Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đào tạo nghề có hàm lượng công nghệ cao

Tạp Chí Giáo Dục

Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng số lao động đang làm việc, với chất lượng đạt tiêu chuẩn của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo đại diện các trường, để đạt được tỷ lệ này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phải “lột xác”.

Giáo viên Trường CĐ Nghề số 7 giới thiệu mô hình dạy nghề tự làm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp

Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và ngành công nghiệp dịch vụ trọng điểm của TP đạt từ 85-90%. Tập trung nâng cấp toàn diện cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy. Có 50 trường CĐ-TC đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 8 trường CĐ và 2 trường TC đạt tiêu chí kiểm định trường chất lượng cao đến năm 2020. Đây là mục tiêu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp TP.HCM từ nay đến năm 2020. Theo đó, giai đoạn 2017-2020, hàng năm TP tuyển sinh đào tạo mới 461.000 học sinh, sinh viên, học viên (HS-SV-HV), trong đó có 45.000 SV bậc CĐ; 36.000 HS bậc TC; 380.000 HV sơ cấp và dưới 3 tháng. Đến năm 2020, đào tạo 1.844.000 người học, gồm 180.000 SV bậc CĐ; 144.000 HS bậc TC; 1.520.000 HV sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học – công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, TP sẽ tập trung đào tạo các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; đồng thời có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội. Gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp, đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. “Phấn đấu đến năm 2020, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa hội nhập khu vực và quốc tế”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cho biết, để chuẩn bị cho mục tiêu trên, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã rà soát và xác định thế mạnh của từng trường theo lĩnh vực ngành nghề đào tạo, từ đó có phân công cụ thể. Trong đó, ưu tiên cho 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo 13 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 18 nghề cấp độ quốc gia và các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực ưu tiên của TP. “Sở đang xây dựng kế hoạch phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng quy định tỷ lệ phân luồng từng giai đoạn. Có ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS học TC và 30% HS tốt nghiệp THPT vào CĐ”, ông Lâm thông tin thêm.

Cần xóa nhiều rào cản

TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2) chia sẻ, muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các trường có thể đào tạo trình độ CĐ-TC theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ để tạo thuận lợi cho người học. Trong khi đó, TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo) đề xuất giải pháp tăng cường liên kết đào tạo với nước ngoài, công nhận về văn bằng và chứng chỉ đào tạo.

Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao theo mục tiêu của TP, đại diện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho rằng không dễ thực hiện nếu không nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Thủ Đức) cho rằng trình độ ngoại ngữ và kỹ năng của giáo viên nghề, đặc biệt là các nghề trọng điểm hiện nay là một rào cản lớn với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Trước băn khoăn của các trường về giáo trình giảng dạy, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết sẽ khai thác, hợp đồng sử dụng chương trình, giáo trình và học liệu, kể cả phương pháp giảng dạy của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế để phục vụ đào tạo chuyển dịch lao động. Dự kiến sẽ thực hiện chuyển giao 4 bộ chương trình ngành kỹ thuật, du lịch, điều dưỡng và xây dựng theo chuẩn khu vực. Trong nội dung này, sẽ thí điểm tổ chức đào tạo trình độ CĐ cho 300 SV, HS 4 ngành nói trên theo chương trình chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Nhật và Úc.

Cơ chế, chính sách cũng là một rào cản lớn trong việc phát triển xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, vì vậy khó có thể xây dựng đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu đổi mới. Hiệu trưởng một trường TC nghề đề xuất TP nên sớm có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội về ưu đãi đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, ưu đãi thuế, hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với đào tạo, sử dụng giáo trình dạy các nghề trọng điểm…

T.Anh

Bình luận (0)