Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo giáo viên thay người nước ngoài dạy chương trình tích hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình tích hợp ở các trường học tiên tiến của TP.HCM định hướng thu hút con em người nước ngoài vào học với cơ chế tự chủ về tài chính.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn /// Ảnh: Ngọc Dương
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ngày 3.1, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP có kế hoạch đào tạo 500 giáo viên để đảm trách việc dạy chương trình tích hợp trường học tiên tiến bậc phổ thông. Hiện tại đã đào tạo được khoảng 100 giáo viên đủ trình độ, đến 2020 sẽ có khoảng 500 giáo viên và tiếp tục đào tạo thêm trong những năm tiếp theo nhằm bổ sung, thay thế dần nguồn giáo viên người nước ngoài đang dạy các lớp tích hợp. Khi đó, có thể môn tiếng Anh do giáo viên người nước ngoài đảm trách, các môn còn lại như toán, khoa học… do giáo viên TP đào tạo đảm trách.
Theo bà Thu, một số trường trên địa bàn TP thời gian qua được chọn thí điểm theo mô hình trường tiên tiến. Theo đó, một số lớp ở các trường này học chương trình tiếng Anh tích hợp được biên soạn tích hợp giữa chương trình Anh quốc với chương trình chuẩn quốc gia của VN cho 3 môn tiếng Anh, toán, khoa học.
Khi xây dựng đề án phát triển giáo dục TP.HCM đến năm 2030 và đặt ra tầm nhìn cho những giai đoạn phát triển tiếp theo, TP tính toán chương trình tích hợp ở các trường học tiên tiến ở TP.HCM định hướng thu hút con em người nước ngoài vào học với cơ chế tự chủ về tài chính.
“TP.HCM cũng có kế hoạch phát triển mô hình trường tiên tiến, mà đã là tiên tiến thì phải có du học sinh vào học góp phần tăng điều kiện giao lưu. Nếu như chỉ ở môi trường “nội địa hóa” mình cảm thấy tốt rồi, mà khi có du học sinh vào học, bản thân các trường cũng phải tự lực đổi mới, chương trình phải đồng bộ, phát triển như các trường tiên tiến trong khu vực và thế giới, được các quốc gia khác công nhận, khẳng định được uy tín để thu hút du học sinh”, bà Thu nói.
Về lộ trình xây dựng đề án tổng thể, bà Thu cho biết TP đã duyệt đề cương, đến quý 2/2018 sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy để quyết chủ trương. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM sẽ báo cáo Bộ GD-ĐT để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Đình Phú/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)