực thuộc Bộ GD-ĐT. Có kiến nghị cho rằng việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục nghề nghiệp phải quy về một mối.

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục nghề: phải quy về một mối
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM triển lãm mô hình học tập – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Kiến nghị do một số đại biểu nêu ra tại hội nghị năm trường ĐH sư phạm kỹ thuật với chủ đề: “Định hướng, phối hợp đào tạo phát triển giáo viên, giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 – 2020” vừa được Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tổ chức mới đây.

Theo đó đề xuất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục nghề nghiệp phải quy về một mối, có sự phối hợp giữa 5 trường ĐH sư phạm kỹ thuật do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) điều phối. Từ đó xây dựng chuẩn giáo viên, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, chọn ngành nghề trọng điểm cho từng trường.

Trước thông tin “5 trường ĐH Sư phạm kỹ thuật muốn về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khẳng định không có việc này.

Thực tế hiện chỉ có Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên trực thuộc Bộ GD-ĐT. Ba trường còn lại (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

 

“Thực ra, chúng tôi kiến nghị công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục nghề nghiệp phải quy về một mối, có sự phối hợp giữa năm trường ĐH sư phạm kỹ thuật do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) điều phối, không phải đưa toàn bộ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM về trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Sắp tới sẽ xóa bỏ bộ chủ quản, các trường ĐH tự chủ hoàn toàn, không thuộc bộ nào cả” – ông Dũng nói.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiện nay với gần cả ngàn trường CĐ do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, toàn bộ giáo viên dạy nghề được đào tạo đều dạy tại các trường CĐ, CĐ nghề trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Trong khi năm trường ĐH sư phạm kỹ thuật với hai hệ thống khác nhau: có ba trường trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH và hai trường trực thuộc Bộ GD-ĐT.

Vì vậy, hai trường sư phạm kỹ thuật trực thuộc Bộ GD-ĐT không phục vụ ai nữa, đào tạo giáo viên dạy nghề ra không điều phối được. Trong khi hiện nay mảng đào tạo giáo viên dạy nghề bên Bộ GD-ĐT không được quan tâm khi các dự án trong những năm qua chỉ dành cho bảy trường sư phạm truyền thống.

Còn bên Bộ LĐ-TB&XH ít trường nên họ đầu tư lớn cho ba trường ĐH sư phạm kỹ thuật trực thuộc bộ này để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên giáo dục nghề nghiệp, được hưởng nhiều dự án ODA về đào tạo giáo viên dạy nghề của các nước, nhất là của Đức và Nhật.

“Cả chục năm nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM không được thừa hưởng một dự án nào, thậm chí không được mời dự các hội thảo quốc tế về dạy nghề đơn giản chỉ vì khác bộ chủ quản.

Thêm vào đó hai trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Hưng Yên lại không được thụ hưởng các dự án ODA về dạy nghề của Chính phủ khi không nằm trong hệ thống của Tổng cục Dạy nghề” – ông Dũng cho biết.

Đồng thời, ông Dũng còn cho rằng các trường sư phạm kỹ thuật với thế mạnh của mình sẽ giúp các trường CĐ xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đào tạo giáo viên theo chuẩn của Bộ LĐ-TB&XH.

Do vậy các trường sư phạm kỹ thuật phải cùng một hệ thống mới điều phối với nhau được. Từ đó các trường không cạnh tranh lẫn nhau, phân vùng ra để cung cấp nguồn nhân lực chứ không phải mạnh trường nào trường nấy làm như hiện nay.

“Hiện nay, Tổng cục Dạy nghề có nghề quốc tế, nghề khu vực, nghề quốc gia nên cần phân định ra trường nào đào tạo giáo viên cho ngành nghề, khu vực nào. Cần có một đầu mối đặt hàng cho từng trường sư phạm kỹ thuật đào tạo giáo viên giáo dục nghề nghiệp chứ không nên cạnh tranh lẫn nhau như hiện nay.

Đồng thời có khảo sát cụ thể nhu cầu nhân lực từng khu vực, dựa trên thế mạnh của từng trường để đào tạo nhân lực cho khu vực đó” – ông Dũng đề nghị.

 

TRẦN HUỲNH/TTO

 

Bình luận (0)