Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo liên thông – tín chỉ: Vẫn chưa thật thông

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua 24-4 tại ĐH Đà Nẵng, gần 400 đại biểu từ các trường CĐ, ĐH cả nước đã cùng ngồi lại chia sẻ kinh nghiệm và phân tích, mổ xẻ những khó khăn, hạn chế trong triển khai đào tạo liên thông – tín chỉ. Hội thảo do ban liên lạc các trường ĐH và CĐ VN tổ chức.
Niềm vui của các tân kỹ sư ĐH Bách khoa TP.HCM khi nhận huy chương vàng trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Đây là trường ĐH sớm áp dụng đào tạo liên thông – tín chỉ – Ảnh: NHƯ HÙNG
Là một trong những ĐH đi tiên phong trong đào tạo liên thông – tín chỉ (đào tạo theo học chế tín chỉ) từ năm 2002, đến nay ĐH Đà Nẵng đã đào tạo liên thông – tín chỉ ở 26 ngành học tại tất cả sáu trường thành viên. Chỉ tiêu liên thông từ trung cấp lên CĐ và từ CĐ lên ĐH tăng nhanh, từ 280 chỉ tiêu năm 2003 lên 5.000 chỉ tiêu năm 2009.
TS Nguyễn Hoàng Việt – trưởng ban đào tạo ĐH Đà Nẵng – cho rằng đào tạo liên thông – tín chỉ có tác dụng rất to lớn đối với xã hội, mở ra cho người học một lựa chọn mới, có thể có bằng ĐH bằng nhiều con đường khác nhau. Học liên thông – tín chỉ mềm dẻo, linh hoạt, tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Giảm sức ép thi cử vào ĐH, phân luồng hợp lý học sinh sau tốt nghiệp THPT. Chương trình đào tạo của nhà trường dễ dàng điều chỉnh, cập nhật để đáp ứng các nhu cầu luôn biến động và đa dạng của thị trường.
Đa số đại biểu các trường đều tán thành những thuận lợi trên và cho rằng đào tạo liên thông – tín chỉ sẽ khắc phục được các khó khăn: tuyển sinh được một số ngành có số lượng thí sinh ít; người học thuận lợi khi cần học lại, học bổ sung; chủ động kế hoạch học tập; nguồn tuyển sinh đa dạng về địa bàn, trình độ, độ tuổi…
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Xuân Hậu – viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), việc thí điểm và triển khai thực hiện liên thông – tín chỉ đến nay còn chậm. Cả nghìn trường trung cấp, CĐ, ĐH trên cả nước nhưng đến năm 2008 mới chỉ có 36 trường ĐH, 51 trường CĐ thực hiện liên thông – tín chỉ. TS Nguyễn Hữu Chí cho rằng việc xây dựng chương trình còn nặng tính cục bộ, chưa có sự thống nhất giữa các chuyên ngành trong các trường, về thời lượng, tên môn học, giáo trình chính thống.
Vì thế việc công nhận tín chỉ giữa các trường còn rất khó khăn. TS Nguyễn Đức Nghĩa dẫn chứng: “Việc chưa chuẩn hóa chương trình khiến các trường ngại ngùng áp dụng liên thông – tín chỉ. Như có trường xét tuyển, trường thì thi tuyển. Cùng ngành nhưng trường này học các môn học khác với trường kia. Trường này đào tạo theo niên chế nhưng liên thông trường khác đào tạo theo tín chỉ! Rồi chuyện cấp bằng của trường có đầu ra lại không yên tâm với trường đầu vào”.
Khó khăn khác được lãnh đạo các trường đặt ra trong quá trình phát triển đào tạo liên thông – tín chỉ là quy định thời gian làm việc 1-3 năm đối với người học khi muốn thi liên thông là chưa hợp lý. ThS Minh Huệ – Trường ĐH dân lập Phương Đông – cho rằng quy định này gây trở ngại đối với thí sinh và hạn chế cơ hội học tập của mọi người.
VIỆT HÙNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)