Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo ngành y: Đâu chỉ thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một trường ngoài công lập được phép đào tạo hai ngành là y đa khoa và dược. Ngay lập tức, quyết định này vấp phải sự phản ứng của dư luận. Đa số các chuyên gia đều cho rằng y đa khoa không phải là ngành có thể đào tạo tràn lan. Giáo dục TP.HCM xin đưa quan điểm của một số chuyên gia về vấn đề này.

Ông Nguyễn Minh Lợi – Cục phó Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế:

Ông Nguyễn Minh Lợi

Tháng 10-2015, Bộ Y tế tham gia vào đoàn thẩm định, kiểm tra các điều kiện cụ thể tại cơ sở ĐH Kinh doanh và Công nghệ dự định dành đào tạo bác sĩ đa khoa ở Bắc Ninh. Đoàn đã thống nhất trường cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung để hoàn thiện đề án. Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo trường cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại cơ sở thực hành ngoài trường… Danh sách trường có 47 giảng viên đào tạo bác sĩ, nhưng chỉ 17/47 người có cam kết, trong khi yêu cầu cần tối thiểu một nửa. Theo quy trình, Bộ Y tế hiểu rằng Bộ GD-ĐT đã rà soát, xác định và nhất trí với những bổ sung của trường theo góp ý của Bộ Y tế. Vì vậy, ngày 17-11 bộ có công văn yêu cầu trường hoàn thiện theo biên bản làm việc mới ủng hộ việc mở ngành. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Việc thẩm định điều kiện mở mã ngành của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ do đoàn thẩm định của hai bộ là Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT tiến hành và đã khẳng định trường đã đủ điều kiện mở mã ngành theo Thông tư số 8 năm 2011. Nhưng có một số con số, một số trường hợp tôi cho là do hiểu nhầm. Hiện Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đang có thảo luận để nâng yêu cầu đó lên cao hơn so với Thông tư 8/2011 nhưng chưa thống nhất nên phải căn cứ vào thông tư đã quy định thì trường này đủ điều kiện. Có ý kiến nói về giảng viên chưa cam kết, khi Bộ GD-ĐT ra quyết định này thì họ có những cam kết dạy ở trường đó. Khi họ đủ điều kiện thì mình cho mở thôi nếu mình kéo dài nữa thì thành ra mình lại “cửa quyền”, thành ra việc “xin – cho”. Còn một số điều kiện nữa mà đoàn thẩm định có khuyến cáo khi mở rồi thì trong quá trình đào tạo phải tiếp tục bổ sung thêm điều kiện để đảm bảo năm thứ nhất xong rồi còn năm thứ ba, năm thứ tư nữa cần bổ sung thêm điều kiện. Việc này Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ tiếp tục giám sát quá trình thực hiện khi trường mở ngành này. Về chất lượng đầu vào còn phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có việc cơ sở đào tạo có đủ điều kiện hay không, điều kiện tuyển sinh như thế nào, trong quá trình tuyển sinh như thế nào nữa.

TS.BS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó trưởng Bộ môn giải phẫu Trường ĐH Y Hà Nội:

Đào tạo y dược là một ngành đào tạo đặc thù. Không phải có giảng đường, giảng viên là xong mà nó phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở thực hành. Ngoài cơ sở thực hành trong trường học, sinh viên phải được thực hành trong môi trường bệnh viện và tiếp xúc với người bệnh. Do đó việc đào tạo y dược không được phép xem nhẹ các điều kiện cơ sở vật chất từ phòng thí nghiệm, thực hành và đặc biệt là thực hành trên xác người chết. Tại ĐH Y Hà Nội, đào tạo một bác sĩ đa khoa mất 6 năm, ngày học 2 buổi, sáng thực hành chiều lý thuyết, đêm còn đi trực. Gấp 3 lần thời gian học so với các trường khác. Dù được đào tạo bài bản trong một ngôi trường có lịch sử đào tạo hơn 100 năm nhưng với 6 năm học bác sĩ đa khoa, 9 năm bác sĩ nội trú thì sau khi ra trường cũng chỉ làm được một số công việc chứ chưa thể chịu trách nhiệm khám, điều trị. Do đó, việc cấp phép cho các trường tư thục đào tạo y dược là vấn đề đáng lo ngại về chất lượng đầu ra.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế:

GS.TS Phạm Mạnh Hùng

Các trường ĐH ngoài công lập, công lập có được đào tạo ngành y dược hay không thì phải xét đến người bệnh. Còn nếu như coi thường việc gắn với người bệnh và chỉ nghĩ đến đào tạo lý thuyết hoặc đào tạo những kiến thức mang tính hàn lâm, theo tôi chưa đủ để trở thành nơi đào tạo y. Hiện nay, nhu cầu về số lượng cán bộ y tế là cần thiết bởi nhân lực y tế đang rất thiếu, nhất là cán bộ giỏi, chuyên môn cao. Việt Nam mới có 7,5 bác sĩ/1 vạn dân, con số này thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc khuyến khích các cơ sở tiến hành vấn đề đào tạo, tham gia đào tạo cho ngành y tế là cần thiết, đúng với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước. Tuy vậy, vấn đề đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt là đào tạo đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ, điều dưỡng thì cần phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí đặc biệt. Bởi vì sau này khi ra trường người ta thực hiện các công việc trên con người, thao tác trên con người, liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người, do đó nó khác hẳn với nghề nghiệp khác. Quan điểm của cá nhân tôi, khi đào tạo đội ngũ thầy thuốc, trong đó có bác sĩ, điều dưỡng, các loại hình đào tạo khác như nữ hộ sinh, điều quan trọng nhất ngay từ khi bước vào trường người sinh viên phải gắn bó với nghề nghiệp của mình. Nghề nghiệp ấy chính là phục vụ bệnh nhân.

Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) trong giờ thực hành.Ảnh: A.Khôi

Cho nên ngay từ ngày đầu bước chân vào ngành y, tất cả mọi sinh viên trong lĩnh vực y phải gắn bó với người bệnh. Gắn bó ở đâu? Chính là môi trường bệnh viện, nơi những người bệnh đang chịu đau đớn và người ta cần sự thương yêu của cán bộ y tế. Cho nên, tiêu chí đầu tiên trong đào tạo nhân lực y tế là gắn với người bệnh. Có ý kiến cho rằng, chỉ cần đủ các tiêu chí là có thể mở ngành đào tạo y dược bởi người đào tạo cũng là những nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, sinh học. Tôi cho rằng, đối với đội ngũ thầy giáo, nhất là trong đào tạo y dược phải là có truyền thống, kinh nghiệm. Bởi ngoài kiến thức, nhiệt huyết còn phải có phương pháp giảng dạy. Tôi xin ví dụ, nhiều người nói y học cũng sẽ cần những khoa học cơ sở như hóa học, lý học, toán học, vì vậy có thể dạy nó dễ dàng tại các trường ĐH tổng hợp? Sự thật không phải vậy. Ngay từ những ngày đầu, các sinh viên y đã phải kết hợp với các kiến thức khoa học liên quan đến các kiến thức y học sau này của họ. Cho nên, đừng nên nghĩ rằng bất cứ thầy nào giỏi về vấn đề khoa học tự nhiên là có thể dạy được những kiến thức khoa học cơ bản cho sinh viên y khoa.

Nghiêm Huê (lược ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)