Sự kiện giáo dụcTin tức

Đào tạo khối ngành sư phạm: Nơi thừa nơi thiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương 3 trong giờ thảo luận nhóm. Ảnh: Q.Huy

Đào tạo thiếu gắn với dự báo nhu cầu nhân lực suốt các năm qua đã khiến ngành giáo dục “khốn đốn” trong việc phân bổ việc làm cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp do nơi quá thừa nơi lại rất thiếu.

Sẽ có quy hoạch phát triển giáo viên
Năm 2006, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc các trường sư phạm lần đầu tiên và ra Nghị quyết 08/NQ-BCSĐ về việc phát triển ngành sư phạm, các trường sư phạm giai đoạn 2007-2015. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thời điểm đó, dù chúng ta đã đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các trường sư phạm, chuẩn hóa các điều kiện hoạt động của nhà trường nhưng lại chưa xác định được đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục chính là khâu đột phá để phát triển giáo dục cả nước. Cho nên, các trường sư phạm cũng không tránh khỏi những yếu kém chung của ngành giáo dục.
Cũng theo Phó thủ tướng, năm 2006, chúng ta cũng chưa đặt ra phương châm đào tạo theo nhu cầu xã hội, chưa nhận thức được đây chính là động lực. Năm 2007, chủ trường này mới được bộ chú trọng. Thực tế, trong nhiều năm, công tác dự báo nhu cầu giáo viên các bậc học ở các vùng miền bị chính ngành giáo dục bỏ quên. Do vậy, chưa có mục tiêu đào tạo về số lượng ngành nghề cho khối sư phạm cả nước.

Các đại biểu tại đầu cầu Cần Thơ nêu ý kiến
Ảnh: Đan Phượng
Ngày 27-8, Hội nghị toàn quốc các trường sư phạm được Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức, một lần nữa vấn đề này lại đươc các đơn vị đào tạo sư phạm nhấn mạnh. ThS. Đoàn Thị Minh Công (Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương) nêu thực tế, tại tỉnh nhà rất đông sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra không có việc làm, nhất là đối với khối ngành giáo dục xã hội. ThS. Công đề nghị, công tác đào tạo sư phạm trong các trường cần gắn với việc điều tra, xem xét nhu cầu nhân lực tránh tình trạng dư thừa. Phía các trường lại “kêu”, thiếu dự báo nhu cầu nhân lực khiến họ không có căn cứ để đào tạo. TS. Tôn Thất Dụng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Huế) cho biết, trường xây dựng chỉ tiêu đào tạo dựa trên các tiêu chí đội ngũ, cơ sở vật chất và nhu cầu giáo viên của Sở GD-ĐT. Thực tế, trường không thể biết trong thời gian khoảng 5 năm tới, mỗi ngành sư phạm cần bao nhiêu giáo viên để cân đối đào tạo. Việc không làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực khiến trường khó đảm bảo đầu ra cho sinh viên.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, tháng 9 tới, sẽ công bố quy hoạch phát triển giáo viên cả nước. Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã ký quy hoạch phát triển nhân lực cả nước, trong đó có giáo viên. Theo đó, ở ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải ký quy hoạch phát triển giáo viên cả nước từ phổ thông đến ĐH và sẽ công bố chậm nhất vào tháng 9. Đồng thời, chủ tịch UBND các tỉnh cũng công bố quy hoạch nhân lực địa phương mình cho các ngành nghề nói chung và ngành sư phạm nói riêng để các đơn vị định hướng đào tạo.
Mạnh dạn đổi mới tuyển sinh
ThS. Đoàn Thị Minh Công, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương:“Mong Bộ GD-ĐT xem lại mô hình đào tạo liên thông, liên kết. Tại Hải Dương sinh viên sư phạm rất khó có việc làm vì các trường phổ thông hầu như đủ biên chế. Trong khi đó các cơ sở liên kết vẫn liên tục mở những khóa đào tạo sư phạm mà người học chỉ học thời gian rất ít nhưng luôn luôn tốt nghiệp 100%, rồi từ trung cấp học liên thông lên bậc đại học, trong đó đa số tốt nghiệp loại giỏi nhưng năng lực rất hạn chế”.
Vấn đề đổi mới tuyển sinh ngành sư phạm cũng được nhiều trường đề nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Những năm gần đây, đầu vào của không ít ngành sư phạm tụt giảm đáng kể. PGS.TS Phạm Minh Hùng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh) chia sẻ, các học sinh giỏi thường không chịu thi vào ngành sư phạm, để đảm bảo chỉ tiêu trường phải hạ điểm chuẩn xuống tận mức sàn để xét tuyển. Đại diện một trong hai đơn vị đào tạo nhân lực sư phạm trọng điểm của cả nước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Hoàng Văn Cẩn cũng bày tỏ, không thể có chất lượng nếu tuyển thí sinh vào ngành ngữ văn với mức điểm ngang bằng sàn trong khi môn chính này chỉ đạt có 2 điểm và phải nhờ các môn khác “kéo” điểm lên. Theo ông Cẩn, nhất thiết môn thi tương ứng với ngành học phải đạt tối thiểu điểm 5. Không chỉ đổi mới tuyển sinh, ông Cẩn còn nhấn mạnh việc tăng cường nghiệp vụ sư phạm thường xuyên cho sinh viên ngay từ học kỳ 2 của năm nhất tới cuối khóa học chứ không chỉ theo kiểu “truyền thống” chỉ với 2 lần kéo dài 4 tuần và 7 tuần như hiện nay. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) đồng tình, việc duy trì thực tập như trước đây gây áp lực lớn cho các đơn vị. Với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ như hiện nay, thời gian thực tập của sinh viên phải được kéo dài suốt các tháng trong năm chứ không nên theo từng đợt (mỗi đợt diễn ra trong vài tuần) như trước đây.
Bài, ảnh: Mê Tâm

TS. Tôn Thất Dụng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Huế:“Không ai dự báo giúp các trường về nhu cầu đào tạo giáo viên nên các trường cứ đào tạo theo năng lực của mình, thậm chí có trường đào tạo vượt cả năng lực hiện có, và các địa phương thì cứ tuyển dụng theo cách thức riêng. Nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa cứ thừa”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)