Đào tạo gắn với doanh nghiệp đang có một bước chuyển mới – người học, doanh nghiệp và nhà trường đều hưởng lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng phía nhà trường phải mạnh dạn hơn nữa trong phối hợp xây dựng giáo án và mở rộng các ngành nghề.
Bà Phạm Thị Thanh Thúy (Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Thiết bị điện Sài Gòn) trao đổi tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp do Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM tổ chức |
Doanh nghiệp đồng hành với nhà trường
Ông Nguyễn Thành Nhân (Trưởng phòng Đào tạo Công ty TNHH Toyota Phú Mỹ Hưng, TP.HCM) cho rằng, không ít cơ sở dạy nghề còn e dè trong quan hệ với doanh nghiệp như vậy chính người học thiệt thòi, không được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế. “Trường nào có nhu cầu, chúng tôi hỗ trợ hết mình cho giáo viên, sinh viên đến thực tập”, ông Nhân nói tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp do Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM tổ chức mới đây.
Tại hội nghị này, đại diện Công ty Điện tử viễn thông Thanh Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ, công ty sẵn sàng tạo mọi điều kiện để giáo viên tiếp cận công nghệ mới, không hề có rào cản nào, nếu có là do tâm lý từ phía nhà trường. Là đơn vị sản xuất kinh doanh, có nhiều phòng ban nên công ty cần sinh viên ở nhiều ngành nghề khác nhau chứ không chỉ cần kỹ thuật viên. Cụ thể, công ty cần sinh viên ngành tài chính ngân hàng để tiếp cận hồ sơ, số liệu thực tế hỗ trợ kế toán nhưng chẳng thấy ai tìm đến. Nhiều doanh nghiệp khác cũng than rằng, cần sinh viên đến thực tập các ngành nghề, sau đó tuyển dụng vào làm việc lâu dài ở các vị trí nhưng không có. Thực tế, lâu nay cả nhà trường và sinh viên đều có suy nghĩ học ngành tài chính ngân hàng là phải đến ngân hàng thực tập, vậy là chưa ổn. Ông Phạm Chiến Quốc (Giám đốc chi nhánh Q.7 Ngân hàng Đông Á) cam kết hỗ trợ sinh viên ngành tài chính ngân hàng thực tập hiệu quả tại các chi nhánh gần nhất. Tuy nhiên, ông Quốc cũng lưu ý các khoa nên dàn trải số lượng, đồng thời các trường cũng chủ động liên kết với các ngân hàng bạn.
Bà Trần Thị Quỳnh Giao (Giám đốc nhân sự Công ty CP Nhựa Rạng Đông) cho biết, theo định hướng phát triển, mỗi năm công ty cần 300-400 công nhân kỹ thuật và những năm tiếp theo cần khoảng 2.000 lao động trình độ TC, CĐ chuyên ngành hóa; tuy nhiên, hiện nay các trường nghề chưa đào tạo trình độ này. Chúng tôi đặt hàng các trường và sẽ cùng xây dựng giáo án, khi sinh viên ra trường, công ty tuyển dụng và đào tạo chuyên sâu nhựa composit hay polime, như vậy sẽ giảm chi phí cho người học. Bà Giao cũng than phiền không ít sinh viên ra trường nhưng còn hạn chế ở nhiều mặt, như thụ động trong trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, không tự mình học hỏi hoặc chủ động liên hệ tìm hiểu, thắc mắc.
Để đào tạo gắn với doanh nghiệp hiệu quả hơn
Tính kỷ luật của sinh viên thực tập cũng được bà Trần Thị Quỳnh Giao đề cập: Không có ý thức kỷ luật trong thời gian thực tập là thiệt thòi cho chính người học. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, dây chuyền hiện đại, nhãn hiệu, bao bì về thực phẩm… yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, kỷ luật lao động nhưng không ít sinh viên thực tập xem thường.
Từ thực tế đó, bà Giao đề xuất: “Cần có quãng thời gian để người học tiếp cận với doanh nghiệp. Thời gian kiến tập dài hay ngắn có thể tùy môn học nhưng không thể ngắn quá. Các khoa cử sinh viên đến doanh nghiệp nên xây dựng một chuyên đề để doanh nghiệp bố trí người hỗ trợ đúng chuyên đề đó chứ không thể để doanh nghiệp tự chọn cho sinh viên, tránh mất thời gian lại không hiệu quả. Trong thời gian đào tạo, bắt buộc sinh viên phải hoàn tất học phần về kỷ luật trong lao động, trang bị cho các em ý thức tuân thủ quy trình, quy định của doanh nghiệp”.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Thúy (Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Thiết bị điện Sài Gòn) đặc biệt quan tâm đến thái độ tiếp cận của sinh viên thực tập với đồng nghiệp. Bà Thúy thẳng thắn: “Trong thực tập, người học phải tìm tòi, sáng tạo, từ đó các em mới có thể viết được luận án hay, lạ. Tôi không chấp nhận nhà trường đưa luận án về công ty, kết thúc thời gian thực tập chúng tôi ký vào là xong”.
Tương tự, ông Phạm Văn Hoàng (Công ty CP Đầu tư phát triển Liên Anh) đúc kết: “Không chỉ thực tập chuyên môn đào tạo ở nhà trường, sinh viên còn phải nắm vững từng mô hình doanh nghiệp, bảo mật trong doanh nghiệp như một nhân viên của công ty đó. Sinh viên thực tập phần lớn phải chịu khó tiếp cận, chuẩn bị các câu hỏi về chuyên môn”.
Ông Đỗ Thanh Vân (Phó phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, TP.HCM hiện có 501 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo quy định, một giáo viên phải có 4 tuần thực tập/năm, như vậy có khoảng 12.000 giáo viên đến doanh nghiệp thực tập/năm; và mỗi sinh viên có 300-400 giờ thực tập/năm tại doanh nghiệp. Ông Vân đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực từ doanh nghiệp, thực tập đi sâu vào bản chất công việc, vào chuyên môn chứ không còn hình thức như trước.
“Để đạt kết quả cao trong thực tập, ngoài nỗ lực của bản thân người học, nhà trường và doanh nghiệp cũng cần ngồi lại để xây dựng đề tài cho sinh viên”, đại diện Công ty CP Cơ khí Đồng Tâm – một đơn vị nhiều năm đồng hành với các trường TC-CĐ hỗ trợ giáo viên, sinh viên thực tập và tuyển dụng lao động – chia sẻ.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)