Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đào tạo nghề giúp việc gia đình: Đóng cửa vì… lỗ vốn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
"Chúng tôi đã từng dành một tầng của trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) để đào tạo người giúp việc. Nhưng chỉ đào tạo được vài tháng đành phải bỏ vì luôn nhận được những lời phàn nàn, "kiện tụng" của chủ nhà cũng như người giúp việc (NGV). Bây giờ chúng tôi không có ý định làm lại". Đó là tâm sự của ông Vũ Trung Chính, Giám đốc TTGTVL Hà Nội.

Ông Vũ Trung Chính cho biết, cách đây 4 năm (năm 2007), TTGTVL Hà Nội đã quyết định mở lớp dạy nghề giúp việc miễn phí do nhu cầu tìm người làm việc gia đình quá lớn. Trung tâm phối hợp với Hội Phụ nữ các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… để tiếp nhận các học viên và hỗ trợ mỗi học viên 7.000 đồng/ngày, ở miễn phí tại trung tâm. Học viên được học cách sử dụng máy giặt, ti vi, tủ lạnh, đồ điện tử, cách dọn dẹp nhà cửa, cách ứng xử với chủ nhà… Sau khi "ra lò" những NGV đầu tiên, phía TTGTVL lại trở thành nơi tập trung "khiếu kiện". Các bà chủ than vãn NGV nghiện rượu, NGV có ý với ông chủ… Còn NGV thì ôm quần áo đến khóc lóc, xin tiền về quê vì bị ông chủ chọc ghẹo, vì bà chủ nhiếc móc và vì hàng trăm lý do khác… Chính vì vậy, việc đào tạo nghề giúp việc tưởng chừng sẽ thành công nào ngờ chỉ sau 4 tháng TTGTVL HN đã lại quyết định đóng cửa do… lỗ vốn.
Cách đây 3 năm, cái tên Trung tâm Tri thức bách khoa giáo dục đã trở nên quá quen thuộc với nhiều gia đình. Trung tâm đào tạo trình độ sơ cấp nghề giúp việc một cách bài bản theo chương trình mà Sở LĐ-TB&XH Hà Nội thẩm định và được cấp chứng chỉ nghề. Kết thúc khóa học, họ đã có ngay việc làm. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cát, Giám đốc trung tâm, thì sau hơn 1 năm hoạt động trung tâm cũng chỉ đào tạo được một khóa 10 học viên, lớp học cứ thưa dần vì không có người đăng ký do người lao động cho rằng việc nội trợ gia đình quá đơn giản nên không cần phải học vẫn làm được, đỡ tốn công sức, thời gian.
Tương tự, TTGTVL Thanh Niên mỗi tháng tiếp nhận 600-700 nhu cầu tìm NGV, trong khi đó họ chỉ có thể đáp ứng được 10 người/tháng. Đa số người lao động có suy nghĩ là không cần phải học nghề thì vẫn nhiều người nhận làm, tội gì phải tốn thời gian đi học, số khác muốn đi học nghề nhưng phải được miễn phí. Trong khi đó, các TTGTVL chỉ có thể đào tạo miễn phí lần đầu. Một vấn đề khác chính là sự hiểu biết hạn chế của nhiều NGV. Họ cho rằng đi học nghề, có chứng chỉ khi đi làm phải ký hợp đồng lao động với chủ nhà nhưng họ không thích sự ràng buộc này vì cho rằng, nếu ký thì bị chủ nhà bắt làm nhiều việc hơn, không được nghỉ về quê, sẽ mất tiền lương khi nghỉ việc giữa chừng…
Hiện nay nhiều chủ nhà thuê NGV chỉ thỏa thuận miệng nên đã xảy ra trường hợp NGV bị chủ lạm dụng sức lao động, quỵt tiền công, thậm chí còn xâm phạm thân thể… Và phía chủ nhà cũng không ít phen khốn đốn vì bị NGV ăn cắp tiền, bị khống chế bằng cách bắt cóc con, NGV biến mất bất thường… mà chủ nhà không biết quê quán NGV ở đâu.
Một điều tra của Viện Công nhân công đoàn về thực trạng lao động giúp việc gia đình ở Hà Nội cho thấy, LĐ GV thiếu chuyên môn, không biết sử dụng các thiết bị trong gia đình, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, trẻ em không cao. Do vậy, chủ nhà gặp khó khăn trong hướng dẫn họ làm việc nhà: 23,3% gia đình phải mất nhiều thời gian hướng dẫn cho NGV biết sử dụng thành thạo các thiết bị. Điều đáng nói là trình độ học vấn của NGV rất thấp: 15% chỉ học xong tiểu học, chỉ có hơn 20% có trình độ THPT. Kết quả điều tra cũng cho thấy có 42,7% hợp đồng bằng miệng, 16% hợp đồng bằng giấy tờ, giao kèo chủ yếu thông qua mối quan hệ quen biết.
Mới đây, nhiều người lao động háo hức chờ đợi khi Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động mới trong đó đưa nghề GV gia đình thành một nghề, được quản lý chặt chẽ như bao nghề khác. Cụ thể là quy định chủ sử dụng thuê NGV gia đình ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng lao động. Hợp đồng này phải tuân thủ các quy định tại Bộ luật Lao động như mức lương tối thiểu, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động như BHYT, BHXH và bảo hiểm thất nghiệp… Theo các chuyên gia, ngoài các điều sửa đổi trong Luật Lao động vẫn cần có một cơ quan quản lý, đào tạo tuyển dụng NGV.

Theo Kim Vũ
(HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)