Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo GVMN theo chương trình giáo dục mới: “Cung” còn chạy sau “cầu”

Tạp Chí Giáo Dục

Với chương trình GDMN mới, GV cần được đào tạo cả chuyên môn và phẩm chất đạo đức

Trên 94% giáo viên mầm non (GVMN) trong cả nước đạt và trên chuẩn. Tuy nhiên, trình độ và chuyên môn của GV vẫn chưa thực sự tương thích với yêu cầu của chương trình giáo dục MN mới”, TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã phát biểu như vậy tại hội thảo khoa học “Đào tạo GV đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDMN” do Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM tổ chức trong 2 ngày 25 và 26-12.
GVMN còn lúng túng khi lên lớp
Chương trình GDMN mới là một chương trình khung, mang tính mở rất cao. Theo đó GV có nhiều cơ hội thể hiện những ý tưởng sáng tạo của mình. Còn trẻ, được tạo điều kiện để phát triển thể chất, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách để chuẩn bị vào lớp 1. Chương trình được thí điểm thực hiện tại 20 tỉnh, thành từ năm 2005 đến 2009. Và từ năm học 2009-2010 sẽ triển khai đại trà, đến năm 2012 bắt buộc tất cả các trường MN phải thực hiện chương trình mới.
“Việc thực hiện chương trình GDMN mới phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ GV nhưng trình độ, chuyên môn của GV là chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Đây là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo GVMN”, TS. Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
Theo kết quả nghiên cứu của TS. Lê Thu Hương – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chất lượng & Phát triển chương trình GDMN thì: Từ 11,4 đến 30% GV thấy khó khăn khi lập kế hoạch chăm sóc, GD trẻ theo chương trình GDMN mới; 11,1 đến 27% GV thấy khó khăn khi xây dựng và tổ chức môi trường cho trẻ hoạt động như tổ chức môi trường hoạt động an toàn cho trẻ, tổ chức môi trường hoạt động mang tính mở, kích thích trẻ tích cực hoạt động và sáng tạo…
ThS. Trần Thị Kim Thoa – Hiệu trưởng Trường MN 11, Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Việc áp dụng chương trình GDMN mới đòi hỏi GV phải năng động, sáng tạo, phải biết xây dựng các hoạt động phù hợp với trẻ. Và các hoạt động đó phải khơi gợi được hứng thú và kích thích trẻ hoạt động tích cực. Tuy nhiên khi GV, nhất là giáo sinh thực tập soạn một đề tài cho hoạt động 1 ngày hay 1 tuần theo chủ đề thường có 2 xu hướng. Nếu GV thiên về khám phá khoa học thì bỏ sót kỹ năng sống cho trẻ, ít dạy xúc cảm và tình cảm. Nếu GV dạy theo tăng cường tính thoải mái, tự do cho trẻ thì bỏ sót tính kỹ năng bộ môn”.
Hiệu trưởng của một số trường MN thực hiện chương trình GDMN mới cũng thừa nhận là chương trình rất hay nhưng khi áp dụng vào thực tế thì không đơn giản chút nào. Áp lực vì sĩ số học sinh, cơ sở vật chất chưa tương xứng và đặc biệt là phương pháp dạy của GV vẫn không thoát ra được kiểu “thầy đọc – trò chép”. Nhiều GV vẫn hay áp đặt trẻ phải làm theo ý mình mà không hề quan tâm đến tình cảm của trẻ, vô tình GV đã làm tổn thương trẻ…
Đào tạo GV gắn với thực tiễn GD
“Muốn nâng cao chất lượng GDMN thì trước hết phải nâng cao chất lượng của người GV. Bởi GV là người biến các mục tiêu GD thành hiện thực và đảm bảo chất lượng GD nếu họ là những người được đào tạo có chất lượng. Nghề GVMN có những đặc thù riêng so với những nghề GV khác, bởi đối tượng GD là trẻ em còn nhỏ và ngây thơ. Vì vậy, việc đào tạo GVMN phải hướng đến hình thành những phẩm chất và năng lực nghề, tránh lý thuyết hàn lâm và phải gắn với thực tiễn của GDMN”, TS. Hồ Lam Hồng – Viện Nghiên cứu Sư phạm, ĐHSP Hà Nội khẳng định.
Đại diện cho người sử dụng lao động, bà Huỳnh Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường MG Sơn Ca, TP.Tân An – tỉnh Long An đề xuất: “Các trường sư phạm cần đào tạo kỹ năng thực hành đàn, hát, làm đồ dùng đồ chơi… cho sinh viên. Vì trên thực tế, có nhiều giáo sinh khi ra trường không có khả năng hát, múa đúng, không khéo léo trong việc làm đồ dùng đồ chơi. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện chương trình GDMN mới của các trường mầm non”…
ThS. Lê Thị Liên Hoan – Phó trưởng Phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có ý kiến: “Với chương trình GDMN mới, việc giáo dục trẻ không chỉ bó gọn trong những tiết học, giờ chơi mà có trong tất cả các hoạt động diễn ra hàng ngày trong trường. Theo đó, nhân cách của GV rất quan trọng vì trẻ học theo gương của cô. Vì vậy, các trường sư phạm không chỉ đào tạo chuyên môn cho giáo sinh mà cần phải giáo dục cả phẩm chất phù hợp với GDMN. Chỉ khi nào GV là người cởi mở về tư tưởng, tự tin, sáng tạo trong công việc, quan tâm đến cảm xúc của người khác thì mới giáo dục được trẻ theo chương trình mới”.
Đại diện cho các “lò” cung cấp GVMN, ThS. Lê Thị Thanh Bình – Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM cũng phải thừa nhận là chất lượng đào tạo GV còn nhiều hạn chế, cần phải có sự thay đổi. Bà cho rằng: “Nội dung giảng dạy của tất cả các bộ môn phải được thực hiện một cách nhất quán, hướng đến mục tiêu chung – đào tạo nghề GDMN. Giảng viên phải nêu ví dụ minh họa gắn liền với ngành MN để giúp sinh viên hiểu được mối quan hệ biện chứng giữa lý thuyết và thực tế, giữa sự phát triển của toàn xã hội và sự phát triển của trẻ…”.
Ngoài ra, rất nhiều ý kiến cho rằng các trường sư phạm nên tăng thời lượng thực hành, giảm bớt học lý thuyết trên lớp.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)