Đầu vào ít, cửa liên thông hẹp, hiệu suất đào tạo thấp… Sau năm năm được khai sinh, các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề dường như vẫn còn xa lạ với xã hội và đang tồn tại trong ngổn ngang, chồng chất khó khăn.
Giờ thực tập của HS Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, TP.HCM. Ảnh: P.Đ. (Tuổi Trẻ). |
Được khai sinh từ Luật giáo dục 2005, loại hình đào tạo nghề trình độ cao đẳng và trung cấp được xem tương đương với CĐ và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trong hệ thống giáo dục quốc dân. Năm 2007 khi Luật dạy nghề có hiệu lực, các trường bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên. Nhưng những người quan tâm và chọn học CĐ nghề và TC nghề dường như ngày càng thưa vắng, số học sinh tuyển được ngày càng giảm…
Ngán học văn hóa
Sau khi Luật dạy nghề có hiệu lực, hệ công nhân kỹ thuật bị “khai tử”, thay vào đó là hệ đào tạo nghề trình độ trung cấp. Thay vì chỉ dạy nghề như hệ công nhân kỹ thuật để được xem là tương đương hệ TCCN, hệ TC nghề (đầu vào THCS) phải dạy luôn chương trình 1.200 tiết bốn môn văn hóa (toán, lý, hóa, văn – tiếng Việt) giống như TCCN. Chính sự thay đổi này đã đẩy thầy trò các trường có hệ này vào thế khó.
Năm 2007, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) tuyển được gần 800 học sinh hệ TC nghề đầu vào THCS, nhưng đến nay chỉ còn 267, nghĩa là rơi rụng hơn 2/3.
Thầy Trần Tấn Dũng, trưởng phòng đào tạo nhà trường, nói: “Hệ công nhân trước kia chỉ dạy nghề, không dạy văn hóa nên tỉ lệ học sinh hao hụt không lớn. Hầu hết học sinh đối tượng chưa có bằng THPT đều rất ngán chữ, khó có thể theo được 1.200 tiết văn hóa ở trường nghề”.
TS Nguyễn Trần Nghĩa, hiệu trưởng Trường CĐ nghề tại TP.HCM, nêu thực tế, có những học sinh học nghề rất khá, nhưng vì không đảm bảo yêu cầu đầu ra các môn văn hóa nên không có bằng tốt nghiệp. Các môn văn hóa cũng là gánh nặng lo âu của chính các trường, vì xưa nay trường nghề vốn không có biên chế giáo viên dạy các môn này. Nay phải tìm giáo viên thỉnh giảng, thầy cô “vừa dạy vừa dụ” trong tình trạng cứ đến giờ học nghề học sinh có mặt đông đủ, còn đến giờ văn hóa nhiều trò bỗng dưng “biến mất”. Đó là chưa tính đến những khó khăn khi tất cả học sinh có trình độ hết lớp 9, hết lớp 10, hết lớp 11 hoặc dở dang lớp 12 đều phải học cùng chương trình văn hóa như nhau.
Rõ ràng, hệ TC nghề không hấp dẫn người học bằng hệ công nhân kỹ thuật trước đây. Ngay cả các trường có đào tạo CĐ nghề, khâu tuyển sinh cũng đang ngày càng trắc trở. Tại TP.HCM, số học sinh này ba năm qua cũng giảm dần ở nhiều trường. Chất lượng đầu vào cũng không cao khi HS có xu hướng ưu tiên chọn học TCCN trước, sau đó mới đến CĐ nghề và TC nghề.
Ngổn ngang lối ra
Vì sao trường nghề ngày càng khó tuyển sinh? Câu hỏi này nhiều lần được các đại biểu HĐND TP.HCM và đại biểu Quốc hội đặt ra để lắng nghe ý kiến từ các trường nghề. Và câu trả lời luôn là nỗi ưu tư của chính lãnh đạo các trường nghề.
Không có mã nghề để tuyển sinh, cũng không có bất cứ hướng dẫn, thông tin chung gì từ cấp bộ về tuyển sinh CĐ nghề, TC nghề. Giữa lúc xã hội sôi động mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ, xét tuyển nguyện vọng 2, 3 thì hệ thống trường nghề lặng lẽ tự về tận xã phường chiêu sinh, đào tạo giữa những khó khăn chất chồng.
Trong khi đó, hệ đào tạo TC nghề và CĐ nghề thuộc Bộ Lao động – thương binh và xã hội quản lý nhưng hiện chưa có quy định gì về thang bảng lương cho những người tốt nghiệp hai hệ này!
Năm 2009, ngay khi khóa TC nghề đầu tiên tốt nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã bối rối vì điều này. Nay khóa CĐ nghề đầu tiên sắp ra trường cũng chưa có hướng dẫn gì thêm. Hướng liên thông học tiếp lên cao cho những người tốt nghiệp CĐ nghề vẫn còn trong dự thảo.
Theo dự thảo này, người tốt nghiệp CĐ nghề có thể học liên thông lên ĐH với thời gian một năm rưỡi. Tuy nhiên, nói như PGS TS Nguyễn Văn Học, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội: “Thực tế đào tạo của nhiều trường CĐ nghề, thời lượng thực hành chiếm 70%, lý thuyết 30%. Trong khi tỉ lệ này ở các trường CĐ thuộc ngành giáo dục ngược lại, lý thuyết chiếm 70%. Nay muốn liên thông một năm rưỡi cũng không phải dễ”.
“CĐ nghề và TC nghề khai sinh được năm năm rồi. Có lẽ đã đến lúc cần mổ xẻ, đánh giá lại hiệu quả của nó. Tiếc rằng đã lâu lắm rồi không có một diễn đàn, hội nghị nào lắng nghe nỗi khổ từ chúng tôi” – hiệu trưởng một trường TC nghề tại TP.HCM tâm tư.
Theo Phúc Điền
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)