Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo liên thông – làm sao để “thông”?

Tạp Chí Giáo Dục

Cần rất nhiều giải pháp đổi mới để chương trình ĐTLT thực sự làm hài lòng người dạy và người học

Từ năm 2002, Việt Nam bắt đầu thực hiện thí điểm đào tào liên thông (ĐTLT) tại 6 trường. Đến nay, cả nước có 61 trường được cấp phép ĐTLT (trong đó có 23 trường ĐH, 38 trường CĐ). Qua hơn 6 năm, loại hình đào tạo này vẫn còn bộc lộ không ít bất cập.
Quá nhiều “lấn cấn”
Nghiên cứu gần đây nhất của Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy có đến 75% người học mong muốn được học lên các bậc cao hơn. Nhu cầu của học sinh đang học phổ thông phải lựa chọn nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách học liên thông cũng không nhỏ, đa phần vì không đủ điểm vào ĐH, không kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và CĐ.
Tuy nhiên, ĐTLT ở nước ta hiện nay vẫn còn mỗi nơi một kiểu, không theo quy định chung của Bộ GD- ĐT. Th.S. Nguyễn Ngọc Tài (Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH) cho rằng: “Nhu cầu người học ngày càng lớn nhưng mức độ đáp ứng của hình thức liên thông là có giới hạn. Một số trường chỉ chấp nhận tuyển học sinh, sinh viên (HS, SV) chính quy của trường mình trong khi Bộ GD-ĐT quy định đối tượng đào tạo liên thông không hạn chế phải tốt nghiệp đúng trường dự thi liên thông. Nguyên nhân do số lượng người học tốt nghiệp TCCN, CĐ mỗi năm đến mấy ngàn mà chỉ tiêu liên thông chỉ có giới hạn”. Các trường ngoài công lập có nhu cầu liên thông bức thiết hơn vì muốn tạo thêm đầu ra cho SV. Nhưng, chất lượng đào tạo của các trường này đáng lo ngại. TS. Nguyễn Hoàng Viện (ĐH Đà Nẵng) nhận định: “Chất lượng đào tạo các trường dân lập hiện nay còn kém và không đồng đều. Thời gian tới ĐH Đà Nẵng sẽ không tổ chức liên thông đối với các trường dân lập nữa vì chất lượng không đảm bảo. Mặc dù theo quy chế, mọi trường đều có quyền liên thông. Nhưng theo tôi, với các trường dân lập thì trường nào muốn liên thông phải tự khẳng định mình trước đã”. Các trường nghề lại càng “hiu hắt” không kém. Th.S. Nguyễn Hồng Tâm (Trưởng phòng đào tạo, Trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) đánh giá: “Trường chúng tôi chủ yếu đào tạo nghề nhưng hình thức liên thông từ TC nghề lên CĐ thời gian qua vẫn chưa thu hút người học lắm, nhất là trong điều kiện Bộ chưa có quy định đào tạo liên thông lên ĐH đối với HS-SV trường nghề. Trung bình mỗi năm trường chỉ tuyển được 68 SV, có ngành chỉ 10 SV. Chất lượng đầu vào thấp, tỷ lệ SV tốt nghiệp cũng không cao. Chương trình đào tạo còn thiếu tính mềm dẻo, thiếu các học phần tự chọn. Một cái khó nữa là nhiều trường TC tổ chức thi tốt nghiệp trễ hơn cả thời điểm trường tổ chức thi tuyển liên thông làm giảm đi cơ hội cho không ít thí sinh”.
Bắt đầu ĐTLT chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang cũng không tránh khỏi những vướng mắc chung như nhiều trường đi trước. Lãnh đạo nhà trường cho biết, Bộ quy định HS-SV tốt nghiệp TC, CĐ có xếp loại khá- giỏi thì được liên thông ngay, xếp loại trung bình và trung bình khá bắt buộc phải qua một năm kinh nghiệm. Sau một năm, kiến thức cũ bị rơi rụng nhiều, sự nhiệt tình trong học tập giảm bớt, việc học tập rất khó khăn. Đấy là chưa nói, nhiều người ra trường có công việc ổn định rồi lại khó có điều kiện đi học lại. Đối với chương trình liên thông từ TC lên CĐ, tuy được bổ sung đủ nội dung giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất nhưng người học vẫn thiệt thòi vì không được cấp chứng chỉ như CĐ chính quy.
Các trường cần “bắt tay” nhau
TS. Phạm Thị Minh Hạnh (Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường CĐ Cộng đồng Bình Thuận) bức xúc: “Liên thông giữa các trường thực hiện được nhờ mối quan hệ riêng tư, “xin cho” giữa hai trường có ngành nghề tương thích nhưng cũng chỉ thực hiện dễ dàng với liên thông từ hệ TCCN lên CĐ”. Hầu hết các trường đều “kêu” rằng, chỉ khi có một chương trình khung thống nhất của một bậc học trong một ngành đào tạo mới mong cải tiến được chất lượng ĐTLT. Hiện, chương trình khung của bậc TCCN, CĐ do Bộ GD-ĐT ban hành. Trên cơ sở đó, các trường tự thiết kế chương trình chi tiết. Quá trình ĐTLT giữa các cơ sở đào tạo, chương trình không tương thích là một trong những lý do từ chối các đối tượng tuyển sinh.
Đến 2010, khi hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ được “phủ sóng” khắp các trường ĐH nước ta thì việc ĐTLT sẽ rất thuận lợi. Trước mắt, việc các trường thừa nhận tín chỉ của nhau sẽ cho người học cơ hội chủ động chọn học ở nơi nào mình muốn mà vẫn lấy được bằng ĐH tại trường mà họ đăng ký theo học.
Ông Trịnh Khắc Thẩm (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lao động Xã hội) có ý kiến nên thay đổi quy định đối với môn thi tuyển đầu vào. Theo ông, việc thi 2 môn cơ bản và 1 môn chuyên ngành như hiện nay tỏ ra không ổn lắm. Chẳng hạn, 2 môn cơ bản với khối A là toán-lý, như vậy chẳng khác gì một kỳ thi tuyển sinh ĐH bình thường. Chưa kể những trường hợp thí sinh sau 5-10 năm đi làm rồi mới trở lại thi liên thông, kiến thức cũ đã bị quên hết. Khắc phục tình trạng này, Trường ĐH Lao động Xã hội chọn giải pháp “an toàn” là thay bằng môn ngoại ngữ hoặc tin học để tạo thuận lợi cho thí sinh.
M.Tâm
“Việc ĐTLT cần có biện pháp quản lý và kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm đào tạo. Nếu không, đó sẽ là một cách hợp lý hóa rẻ tiền “cấp học trình độ cao” cho những người có năng lực yếu và trình độ thấp”- Th.S. Vũ Trọng Nghị (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Nam Định).

Bình luận (0)