Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu kinh nghiệm thực tế, nhiều tân cử nhân bị “chê” khi đi xin việc. Ảnh chụp SV tìm kiếm thông tin việc làm tại TP.HCM

Việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội đã được các trường ĐH, CĐ chú ý những năm gần đây nhưng hiệu quả chưa thực sự rõ rệt… Không ít sinh viên (SV) tốt nghiệp bị “chê” thiếu kiến thức thực tế.
Thiếu kinh nghiệm, SV lúng túng
Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo – đáp ứng nhu cầu xã hội” do Trường CĐ Kinh tế TP.HCM tổ chức mới đây, Diệp Tố Nhi (cựu SV ngành tiếng Anh thương mại Trường CĐ Kinh tế TP.HCM) trình bày trường hợp của chính mình: Bản thân em đã có thời gian làm cho một công ty du lịch nhưng khá lúng túng vì không có điều kiện ứng dụng kiến thức chuyên ngành. Nhi nhận thấy, cái thiếu nhất ở em chính là kinh nghiệm thực tế. Những kiến thức này không đủ nếu chỉ tích lũy từ công việc bán thời gian. “Vì vậy, SV rất cần được doanh nghiệp và nhà trường tạo điều kiện làm việc, thực tập “thực chất” dù chỉ… một ngày”, Nhi đúc kết. Anh Nguyễn Cao Quý (cựu SV khóa 2 của Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, hiện đang làm ở Phòng xuất nhập khẩu của Công ty Việt Hồng Quang) cũng từng trải qua thời gian căng thẳng và áp lực do không thích ứng kịp với công việc. Thiếu kinh nghiệm, chưa biết tổ chức cách làm khoa học nên những việc đơn giản cũng trở thành phức tạp; chỉ nắm lý thuyết suông mà thiếu cơ hội thực tế, nghiệp vụ yếu dẫn đến chậm tiến độ làm việc… là những khó khăn mà anh Quý gặp phải. Anh nhấn mạnh, kiến thức đã học và thực tế công việc có nhiều khác biệt, đòi hỏi người học phải nắm vững lý thuyết vì đó là nền tảng để thích ứng tốt. Vì vậy, phía nhà trường bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, cần hợp tác với doanh nghiệp tạo cho SV cơ hội đi thực tế nhiều hơn.
Phía tuyển dụng lao động, ông Nguyễn Tiến Điệp (Công ty TMDV Sadaco) đánh giá: “SV hiện tại quá chú trọng vào sách vở, điểm số thi cử trong khi chương trình ĐH, CĐ khuyến khích sự sáng tạo và vận dụng thực tế. Cần thiết có những đề tài yêu cầu SV tiếp cận trực tiếp doanh nghiệp để thu thập số liệu, tìm hiểu thông tin, học hỏi cách làm việc. Điều này giúp SV có cơ hội đối chiếu kiến thức đã học với thực tế”. Ông Điệp khuyến khích SV biết đầu tư cho việc học nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội đi làm. Bởi theo ông, hiện các trường thường chú trọng đào tạo những cái mình có, ít chú ý đến những cái xã hội đang cần. Nhiều kiến thức từ khi SV được học đến khi đi làm đã không còn thiết thực nữa, gây khó cho chính các em.
Chung tay đào tạo
Ai cũng biết, việc doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo sẽ giúp các trường cải tiến chất lượng, cung cấp được lứa SV đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Hải (quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM), lâu nay vấn đề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội được đề cập một cách chung chung, còn cụ thể nhu cầu như thế nào, số lượng, cơ cấu ra sao vẫn khó xác định. Trên thực tế, các trường mới chỉ đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT hay nhu cầu của người dạy, người học còn mức độ phù hợp với nhu cầu xã hội vẫn rất… mơ hồ. Phản hồi của người học sau khi tốt nghiệp về việc làm đúng chuyên ngành, chất lượng đào tạo có sát thực không là những vấn đề còn bỏ ngỏ. Ngay cả ở nhóm ngành kinh tế, hiếm có doanh nghiệp đặt hàng cụ thể cho các trường, ngoài những chương trình đào tạo ngắn hạn.
Theo ông Hải, để chương trình đào tạo sát với thực tiễn, SV tốt nghiệp có khả năng thích ứng cao với công việc thì cần có quy định nhằm gắn kết trách nhiệm đào tạo đối với doanh nghiệp. Cụ thể là đóng góp về tài chính, tạo chỗ làm, chỗ thực tập hoặc hướng dẫn thực tập cho SV… Ngược lại, phía nhà trường cũng gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng nội dung chương trình, chuẩn đầu ra… Về phía tuyển dụng, ông Nguyễn Tiến Điệp (Công ty TMDV Sadaco) cho rằng nhiều doanh nghiệp rất chú trọng vào kỹ năng (xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, giao tiếp…) khi tuyển dụng nhân sự, còn kiến thức chuyên môn họ có thể đào tạo bổ sung sau đó. Vì vậy, ông Điệp đề nghị các trường tăng cường hoạt động rèn luyện kỹ năng mềm cho SV.
Bài, ảnh: M.Tâm
SV rất thiếu kỹ năng

Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Hiệu quả nhận định, cái thiếu nhất của SV mới tốt nghiệp chính là kỹ năng. Nhiều em không định hướng được ngành học có phù hợp và ứng dụng như thế nào cho bản thân khi ra trường. Thậm chí nhiều em khi đã tốt nghiệp đi làm vẫn không biết mình có phù hợp với công việc hay không, chỉ làm việc ngày này qua ngày khác mà thiếu hẳn mục tiêu, kế hoạch cụ thể. 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)