Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo liên thông: Cần một chuẩn mực để công bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi trường một chương trình khác nhau, tình trạng này đang gây ra nhiều khó khăn, bất cập trong việc đào tạo liên thông, một mô hình từng được hy vọng là sẽ mở ra nhiều cơ hội học tập, nâng cao trình độ cho những người có nhu cầu

Đại học Quảng Nam có cả ba hệ đại học, cao đẳng và trung cấp. Liên thông, nếu có là trong phạm vi của nhà trường này. Ảnh: TL

Mô hình đào tạo liên thông (ĐTLT) đã được bộ GD-ĐT thí điểm thực hiện từ năm 2002, đến nay cả nước đã có 27 trường đại học, 41 trường cao đẳng được phép đào tạo liên thông. Tuy nhiên, sau hơn năm năm thực hiện, mô hình này vẫn chưa được tổng kết đánh giá hiệu quả, trong khi những bất cập được nêu ra thì nhiều vô kể.

Liên thông = lợi thế?

Chương trình thiếu đồng bộ, không cập nhật thường xuyên, nội dung chồng chéo, không đảm bảo tính kế thừa liên thông… Đó là nhận xét của phó hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghiệp Nam Định nêu tại hội thảo “Đào tạo liên thông trong các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng, đại học – thực trạng và những bài học kinh nghiệm”, tổ chức sáng 5.12 tại đại học Sư phạm TP.HCM. Theo tiến sĩ Phạm Thị Minh Hạnh của trường cao đẳng cộng đồng Bình Thuận, ĐTLT chủ yếu chỉ diễn ra trong từng cơ sở giáo dục chứ chưa có quy mô trên toàn quốc. Liên thông giữa các trường thực hiện được là nhờ mối quan hệ “xin – cho” giữa hai trường có ngành nghề tương thích.

Thực tế, ĐTLT đôi khi trở thành mảnh đất màu mỡ của một số trường trong quá trình chuyển đổi đẳng cấp. Trường đại học Công nghiệp TP.HCM (trước kia là cao đẳng Công nghiệp 4) là một ví dụ. Năm 2001, được phép thí điểm tuyển sinh đào tạo liên thông, trường này đã có 1.400 sinh viên được chuyển tiếp từ trung học chuyên nghiệp lên cao đẳng và đại học. Theo ông Tạ Xuân Tề, hiệu trưởng, chương trình ĐTLT đã tạo nên lợi thế và là yếu tố tích cực làm gia tăng số học sinh dự thi hàng năm vào trường.

Theo quy định ĐTLT, đối tượng được dự tuyển chương trình ĐTLT là những người đã tốt nghiệp chính quy hệ trung cấp hoặc cao đẳng ngành nghề tương ứng. Người tốt nghiệp loại khá, giỏi sẽ được dự tuyển sinh ngay sau khi tốt nghiệp, được cộng điểm ưu tiên. Người tốt nghiệp loại trung bình phải có kinh nghiệm làm việc từ hai năm trở lên mới được dự thi. ĐTLT đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho những người có nhu cầu nâng cao trình độ. Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Minh của trường đại học Bình Dương, nên xem lại cơ chế liên thông vượt cấp từ TCCN lên đại học như hiện nay. Vì những thí sinh không đậu đại học, cao đẳng mới học TCCN, nay lại bước một bước dài lên đại học sẽ không tránh khỏi “trèo cao ngã đau”. “Không nên duy trì liên thông vượt cấp, bởi cao đẳng chính là một nấc thang để các thí sinh tốt nghiệp TCCN làm quen trước khi bước vào đại học”– ông Minh nhận xét.

Một sự thống nhất cần thiết

Phó hiệu trưởng Nguyễn Thạc San của trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 2 đề nghị một chương trình khung và khung chương trình cho cả ba cấp: trung cấp – cao đẳng – đại học để việc liên thông được dễ dàng.

Một số trường cao đẳng, đại học ĐTLT còn phân biệt sinh viên hệ chính quy và không chính quy. Đây cũng là yếu tố gây cản trở người học. Trong khi nước ta chưa có quy chế chuẩn mực và thống nhất trong ĐTLT, một số trường đã linh hoạt tổ chức đào tạo vì mục đích lợi nhuận, bất chấp gây khó khăn cho những cơ sở đào tạo khác.

Điều được nhiều đại diện của các trường cao đẳng, đại học thống nhất là: trong hoàn cảnh hệ thống đào tạo còn rối rắm, vai trò điều phối chung của bộ GD-ĐT là rất cần thiết. Khi các trường đào tạo theo tín chỉ, khi các trường công nhận tín chỉ của nhau, sinh viên sẽ có điều kiện lựa chọn học ở trường này hay trường kia một môn học nào đó. Như vậy, vai trò của đào tạo theo tín chỉ là cần thiết trong đào tạo liên thông.

“Khi người học chấp nhận theo học liên thông, họ kỳ vọng vào việc với bằng cấp cao hơn sẽ có việc làm tốt hơn. Trách nhiệm xã hội của các trường đại học là phải chỉ ra được: họ có cần theo học ở bậc học cao hơn hay không? Nếu chưa có một chuẩn đánh giá và một loại bằng cấp thống nhất, thì chưa thể nói đến sự công bằng”, TS Nguyễn Kim Hồng nhận xét.

Như Thuần (SGTT)

Bình luận (0)