Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo nghề cho lao động trẻ tại Đà Nẵng: Cung – cầu lệch pha

Tạp Chí Giáo Dục

Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của xã hội mới giải quyết được bài toán lệch pha của cung – cầu

400 ngàn lao động được qua đào tạo và khoảng 75 cơ sở dạy nghề, trong đó có 1 trường CĐ nghề đạt chuẩn quốc tế là mục tiêu định hướng phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 của TP.Đà Nẵng.
Thế nhưng để đạt được mục tiêu đó không phải là điều đơn giản khi công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập. Đó là vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Đào tạo nghề – giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội” do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng tổ chức vừa qua.
Cơ sở vật chất, nguồn lực thiếu đồng bộ
Theo thống kê, hiện TP.Đà Nẵng có 61 đơn vị có tổ chức đào tạo nghề, bao gồm các trường CĐ, trung cấp, trung cấp dạy nghề và cơ sở dạy nghề, trong đó có 4,8% đơn vị có quy mô đào tạo trên 2.000 học viên/năm; còn lại chủ yếu đào tạo dưới 500 học viên/năm. Thực tế, số lượng cơ sở đào tạo nghề tuy nhiều nhưng vẫn còn nhỏ lẻ và manh mún. Lực lượng giáo viên dạy nghề một bộ phận chưa đáp ứng được nhu cầu, số giáo viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học rất ít.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng, trong 5 năm qua kể từ ngày Luật Dạy nghề được ban hành, Đà Nẵng đã hoạch định phương hướng, mục tiêu cụ thể để đào tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhờ đó công tác đào tạo nghề trên địa bàn có nhiều bước tiến triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật và dịch vụ, góp phần vào tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của TP. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề trong những năm qua vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém. Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề phân bố không đều. Đa phần tập trung ở các quận trung tâm TP như Hải Châu có 25 cơ sở; các cơ sở dạy nghề thuộc bộ, ngành Trung ương chủ yếu tập trung ở quận Liên Chiểu. Trong khi đó, huyện Hòa Vang là huyện nông thôn duy nhất ở TP đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, cần một nguồn lực lao động có tay nghề, kỹ thuật thì lại chỉ có duy nhất một cơ sở dạy nghề.
Cơ sở vật chất còn hạn chế cùng sự phân bố không đồng đều đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo như năng lực đào tạo chưa đáp ứng được quy mô, chất lượng và cơ cấu của thị trường lao động; việc quy hoạch ngành nghề đào tạo còn lúng túng trong quá trình triển khai, chưa cân đối…
Thay đổi tư duy đào tạo và tìm việc
Để đạt được mục tiêu lộ trình đề ra, hội thảo “Đào tạo nghề – giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội” đã đi sâu vào phân tích, mổ xẻ nguyên nhân cũng như tìm giải pháp để thực hiện. Ông Phan Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, cho biết: “Hiện nay nhà tuyển dụng lao động luôn quan tâm đến kỹ năng thực hành của người học sau tốt nghiệp. Nhưng có một thực tế là đa phần đều không hài lòng. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần có giải pháp cơ bản, bao gồm chuyển đổi mô hình dạy nghề theo truyền thống sang mô hình dạy nghề theo năng lực thực hiện, và thay đổi cách đánh giá kết quả học tập trong trường nghề. Đào tạo tập trung vào hiệu quả, đánh giá sát chất lượng người học, nâng cao năng lực thực hành của học sinh – sinh viên. Để công tác đào tạo nghề đáp ứng và phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cần xác định sự thành công của một cơ sở dạy nghề phụ thuộc vào tỷ lệ học sinh – sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề hơn là tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi”.
Còn theo TS. Đào Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, để ngày càng thu hút giới trẻ quan tâm đến các cơ sở đào tạo nghề cũng như sự quan tâm của các nhà tuyển dụng, trước hết cơ sở đào tạo phải biết thu thập thông tin thị trường lao động, điều tra lao động việc làm. Phải có tầm nhìn rộng, sâu về nhu cầu xã hội từ đó mới có cơ sở để hoạch định chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cân bằng cung và cầu. Và cơ sở đào tạo cần có một bước đi trước trong thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp để có những đơn đặt hàng theo nghề đào tạo sẽ giải quyết được khúc mắc vấn đề thừa thầy thiếu thợ…
Ở một diễn biến khác, vào đầu và cuối tháng 9-2012, Thành đoàn TP.Đà Nẵng và Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp tổ chức hai phiên chợ việc làm cho lực lượng đoàn viên, thanh niên để giải quyết nhu cầu việc làm. Ở hai phiên việc làm này có 52 doanh nghiệp đăng kí tuyển dụng với khoảng 5.000 lao động. Điều dễ nhận thấy, nhu cầu của các doanh nghiệp đa số là lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật, chỉ có 35/5.000 vị trí đòi hỏi lao động tốt nghiệp ĐH và 65 vị trí tốt nghiệp CĐ. Điều đó chứng tỏ thực tế các nhà tuyển dụng rất “khát” lao động phổ thông. Trong khi đó, khảo sát từ thông tin tuyển dụng của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, rất nhiều thanh niên chỉ học hết THPT, nhưng khi đi tìm việc hầu hết lại có nguyện vọng làm những công việc đòi hỏi chuyên môn như kế toán, nhân viên văn phòng… Bởi vậy, so với các lần trước, lần này Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng tổ chức gian hàng tư vấn tâm lý việc làm, chương trình rèn luyện kỹ năng trong việc tìm việc làm để hỗ trợ thiết thực cho lao động trẻ.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Có một thực tế là hiện nay số lượng nhà tuyển dụng cũng như nguồn lao động tại Đà Nẵng rất lớn, nhưng có đến 4,75% bạn trẻ đang thất nghiệp trong số 475.500 người trong độ tuổi lao động của Đà Nẵng. Tuy nhiên, nguồn việc cũng như nhân lực dồi dào không có nghĩa là giải quyết được khâu cung – cầu một khi yêu cầu nhà tuyển dụng vẫn còn lệch pha với nhu cầu người lao động. Nguyên nhân một phần do lao động trẻ thiếu sự định hướng, tư vấn trong việc nắm bắt yêu cầu của thị trường lao động”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)