Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo chuyên viên tâm vận động

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu chuyên viên tâm vận động (TVĐ) tại các trường dạy trẻ khuyết tật, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM đã phối hợp với Trường Thực hành TVĐ Aucouturier (Bỉ) mở khóa đào tạo chuyên viên TVĐ cho 20 học viên (HV) đến từ các trường dạy trẻ khuyết tật, bác sĩ và nhân viên y tế.
Sau khóa học, các chuyên viên TVĐ sẽ vừa làm công việc giáo dục, vừa trị liệu TVĐ cho trẻ khuyết tật (trẻ tự kỷ, tăng động, rối loạn tăng động giảm chú ý…).
Những bài học đầu tiên
Khóa học do bác sĩ tâm thần nhi người Bỉ, bà Olivette Mikolajczak, đứng ra tổ chức từ tháng 7-2008 và kết thúc vào đầu tháng 4-2011. Năm đầu tiên các HV được thực hành giáo dục TVĐ với trẻ bình thường; năm thứ 2 thực hành can thiệp nhóm với trẻ có khó khăn; năm thứ 3 thực hành trị liệu cá thể dưới sự giảng dạy của nhà TVĐ người Bỉ, bà Annette Bauer.
HV Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Bình Minh (Q.Tân Phú), cho biết: “Khóa học giúp chúng tôi hiểu, nắm bắt được thế nào là phương pháp thực hành TVĐ. Đối với trẻ bình thường cũng như trẻ khuyết tật, sự phát triển tinh thần không tách rời cơ thể. Vì thế TVĐ hướng đến đánh giá, can thiệp sự phát triển về tinh thần của trẻ thông qua con đường vận động, chơi đùa”.
Suốt khóa học, các HV được đào tạo phương pháp dạy cá thể, học lý thuyết và thực hành TVĐ. Mỗi tuần HV tham gia thực hành trên trẻ ít nhất một lần. Các giờ thực hành đều được quay phim lại rồi tất cả HV cùng phân tích, ghi nhận việc trẻ thực hành được những gì, đặc biệt chú ý sự lặp lại và thay đổi… để rút kinh nghiệm. Cái khó để có thể thực hiện điều trị TVĐ cho trẻ khuyết tật là ngoài việc tìm dụng cụ, trang bị phòng ốc, kế hoạch phù hợp với từng trẻ, chuyên viên TVĐ cần có tính kiên nhẫn, chờ đợi. Nếu giáo dục là dạy cho trẻ học cách làm, đưa trẻ vào quy củ, nguyên tắc nhất định, thì chuyên viên TVĐ cần tạo điều kiện cho trẻ khởi xướng hoạt động, tránh áp đặt, yêu cầu. HV Nguyễn Lệ Bình, bác sĩ nhi khoa (Bệnh viện Hùng Vương), cho biết: “Trẻ khuyết tật thường bị rối loạn hành vi có thể do lo sợ, chuyên viên TVĐ cần quan sát và hiểu ý nghĩa các hành vi của trẻ, giúp các em an tâm qua một số trò chơi trấn an nội tâm và tự tin dần. Trẻ rất thích thú các trò chơi này và lặp đi lặp lại nhiều lần, thế nên chuyên viên TVĐ cần sẵn sàng đáp ứng theo nhu cầu của trẻ”.
Có thể nói, phương pháp TVĐ giúp trẻ tìm lại được bản thể của mình mà chuyển đổi và phát triển về mọi mặt. Phương pháp này còn trị liệu cả trẻ thường và trẻ khuyết tật. Đối với trẻ khuyết tật thì rối loạn hành vi giảm hẳn sau thời gian điều trị tích cực khoảng 6 tháng trở lên. Trung bình thời gian trị liệu tích cực trong 2 năm, sau đó tiếp tục theo dõi hàng tháng, thưa dần, và ngưng hẳn tùy sự đáp ứng và khả năng của từng trẻ. Đặc biệt phương pháp này hiệu quả nhất với trẻ từ dưới 7 tuổi.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Hiện nay phương pháp TVĐ vẫn là phương pháp mới lạ tại Việt Nam. Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, ông Nguyễn Thành Tâm, trước đây cũng có những khóa học về TVĐ nhưng không bài bản, thời gian ngắn do đó khó đạt chất lượng cũng như không thể đáp ứng được cho nhu cầu xã hội. Còn bác sĩ Nguyễn Lệ Bình thì cho rằng trong ngành y khoa chưa có bộ môn TVĐ cũng như chưa thực sự có một nhà TVĐ.
Hiện nay nhiều trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật thiếu phòng điều trị TVĐ. Ông Nguyễn Thành Tâm cho biết: “Theo định hướng của Sở GD-ĐT TP.HCM, mỗi trường giáo dục chuyên biệt phải có một phòng trị liệu TVĐ. Song đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn thiếu nhiều về số lượng cũng như thiếu chuyên môn TVĐ đã gây khó khăn không ít cho công tác giảng dạy, điều trị và mở phòng điều trị TVĐ”. Cụ thể, tại Trường Chuyên biệt Bình Minh có 25 lớp với 200 em, cần phải có 5 chuyên viên TVĐ nhưng hiện tại chỉ có cô Lê Thị Dung, vừa tốt nghiệp khóa đào tạo TVĐ đảm trách công việc. Đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều trường khác. Theo cô Lê Thị Dung, một số trường đã có phòng trị liệu TVĐ nhưng sử dụng thiếu hiệu quả, không đúng phương pháp. Hầu hết trẻ mới chỉ được vui chơi là chính mà chưa được theo dõi, chưa giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý.
Chính vì thế, việc đào tạo 20 chuyên viên TVĐ đầu tiên đã phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt, bước đầu có hướng đi mới trong việc vừa giáo dục, vừa trị liệu TVĐ cho trẻ có rối loạn phát triển. Cụ thể, ngay từ trong quá trình học, cô Lê Thị Dung đã áp dụng những kiến thức được học ở khóa đào tạo để giáo dục 27 học sinh bị tự kỷ và tăng động ở trường. Kết quả là nhiều em đã nhận thức được hành vi, có ý thức hơn trong các hoạt động của mình. Qua đó, các em tìm lại được bản thể, giảm dần cảm giác bất an lo sợ, từng bước độc lập trong các hoạt động của bản thân. Ngoài ra, cô Dung còn đồng hành cùng phụ huynh tìm ra những khó khăn, biết cách cùng trẻ vượt qua những nỗi sợ hãi, từng bước hòa nhập với trẻ khác, người lớn và môi trường khác.
Sắp tới đây, dưới sự giúp đỡ của Sở GD-ĐT TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật tiếp tục phối hợp với Trường Thực hành TVĐ Aucouturier triển khai khóa đào tạo chuyên viên TVĐ cho giáo viên giảng dạy tại các trường giáo dục trẻ khuyết tật khác.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Giáo viên Trường Chuyên biệt Bình Minh thực hành điều trị cho trẻ sau khi được cô Lê Thị Dung truyền đạt lại kỹ năng

Bình luận (0)