Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo đại học – Chất lượng hay đại chúng hóa?

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường đại học trên cả nước đang bắt đầu năm học mới, câu chuyện tuyển sinh 2009 cũng đã khép lại, nhưng trong thời điểm này, hàng loạt ngành học của các trường ngoài công lập chỉ tuyển được 1 – 2 sinh viên, làng loạt ngành học của các trường công lập đang… hấp hối
Nếu được đầu tư đúng mức thì các ngành khoa học sẽ không thiếu người học. Trong ảnh: Sinh viên ngành Công nghệ Sinh học thực tập trong phòng thí nghiệm Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). Ảnh: T.HÙNG
Mở cửa 3 lần, vẫn… đìu hiu!
Sau nhiều ngày chờ đợi rồi… hy vọng ở nguyện vọng thứ 3, Trường ĐH DL Văn Hiến TPHCM buộc phải thông báo: Năm học 2009 – 2010 trường đóng cửa 5 ngành: xã hội học, văn hóa học, Việt Nam học, tiếng Anh kinh thương và ngành điện tử – viễn thông vì… không đủ lượng sinh viên tối thiểu để mở lớp. Th.S Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng đào tạo nhà trường ngậm ngùi kể, sau nhiều năm cố sức duy trì, nhưng với cảnh đìu hiu như thế này thì không còn cách nào khác là phải đóng cửa ngành.
Cách đây 3, 4 năm, sau mỗi mùa tuyển sinh, ngành tiếng Nhật của Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học (HUFLIT) TPHCM mở được tới… 4 lớp. Nhưng năm nay không thể mở được lớp do chỉ có 12 thí sinh trúng tuyển. Nhưng đáng thất vọng hơn là 2 ngành Trung Quốc học và Trung văn chỉ có… 2 thí sinh trúng tuyển (cả 3 nguyện vọng), ngành Hàn Quốc chỉ “vét” được… 4 thí sinh.
TS Nguyễn Mạnh Cường, Phó hiệu trưởng nhà trường trăn trở, 4 ngành học kể trên chết yểu từ hai, ba năm trở lại đây, nhưng năm nay, tuyển sinh quá bi đát nên trường phải đóng cửa ngành, chuyển thí sinh sang học những ngành khác thuộc khoa Đông phương học.
Tương tự, ngành tiếng Nhật của Trường ĐH DL Hùng Vương cũng đi vào “ngõ cụt” vì chỉ có 4 thí sinh trúng tuyển! Ngay cả một trường có thâm niên đào tạo các ngành ngoại ngữ như Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng đứng ngồi không yên khi phải ngưng mở lớp một số ngành song ngữ Nga – Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Đáng nói hơn, ngành tiếng Anh, một thời điểm cao ngất ngưởng, năm nay cũng rơi vào cảnh “ế ẩm” khi rất ít người học.
Không chỉ có ngành ngoại ngữ, từ kết quả tuyển sinh năm nay, cho thấy các ngành kỹ thuật cũng đang có nguy cơ gặp cảnh… chợ chiều. Những trường ngoài công lập có đào tạo các ngành kỹ thuật như ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH DL Lạc Hồng đang than ngắn thở dài vì các ngành kỹ thuật điện (điện công nghiệp), cơ – tin kỹ thuật (cơ điện tử), cơ khí tự động – robot, điện tử viễn thông, công nghệ tự động… bỗng dưng tuyển sinh không được.
Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH ngoài công lập khối kỹ thuật ngao ngán: “Năm ngoái, trường rất vui vì mỗi ngành cũng tuyển được gần 100 thí sinh, còn năm nay chỉ chừng 20…”.
Ngay cả một số trường ĐH công lập có thương hiệu như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách khoa TPHCM cũng xuất hiện một số ngành thưa thớt dần người học. Hai ngành hải dương học – khí tượng thủy văn, khoa học vật liệu của 2 trường này dù điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức bằng điểm sàn (khoảng 14, 15 điểm) nhưng “gọi” mãi cũng chỉ được 45 – 50 thí sinh, trong khi có đến 100 chỉ tiêu mỗi ngành.
Trong số hơn 30 ngành của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng có nhiều ngành được nhà trường đưa vào diện “kén” người học như: cơ khí, điều khiển tự động, công nghệ nhiệt lạnh. Qua 10 khóa đào tạo, các ngành như SP kỹ thuật công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt của Trường ĐH An Giang đột ngột tuyên bố ngưng đào tạo.
“Chưa năm nào thí sinh đăng ký và nhập học ít như vậy. Ngưng đào tạo là chuyện bất đắc dĩ, nhưng chừng đó người học làm sao nhà trường có thể mở lớp, bố trí người dạy” – TS Võ Văn Thắng, phó hiệu trưởng nhà trường than thở…
Quy luật thị trường hay sự buông lỏng quản lý?
Không phải đợi đến mùa tuyển sinh năm nay, mà từ 4 – 5 năm trước, các trường đại học ngoài công lập đã có thông báo về việc tuyển không đủ chỉ tiêu cho các ngành học, nhiều ngành có nguy cơ đóng cửa và một số ngành đã đóng cửa. Năm nay, vấn đề bỗng trở nên nhức nhối hơn khi các trường đại học chính quy, các trường đại học vùng, và cả những trường đại học “tốp trên” cũng bắt đầu lặp lại điệp khúc than thở của các “đàn em”.
Một trong những nguyên nhân của hệ quả trên, theo nhiều chuyên gia, là do sự bùng nổ về số lượng các trường đại học trong vài năm trở lại đây, rồi sự bùng phát của hàng trăm ngành nghề, trong đó, có rất nhiều ngành đào tạo trùng lắp, nhiều ngành xa lạ, không có một mục tiêu đào tạo rõ ràng. Và hơn cả, là do không có một dự báo về nhu cầu của người học cũng như nhu cầu của xã hội của từng ngành nghề cụ thể.
Nhìn từ góc độ quản lý, dễ dàng nhận thấy sự tắc trách của cơ quan chức năng trong việc cho mở trường ồ ạt, mở ngành đại trà không bằng một sự thẩm định nghiêm túc, khiến giờ đây hệ thống các trường đại học ngoài công lập đang mất dần lòng tin của xã hội, còn các trường đại học chính quy đang tranh nhau tìm nguồn vốn phụ thu từ học phí.
Theo GS Phạm Phụ, việc nhiều ngành đóng cửa, ngưng đào tạo của nhiều trường là một tín hiệu của cơ chế thị trường đối với giáo dục ĐH Việt Nam. Bản thân người học có quyền chọn những ngành theo sở thích để sau này có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp khi ra trường.
Điều này còn phản ánh nền giáo dục đang dần dịch chuyển về mục tiêu “đại chúng hóa” hơn là mục tiêu “chất lượng”. Và một khi chạy theo việc mở rộng nhanh các trường, các ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường thì chắc chắn mục tiêu đảm bảo chất lượng sẽ khó thực hiện được.
Thanh Hùng (SGGP)

Bình luận (0)