Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo giáo viên Tiểu học hệ không chính quy: Cần đổi mới chương trình phù hợp với thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay nhu cầu học tập và tham gia các lớp chuẩn hóa hệ ĐH của GVTH trên địa bàn TP.HCM ngày càng tăng (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế tri thức. Điều này đòi hỏi mọi người phải có cơ hội và được hỗ trợ để học tập nâng cao kỹ năng một cách thường xuyên.
Trong điều kiện khoa học, kĩ thuật phát triển nhanh, muốn hiện đại hóa GD-ĐT, trước hết phải hiện đại hóa thầy giáo, đặc biệt là đội ngũ thầy giáo các trường tiểu học (TH), là bậc học đầu tiên của giáo dục phổ thông.
1. Xuất pháttừ nhu cầu mở rộng quy mô đào tạo và góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng và nâng chuẩn giáo viên (GV) TH hiện đang công tác tại TP.HCM. Trường ĐH Sài Gòn (trước đây là Trường CĐ Sư phạm TP.HCM) đã liên kết đào tạo với Trường ĐH Sư phạm Huế mở sáu khóa đào tạo GV TH từ trình độ CĐ lên ĐH cho khoa Giáo dục TH từ 2002 đến 2007. Kết quả: 
Khóa – năm đào tạo
Số lượng tuyển vào
Số lượng tốt nghiệp (tính cả số SV năm trước & năm hiện tại)
K.10 – 2002 – 2004
142
110
K.11 – 2003 – 2005
253
204
K.12 – 2004 – 2006
169
178
K.13 – 2005 -2007
202
215
K.14 – 2006 – 2008
202
210
K.15 – 2007 – 2009
234
219
Kết quả 6 năm đào tạo
1202
1136 – 94,5%
Từ năm 2008, với sự phát triển và lớn mạnh, trường đã chủ động mở được 2 lớp đào tạo bậc ĐH cho các hệ vừa làm vừa học (VLVH), với kết quả:
Khóa – năm đào tạo
Số lượng tuyển vào
Số lượng tốt nghiệp
Kết quả
 đào tạo
K.08 – 2008 – 2010
197
177
89,8%
K.09 – 2009 – 2011
146
Những học viên tham gia học tập là những GV đang trực tiếp giảng dạy tại các trường TH và họ đã trở lại học để nâng cao trình độ sau thời gian từ 2 đến 10 năm. Nhiều học viên đã lớn tuổi, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và có người là GV dạy giỏi cấp thành phố… Trước sự đa dạng của người học như trên, đòi hỏi phải có những thay đổi trong công tác quản lý dạy và học để cải tiến chất lượng đào tạo GVTH các hệ ngoài chính quy có hiệu quả cao hơn.
Để tìm hiểu thực trạng về việc đào tạo GVTH từ CĐ lên ĐH hệ VLVH, chúng tôi đã dùng phiếu khảo sát học viên sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục TH hệ VLVH với 5 lĩnh vực và kết quả thu được như sau: Lĩnh vực 1: Mục tiêu và chương trình đào tạo (có 47/62 phiếu = 75,8% đồng ý và 15/62 phiếu = 24,2 % không đồng ý); lĩnh vực 2: Đội ngũ giảng viên của khoa (có 53/62 phiếu = 85,5% đồng ý và 9/62 phiếu = 14,5 % không đồng ý); lĩnh vực 3: Sự đáp ứng của khoa học (có 53/62 phiếu = 85,5 % đồng ý và 9/62 phiếu = 14,5% không đồng ý); lĩnh vực 4: Quản lý và phục vụ đào tạo (có 45/62 phiếu = 72,6% đồng ý và 17/62 phiếu = 27,4 % không đồng ý); lĩnh vực 5: Các chế độ chính sách (có 40/62 = 64,5 % đồng ý và 22/62 = 35,5% không đồng ý).
Đối với cả năm lĩnh vực trên, hơn 65% các học viên đều đồng ý với các tiêu chí đã đưa ra. Tuy nhiên ở cả năm lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng còn tới 35% số người được hỏi chưa tán thành.
Bên cạnh việc tìm hiểu ý kiến của người học xung quanh năm lĩnh vực trên, chúng tôi còn tìm hiểu một số ý kiến khác có liên quan đến chương trình đào tạo. Trong đó có những ý kiến cho rằng không cần thiết phải đưa vào chương trình để học các môn cơ bản như hình học sơ cấp vì đối tượng học là những người lớn tuổi không còn nhớ những kiến thức toán học cao cấp, đồng thời những kiến thức của môn hình học sơ cấp đó không liên quan đến việc giảng dạy ở TH, hoặc các học phần âm nhạc, mĩ thuật thì đã có GV chuyên trách. Phần lớn chỉ chú trọng vào các môn cơ sở như phương pháp giảng dạy toán, phương pháp giảng dạy tiếng Việt… Vì theo họ, đó là những học phần sẽ phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy.
2. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần bổ sung vào chương trình đào tạo học phần tiếng Anh, vì đó là một học phần thiết nghĩ rất cần thiết trong giai đoạn ngày nay, giai đoạn mà CNTT đang phát triển, Internet đang trở nên phổ biến, tài liệu thì không thiếu mà hầu hết tài liệu trên mạng không được viết bằng tiếng Việt. Vấn đề duy nhất ở đây là học viên chưa biết tận dụng hết những tài nguyên này. Ngoài ra chương trình chủ yếu là cung cấp kiến thức cho người học mà ít chú trọng đến việc dạy người học cách tiếp cận, cách đánh giá vấn đề.
Qua trao đổi với một số GVTH tại TP.HCM, chúng tôi nhận thấy hiện nay vẫn còn một số trường hợp người học đã tốt nghiệp hệ CĐ sư phạm nhưng thuộc các chuyên ngành khác. Ví dụ như chuyên ngành hóa học, sau khi ra trường do tình hình thực tế lúc bấy giờ thừa GV THCS mà lại thiếu GVTH, do nhu cầu công tác, thế là họ chuyển sang giảng dạy TH suốt 10 đến 15 năm nay. Mặc dù họ rất muốn học để được nâng cao trình độ lên ĐH với hình thức VLVH như bao GVTH khác nhưng không được do chuyên ngành đào tạo của họ trước đây không phù hợp với TH. Phải chăng đây cũng là một vấn đề cần được các nhà quản lý chúng ta quan tâm nhằm tạo cho người học vượt qua được rào cản này, có như thế mới góp phần: “Tạo điều kiện cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, suốt đời”.
3. Qua thực tế cho thấy, nhu cầu học tập và tham gia các lớp chuẩn hóa hệ ĐH của đội ngũ GVTH trên địa bàn TP.HCM ngày càng tăng. Xuất phát từ đó, chúng tôi xin được đề xuất một số ý kiến sau:
Nơi đào tạo: Bổ sung thêm vào chương trình đào tạo học phần tiếng Anh để giúp học viên có cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ phổ biến hiện nay trên thế giới một cách liên tục từ CĐ lên ĐH… Mở thêm một số học phần chuyển đổi phù hợp với chương trình đào tạo của TH để giải quyết tình trạng thực tế hiện nay của một số GV THCS đang dạy TH, từ đó giúp họ rộng đường để nâng cao trình độ sau này. Đối với những học phần có GV chuyên trách như mĩ thuật và âm nhạc thì nên xem xét lại, mặc dù GVTH phải là người dạy đủ các môn học. Nhưng hiện nay ở các trường TH đã có các GV chuyên trách, vậy phải chăng việc tổ chức cho học viên học hai học phần trên là không cần thiết? Nếu thế thì nên giảm bớt để tránh hiện tượng kiến thức cái thì quá thừa, cái lại quá thiếu… Đơn vị công tác: Thực hiện việc động viên khuyến khích các GV tại cơ sở tiếp tục học lên trình độ ĐH, sao cho mỗi cá nhân thấy được việc học tập để nâng cao trình độ là một nhu cầu rất cần thiết: “Học để biết; Học để làm; Học để tự khẳng định mình; Học để cùng chung sống”. Tránh tạo những áp lực trong công việc để người đi học có thời gian tập trung hơn trong việc học…
ThS. Huỳnh Thị Kim
(Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn)

Với quy mô đào tạo ngày càng lớn, đòi hỏi phải cải tổ công tác tổ chức dạy và học, tăng cường công tác quản lý để làm tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cho đội ngũ GVTH hiện nay; trong đó có cả việc bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho những GV lớn tuổi.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)