Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Còn lắm gian nan

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động nông thôn làm các sản phẩm bằng lát. Ảnh: I.T

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn, miền núi.
Qua hơn 3 năm thực hiện, chương trình đã có nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao nhưng vẫn gặp một số khó khăn khi tỷ lệ lao động “sống” được với nghề còn ít.
Hàng ngàn nông dân được đào tạo nghề
Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), trong 3 năm đầu thực hiện (2010-2012), đề án đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 1 triệu lao động nông thôn (đạt 77,74%). Trong đó, 78,9% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất thu nhập cao hơn; 44,2% có việc làm nông nghiệp và 55,8% việc làm phi nông nghiệp…
Theo báo cáo của 7 bộ, ngành và 53 tỉnh/thành, trong 6 tháng đầu năm 2013 đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 268 ngàn lao động nông thôn (đạt 44,72%), so với cùng kỳ năm 2012 tăng gần 133 ngàn người.
Riêng đối với việc nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả như: Dạy nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề tiểu thủ công nghiệp để phát triển làng nghề và gắn với mô hình hộ nông dân sản xuất giỏi phát triển hợp tác xã, tổ sản xuất…, dự án đã huy động được 106 cơ sở tổ chức dạy gần 300 lượt nghề cho hơn 56 ngàn lao động nông thôn trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013.
Các kết quả đạt được đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế ở vùng nông thôn thời gian qua và trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, người học nghề nông nghiệp đã tiếp thu được kiến thức, kỹ năng cơ bản để hành nghề trồng trọt, chăn nuôi góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng sản xuất, giảm chi phí, tăng thu nhập… Đồng thời, người học nghề tiểu thủ công nghiệp đã tự tổ chức sản xuất tại hộ gia đình trong thời gian rảnh theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để có thêm thu nhập, từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người học nghề công nghiệp, xây dựng, dịch vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp sau khi học xong có 70-95% được tuyển dụng theo đúng nghề đã được đào tạo, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng/người… Với đề án này, một số địa phương sau khi tổ chức các lớp dạy nghề đã hình thành các hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất, doanh nghiệp để tăng quy mô và thay đổi phương thức sản xuất của người lao động hoặc doanh nghiệp đem lại những hiệu quả cao cho người lao động.
Cần hỗ trợ thêm chi phí cho người học
Sau 3 năm thực hiện đề án, nhiều nông dân ở 54 tỉnh/thành đã được đào tạo qua các lớp dạy nghề để nâng cao kỹ năng sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, đề án này cũng đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập. Cụ thể, việc triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn còn chậm, thiếu đồng bộ. Đồng thời công tác xây dựng, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở địa phương thực hiện chậm, chất lượng chưa cao, chưa tạo cơ sở tổ chức dạy nghề, đào tạo nhân lực để triển khai các quy hoạch. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và thực hiện chế độ báo cáo chất lượng thực hiện đề án còn yếu, nặng về hình thức. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất ngưng trệ nên việc thu hút, giải quyết việc làm gặp khó khăn…
Một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay là một số quy định trong đề án không còn phù hợp. Chẳng hạn như mức hỗ trợ tiền ăn 15 ngàn đồng/người/ngày, tiền đi lại 200 ngàn đồng/người/khóa học ở cách xa từ 15km trở lên hiện không còn phù hợp. Vì vậy, Tổng cục Dạy nghề đã đề xuất với Chính phủ sẽ hỗ trợ tiền ăn lên khoảng 25 ngàn đồng đến 35 ngàn đồng/người/ngày để bù vào trượt giá. Đồng thời, đối với đối tượng ở miền núi đi học nghề, tiền đi lại có thể tăng thêm 100 ngàn đồng/người/khóa học…
Minh Châu (ghi)
Đào Trọng Độ
(Phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Dạy nghề)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)