Tại Việt Nam, nhiều trường TC-CĐ đã áp dụng mô hình đào tạo nghề kép. Theo đó, nhà trường và doanh nghiệp (DN) cùng tham gia giảng dạy đảm bảo quyền lợi các bên, trong đó có người học.
Học sinh Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương thực hành nghề tiện
Tuyển sinh được nhờ… đào tạo kép
ThS. Dương Đình Dũng (Khoa Công nghệ thông tin, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng mô hình đào tạo kép mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Như DN có ngay đội ngũ lao động vững kỹ năng nghề, đáp ứng ngay yêu cầu và gắn bó lâu dài với DN. Người học tự tin cạnh tranh trên thị trường lao động vì được đào tạo bài bản, trải nghiệm qua hoạt động thực hành. Hiện có khoảng 2/3 học sinh trong nhóm độ tuổi từ 15-18 chọn hình thức đào tạo nghề kép. Tiêu chuẩn được lựa chọn vào hệ thống đào tạo này phụ thuộc vào chất lượng học nghề của học sinh.
Cũng theo ông Dũng, hiện nhiều trường trong nước đã thực hiện mô hình này hoặc đào tạo theo nhu cầu của DN và đã thành công. Có trường còn chủ động liên kết với nước ngoài thông qua những tập đoàn sản xuất lớn để đào tạo nhân lực cho DN. Trong mô hình này, cố vấn và chuyên gia của DN cùng với giảng viên của trường trực tiếp tham gia giảng dạy với 30% lý thuyết, 70% thực hành. Gần kết thúc chương trình đào tạo, người học vừa học vừa làm ra sản phẩm cho DN và được hưởng lương. Được biết, bên cạnh việc ký kết đào tạo kép giữa nhà trường và DN, hiện Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM còn hợp tác với Viện Hợp tác và phát triển châu Âu – IECD Việt Nam đào tạo nghề cung cấp điện cho các tòa nhà công nghiệp, dân dụng và bảo trì sửa chữa ô tô tại Việt Nam.
Từ năm 2013, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex đã áp dụng mô hình đào tạo kép tại DN với thời lượng 50% lý thuyết và 50% thực hành, sinh viên được thực hành trên dây chuyền sản xuất của DN. Tương tự, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cũng là một trong số ít các trường có quan hệ với DN rất tốt ở hầu hết các ngành nghề. Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết gần đây trường phối hợp với Tân Cảng – STC đào tạo ngành logistics. Theo đó, sinh viên được thực hành ở môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng với cảng biển lớn. TS. Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết bên cạnh các ngành nghề cũ, nhiều ngành nghề mới tuyển sinh trong 1-2 năm trở lại đây như logistics, kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải… cũng được DN chủ động tham gia đào tạo. Thực tế con số tuyển sinh tăng theo từng năm, đặc biệt là các ngành nghề thực hiện đào tạo kép.
Có thể nói một thời gian dài thị trường lao động Việt Nam luôn trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” do xã hội chuộng bằng cấp và chương trình GDNN còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tế. Do đó, đầu tư phát triển mô hình kết hợp đào tạo – hướng nghiệp giữa trường và DN sẽ là hướng đi quan trọng trong tương lai cho nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực.
Không dễ tìm DN tham gia đào tạo
Bên cạnh những ưu điểm, việc thực hiện đào tạo nghề kép cũng gặp không ít khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân đến thời điểm này chỉ có số ít trường thực hiện, một số đang còn thí điểm. ThS. Phan Tấn Quốc (đại diện Trường ĐH Sài Gòn) nhìn nhận khó khăn nhất là việc mời các chuyên gia của DN tham gia giảng dạy trong giờ hành chính, đó là chưa nói đến tìm người giảng dạy lâu dài cũng rất khó. Thêm nữa, để đạt mục tiêu hợp tác có lợi cho người học và DN, nhà trường mất khá nhiều thời gian và chi phí trong việc duy trì các mối quan hệ hợp tác. Việc tổ chức đào tạo đòi hỏi sự linh động làm cho khâu tổ chức mất nhiều thời gian và công sức, gặp khó khăn khi áp dụng số lượng lớn người học.
Ở một số quốc gia, nhờ mô hình đào tạo nghề kép mà tỉ lệ thất nghiệp thấp. Như Thụy Sỹ, tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ chiếm 3,7% (tỉ lệ thất nghiệp ở mọi độ tuổi là 3,2%); tại Đức tỉ lệ là 13% sau 6 tháng tốt nghiệp… |
Tương tự, ThS. Dương Đình Dũng cũng chỉ ra khó khăn trong đào tạo kép là chương trình đào tạo chưa chuẩn hóa theo hướng thực tế, chưa có tính modul, có sự chồng chéo giữa các môn. Khó khăn nữa là đội ngũ giảng dạy chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, tìm DN đủ điều kiện để kết hợp không dễ vì đặc điểm ngành nghề nên số DN có đủ môi trường phục vụ đào tạo không nhiều.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) khẳng định thực hiện đào tạo kép nhằm tận dụng thế mạnh của DN trong việc cung cấp kiến thức mới, trang thiết bị hiện đại cho người học. Đồng thời gắn kết với DN trong các hoạt động như xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo trực tiếp tại DN, cung ứng nhân lực…
TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá: Lợi ích của đào tạo kép cho các bên đã rõ. Tuy nhiên, hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào nỗ lực của các trường và chính DN. Việc lựa chọn DN để hợp tác đào tạo cũng phải cân nhắc kỹ, đảm bảo quyền lợi cho các bên và có tính lâu dài. “Các trường chú trọng đào tạo các nhóm ngành kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng thị trường lao động hội nhập trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và lao động tự do dịch chuyển trong cộng đồng ASEAN. Tổ chức đào tạo phải đảm bảo 30% thời lượng lý thuyết và thực hành căn bản tại trường, 70% thời lượng thực hành chuyên sâu tại DN”, TS. Dũng lưu ý.
T.Anh
Bình luận (0)