Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường CĐCông nghệ Thủ Đức đang thực hành tại DN

Mô hình “Học kỳ doanh nghiệp” được Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TDC) triển khai đã tạo một môi trường học tập thiết thực cho sinh viên (SV), rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN), đáp ứng nhu cầu thị trường lao động…
Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này là không dễ, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Toàn, nguyên Hiệu trưởng nhà trường – người có công khai sáng mô hình này. TS. Nguyễn Toàn cho biết:
– Hiện nay, SV ra trường tham gia lao động luôn được các DN đào tạo bổ sung vì các em còn thiếu nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng giao tiếp trong môi trường DN. Đây là điểm yếu nhất của hầu hết nhân lực được đào tạo tại các cơ sở giáo dục. Nguyên nhân là do chương trình đào tạo được xây dựng chưa xuất phát từ nhu cầu của DN, còn nặng lý thuyết, nội dung xa rời thực tiễn sản xuất kinh doanh. Đội ngũ giảng viên chủ yếu làm công tác giảng dạy ở nhà trường, nhiều giảng viên chưa trải nghiệm lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà mình tham gia giảng dạy… Nhận thấy những bất cập này, từ năm 2008 Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập “Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Từ quyết định này, Ban chỉ đạo được thành lập ở các địa phương nhưng hầu hết chưa hoạt động. Các cơ sở đào tạo rất lúng túng để triển khai, chưa biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu? Từ thực trạng đó, lãnh đạo TDC đã học tập mô hình đào tạo ở các nước tiên tiến, quyết tâm xây dựng và triển khai “Học kỳ DN”.
* Vậy mô hình này đã được triển khai như thế nào? có khác gì so với những kỳ thực tập thông thường của SV ở DN, thưa ông?
– Thông thường, các cơ sở đào tạo có hai phần thực tập. Một là cho SV thực tập tại xưởng trường sau khi học lý thuyết. Hai là thực tập tốt nghiệp được tổ chức kết hợp với DN hoặc cho SV tự tìm DN để thực tập. Phần thực tập này là điều kiện để SV dự thi tốt nghiệp (đào tạo theo niên chế) hoặc để công nhận tốt nghiệp (đào tạo theo tín chỉ). Thực tập tại xưởng trường, giảng viên hướng dẫn SV tập trung chủ yếu vào kỹ năng thực hành căn bản, ít quan tâm đến các mối quan hệ khác của thực tiễn sản xuất kinh doanh. Thực tập tốt nghiệp tuy có sự hỗ trợ của DN nhưng không nhiều, thời gian ngắn (khoảng 2 tháng) lại tập trung vào cuối khóa học, SV không có cơ hội sửa sai (nếu có). Với mô hình “Học kỳ DN”, SV có cơ hội đắm mình trong thực tiễn của DN như một lao động thực thụ. Tinh thần, thái độ, kỹ năng thực hành và kỹ năng giao tiếp nghề nghiệp… SV có điều kiện rèn luyện cùng lúc với thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
Trước khi triển khai mô hình, lãnh đạo trường cùng với giảng viên tham quan, khảo sát các DN có lĩnh vực sản xuất kinh doanh liên quan đến ngành đào tạo, tổ chức hội thảo với sự tham gia của các DN, thu thập ý kiến làm cơ sở cho việc điều chỉnh chương trình đào tạo… Trung tâm Hợp tác DN đã ký hợp đồng đào tạo với 8 DN trên địa bàn Q.Thủ Đức, khu công nghiệp Sóng Thần và Đồng An (Bình Dương)… để thực hiện mô hình này. Đến đầu năm 2011, chúng tôi đã hoàn tất các nội dung và bắt đầu triển khai mô hình. Sau khi học xong phần lý thuyết và thực tập cơ bản, SV được đưa xuống DN 2 ngày/tuần dưới sự giám sát của giảng viên. Mỗi tuần, các em đều làm báo cáo tình hình thực tập của mình cho khoa chuyên môn. Mỗi DN nhận từ 5 đến 10 SV, tùy theo thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và vai trò cũng như kết quả thực tập, SV sẽ được DN cấp sinh hoạt phí để khuyến khích thực tập.
* Qua hơn hai năm thực hiện mô hình, ông đánh giá kết quả đạt được như thế nào? Nhà trường có thêm những kế hoạch gì để gắn kết chặt chẽ với DN trong đào tạo, thưa ông?
– Qua hơn hai năm thực hiện, chúng tôi đã đưa gần 200 SV đến học tập tại các DN. Trong môi trường lao động sản xuất kinh doanh, các em cảm nhận được những yêu cầu phong phú, đa dạng và sinh động của DN. Tư cách, tác phong chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp nghề nghiệp được hình thành cùng với kiến thức được củng cố, kỹ năng hành nghề được nâng cao. Các em nắm bắt được những thông tin nghề nghiệp, nhu cầu tuyển dụng, chia sẻ với những lao động có kinh nghiệm… qua đó có điều kiện thích nghi với nghề nghiệp. Cơ hội được thu nhận sau khi tốt nghiệp là trong tầm tay và do chính các em quyết định.
Để chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nhiều hơn nữa, chúng tôi không chỉ thực hiện mô hình “Học kỳ DN” cho SV mà ngay cả giảng viên cũng được cử đến DN để học tập. Hiện đã có 9 giảng viên đến DN nghiên cứu, học tập và lao động sản xuất kinh doanh từ 3 đến 6 tháng… Những nghiên cứu thực tiễn này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với giảng viên bởi có trải nghiệm thực tế thì họ mới biết được thị trường lao động đang cần gì và họ phải làm thế nào để giúp cho SV đạt được mục tiêu học tập. TDC đang tiếp tục tạo điều kiện cho ngày càng nhiều giảng viên của trường có cơ hội gắn DN để góp phần thực hiện sứ mạng của nhà trường là “Đào tạo nguồn nhân lực có đạo đức và năng lực, yêu nghề, sáng tạo, biết tự khẳng định giá trị, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, có ý thức học tập suốt đời”.
Bài, ảnh: Minh Châu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)