Nếu vượt qua được mặc cảm nghề nghiệp thì không chỉ có việc làm ổn định mà thu nhập cũng khá cao kèm theo chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Nghề giúp việc hiện nay không còn đóng khung làm việc trong các gia đình và gói gọn trong các công việc bếp núc, chợ búa, chăm em bé, nuôi người bệnh… mà còn có thể mở rộng phạm vi ra các công ty, công sở.
Người giúp việc chuyên nghiệp
Chị Trần Thị Minh Tâm, nhân viên quản gia (Công ty TNHH Chuyên Việc), tâm sự chị từng học nghề đầu bếp và đi làm ở một nhà hàng, khách sạn. Qua bạn bè giới thiệu, chị đến với khóa đào tạo nghề quản gia do Công ty Chuyên Việc tổ chức. Sau khóa học, chị được ký hợp đồng và trở thành nhân viên chính thức của công ty với mức lương khởi điểm 1,6 triệu đồng. Công việc hằng ngày của chị bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều, riêng Chủ nhật thì được nghỉ ngơi hoàn toàn, trừ khi gia chủ có yêu cầu ở lại để tổ chức tiệc tùng.
Theo chị Tâm, công việc của một quản gia trong ngày là phải dọn dẹp vệ sinh và sắp đặt các vật dụng trong nhà ngăn nắp, đi chợ, xây dựng bữa ăn gia đình… Ngoài tính trung thực, ngăn nắp thì người quản gia còn phải biết nắm bắt, thao tác các thiết bị, vật dụng hiện đại trong gia đình và giữ gìn, bảo quản tài sản, cùng với đó là việc tiết kiệm điện, nước để giảm chi phí thấp nhất cho gia chủ.
Chị Nguyễn Thị Hà (Nghệ An) từng có thời gian sang Brunei giúp việc nhà nhưng do gia chủ khắt khe và làm việc quá nặng nhọc nên chị khăn gói về nước, đầu quân cho Công ty Chuyên Việc. Chị chia sẻ: “Nghề bảo mẫu và chăm sóc viên tuy không mang vác nặng nhọc nhưng cần phải kiên nhẫn và phải có cái tâm mới bám nghề lâu dài”. Theo chị Hà, trong nhóm nghề giúp việc, chăm sóc viên là nghề yêu cầu khắt khe, tốn nhiều công sức nhưng thu nhập lại thuộc hàng cao nhất, gần 3 triệu đồng/tháng. Công việc hằng ngày của một chăm sóc viên là chích thuốc, cho bệnh nhân uống thuốc, đo huyết áp, đấm bóp, ngoài ra cũng phải nắm bắt tâm lý và xem bệnh nhân như người ruột thịt của mình thì mới gần gũi làm việc được. “Tâm lý người bệnh rất thất thường, nên kiên nhẫn thôi vẫn chưa đủ mà cần phải biết an ủi, động viên. An ủi mới hòa đồng và chia sẻ gánh lo của người bệnh và thân nhân được” – chị Hà thổ lộ.
Nghề giúp việc đang có nhu cầu cao tại các đô thị.
Một nghề thực thụ
Tại TP.HCM, từ ba năm nay Công ty TNHH Chuyên Việc là nơi đầu tiên chuyên đào tạo miễn phí và cung cấp lao động giúp việc chuyên nghiệp trên địa bàn TP. Theo đó, các ứng viên sau khi học qua các chuyên ngành (bảo mẫu, quản gia, chăm sóc viên) từ hai đến bốn tuần sẽ trở thành nhân viên chính thức của công ty. Nhân viên sẽ được phân công, điều động đi làm việc khi có các đơn hàng và được nhận lương hằng tháng do công ty trả.
Bà Trần Thị Diễm Châu, Phó Giám đốc công ty, cho biết: “Những lần ra nước ngoài, tiếp xúc với những người giúp việc, tôi thấy họ làm việc rất chuyên nghiệp và tự hào về công việc họ đang làm. Từ đó, tôi tìm hiểu và tìm đối tác thành lập công ty, mời chuyên gia tư vấn và dạy nghề cho ứng viên. Việc đào tạo nghề miễn phí nhằm xây dựng một đội ngũ nhân viên làm việc chuyên nghiệp và để họ cảm nhận đây là một cái nghề thực thụ”.
Tuy nhiên, theo bà Châu, cái khó là đầu vào cho nhóm nghề giúp việc là tâm lý còn mặc cảm, do vậy mà mô hình đào tạo nghề chuyên nghiệp miễn phí ở công ty mới chỉ cho ra lò khoảng 300 lao động. Cùng với đó, công ty sẽ đánh giá, thẩm định và sàng lọc kỹ càng nhân thân người lao động để hạn chế những vướng mắc với gia chủ. “Chị em nào có năng lực, chuyên nghiệp chúng tôi sẵn sàng đề bạt vị trí mới, đồng thời đào tạo lại nghề nếu chị em muốn thay đổi môi trường làm việc từ quản gia gia đình sang làm quản gia tại các công ty để được giao tiếp rộng hơn” – bà Châu nhấn mạnh.
Bà Châu đánh giá nếu chị em vượt qua được mặc cảm nghề nghiệp thì nghề giúp việc không chỉ có môi trường làm việc ổn định mà thu nhập cũng khá cao, kèm theo đó là chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ. Ngoài ra, khi gia chủ và nhân viên có xảy ra bất hòa thì công ty sẽ cử người giải quyết các khúc mắc để hai bên phối hợp làm việc tốt hơn.
Khóa học nghề giúp việc do Công ty TNHH Chuyên Việc dạy kéo dài trong vòng hai đến bốn tuần. Nghề quản gia học trong vòng hai tuần, học viên thực hành trên các thiết bị điện gia dụng hiện đại, lựa chọn bảo quản thực phẩm đúng cách, nấu ăn theo khẩu vị ba miền, xây dựng thực đơn bữa ăn gia đình. Nghề bảo mẫu, học viên được đào tạo hai tuần với cách thức chăm và cho bé ngủ, tắm và vệ sinh cho bé chu đáo, đúng cách, nấu ăn cho bé. Nghề chăm sóc viên (chăm sóc người bệnh) được đào tạo trong bốn tuần với các kỹ năng chăm sóc người bệnh chu đáo; kỹ thuật tắm và vệ sinh thân thể người bệnh đúng cách, đấm bóp, massage trị liệu giúp người bệnh thư giãn, làm các công việc đỡ đần cho thân nhân người bệnh. |
Phong Điền / Pháp Luật TP
Bình luận (0)