Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đào tạo cử nhân Sinh học đạt trình độ quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2009, ngành Sinh học được ĐHQGHN lựa chọn là một trong các ngành mũi nhọn để đào tạo cử nhân Sinh học đạt trình độ quốc tế. Vậy chương trình này được đào tạo như thế nào? Khi ra trường sinh viên làm việc ở đâu?

Chúng tôi đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Huấn – Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN về vấn đề này.
Thưa PGS, cử nhân sinh học đạt trình độ quốc tế được đào tạo như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Xuân Huấn

Trong chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế, sinh viên được các giáo sư nước ngoài và giảng viên giỏi trong nước giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học.
Đối với chương trình này, ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn đạt trình độ quốc tế, sinh viên được ưu tiên hỗ trợ học phí và điều kiện thuận lợi về phương tiện học tập, giảng viên nước ngoài để học tốt tiếng Anh – đạt điểm 550 TOEFL hoặc 6.0 IELTS.
Ngoài ra, sinh viên có kết quả học tập tốt có cơ hội được nhận học bổng toàn phần hoặc bán phần của chương trình và học bổng của các doanh nghiệp, các tổ chức tài trợ, có cơ hội được đi đào tạo ở nước ngoài.
Thí sinh trúng tuyển vào các ngành học khác có kết quả thi xuất sắc có thể được xét tuyển bổ sung vào các ngành học đạt trình độ quốc tế này.
Khoa Sinh học được thành lập từ 1956 là một trong số các Khoa được thành lập đầu tiên của ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây. Khoa Sinh học đã trở thành một trong các trung tâm hàng đầu trong cả nước về đào tạo các cán bộ từ trình độ đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ cũng như về nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau của Khoa học sự sống và Công nghệ sinh học.
Khoa hiện có gần 100 cán bộ giảng dạy và cán bộ nghiên cứu, trong đó gần 40% là các GS, PGS, TS. Khoa có 9 Bộ môn, 2 Phòng thí nghiệm liên ngành, 1 Trung tâm nghiên cứu khoa học sự sống, 1 Bảo tàng sinh vật với bộ sưu tập hơn 100.000 mẫu thực vật và động vật lâu đời nhất, đa dạng nhất và quý hiếm nhất trong cả nước.
Ngoài ra, Khoa có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại dành cho nghiên cứu khoa học và đào tạo. Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Công nghệ Enzym và Protein đặt tại Trường ĐHKHTN chủ yếu do cán bộ của Khoa quản lý, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Đặc biệt, Khoa Sinh học đã có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều trường ĐH, cơ quan khoa học trên thế giới như Mỹ, Canada, Hà Lan, Anh, Úc, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… cũng như nhiều trường ĐH, Trung tâm, Viện nghiên cứu trong cả nước thuộc lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học và Y Dược học.
Vào học tập tại Khoa Sinh học, sinh viên có điều kiện thuận lợi là được học tập, hướng dẫn nghiên cứu khoa học bởi các nhà khoa học có trình độ, uy tín cao, giàu nhiệt huyết, thậm chí có dịp được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học giỏi của các nước tiên tiến trên thế giới đến thăm và hợp tác nghiên cứu khoa học tại Khoa.
PGS có thể giới thiệu các ngành học của Khoa đang đào tạo hiện nay?
Năm học 2009 – 2010, Khoa tuyển 180 chỉ tiêu với 2 khối A,B. Điểm chuẩn (khối B) vào trường năm 2008 của ngành Sinh học 24 điểm và ngành Công nghệ Sinh học 25 điểm.
Khoa Sinh học có 2 ngành học chính là Sinh học và Công nghệ Sinh học. Đây là 2 ngành đào tạo chính quy bậc đại học với chỉ tiêu hàng năm là 160 sinh viên. Ngoài ra, hàng năm Khoa còn đào tạo 20 – 25 sinh viên Hệ Đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng, 50 sinh viên Sư phạm Sinh học. Chương trình đào tạo của các ngành đều kéo dài 4 năm.
Từ năm thứ ba, sinh viên có thể đăng ký theo các chuyên ngành và bắt đầu thực hiện Khoá luận Tốt nghiệp theo định hướng nghề nghiệp và lĩnh vực chuyên môn yêu thích. Đối với sinh viên Cử nhân Sư phạm Sinh học, năm thứ tư học nghiệp vụ Sư phạm và thực hiện khoá luận tốt nghiệp theo các chuyên ngành Sinh học hoặc Giáo dục học.
Ngành Sinh học có 12 chuyên ngành: Di truyền học, Hoá sinh học, Tế bào – Mô phôi học, Lý sinh học, Sinh lý thực vật, Sinh lý động vật và người, Sinh học người, Vi sinh vật học, Thực vật học, Động vật không xương sống, Động vật có xương sống, Sinh thái học và Sinh học Môi trường.
Ngành Công nghệ Sinh học có 5 chuyên ngành: Di truyền học và Kỹ nghệ gen, Vi sinh vật học và Công nghệ lên men, Hoá Sinh học và Công nghệ protein – enzym, Công nghệ tế bào, Sinh Y học.
Những ngành học này có nhiều cơ hội cho “đầu ra” không và họ thường làm ở đâu thưa PGS?
Các đề tài Khóa luận Tốt nghiệp của sinh viên đều được gắn liền với các đề tài nghiên cứu của cán bộ trong Khoa hoặc kết hợp thực hiện ở các Viện nghiên cứu lớn như Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Dược liệu, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Sốt rét, Ký sinh trung và Côn trùng TW…

Tại phòng thí nghiệm khoa Sinh – ĐH KHTN, ĐH QGHN

Khoa có hệ thống các phòng thí nghiệm đại cương và chuyên ngành với các trang thiết bị thí nghiệm đầy đủ nên các môn Sinh học cơ sở và chuyên ngành đều có phần lý thuyết và phần thực hành, trong đó thời lượng thực hành chiếm trên 30%, có môn học 100% thực hành. Do vậy, khi ra trường, ngoài khả năng được trang bị kiến thức, sinh viên còn có khả năng tư duy sáng tạo, phương pháp tiếp cận khoa học để giải quyết những vấn đề thực tiễn của ngành học và đều có kỹ năng nghề nghiệp và tay nghề cao.
Những năm gần đây, các sinh viên học giỏi và xuất sắc từ năm thứ ba đều có cơ hội nhận học bổng đi thực tập ngắn hạn vào dịp hè ở một số cơ sở khoa học tiên tiến nước ngoài.
Cũng chính vì lẽ đó mà sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được xã hội sẵn sàng tiếp nhận, đánh giá cao, có đủ khả năng và điều kiện học tiếp Cao học, Nghiên cứu sinh ở các trường, viện có uy tín trên thế giới và trong nước.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Sinh học và ông nghệ Sinh học có thể  giảng dạy Sinh học ở các trường ĐH Khoa học; các trường ĐH, Cao đẳng về Nông, Lâm, Ngư, Y, Dược học, Sư phạm; các trường THPT chuyên; Nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Sinh học thực nghiệm, Công nghệ Sinh học ở các cơ quan nghiên cứu; Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến Sinh học, Nông Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Du lịch sinh thái và Môi trường; Cán bộ kỹ thuật, quản lý, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, Nông, Lâm, Ngư, Y, Dược, Khoa học hình sự, Công nghiệp nhẹ…
Xin cảm ơn PGS!
Hồng Hạnh (thực hiện)
Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)