Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo nghề: Mạnh ai nấy làm

Tạp Chí Giáo Dục

Các công ty đang tuyển dụng lao động trình độ trung cấp tại sàn giao dịch việc làm

Hiện nay, trong khi nhiều sinh viên ra trường bị doanh nghiệp “chê” là lao động thiếu thực tế, chưa đáp ứng được nhu cầu công việc thì các trường vẫn “mạnh ai nấy đào tạo”, chưa có dự báo, thông tin về thị trường lao động. Mặt khác, đào tạo vẫn còn nhiều bất cập, khiến nguồn nhân lực có tay nghề không đủ và chưa đáp ứng với sự phát triển của TP.HCM.
Nhà trường và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung
Bà Tô Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, hiện nay nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp là rất lớn và bức thiết. Vì vậy, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp hết sức cần thiết trong việc cải cách chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng thực hành và bảo đảm đầu ra cho học sinh, học viên, sinh viên. Đây sẽ là mô hình đào tạo tiên tiến, hiện đại, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM: “Hiện nay các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp hay các trường cao đẳng đóng trên địa bàn TP.HCM đủ khả năng đào tạo nhân lực để đáp ứng tốt nhu cầu công việc của các doanh nghiệp. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng là học viên đào tạo ra chưa đạt chất lượng nhưng chỉ ít doanh nghiệp tìm đến các cơ sở đào tạo nghề để “đặt hàng” theo nhu cầu của mình”. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động cho biết trong giai đoạn 2009 – 2010, mỗi năm TP.HCM có nhu cầu 270.000 – 280.000 lao động, nhưng các trường đào tạo chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ. Nhiều năm nay TP.HCM luôn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động do nguồn cung cấp nhân lực có tay nghề từ các trường dạy nghề còn thiếu so với nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, ông Trần Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty May – thêu – giày An Phước cho biết: “Nếu nguồn nhân lực của công ty không có được môi trường đào tạo bài bản, thì việc quản lý, phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, từ kinh nghiệm của mình, công ty chúng tôi sẵn sàng liên kết cùng nhà trường nhận học viên vào thực tập, truyền đạt các kinh nghiệm của chúng tôi để học viên không bỡ ngỡ khi bước vào đời. Các trường chỉ mới cung cấp cho xã hội cái mà mình có, chứ chưa cung cấp cái mà xã hội và doanh nghiệp cần. Cái yếu của người lao động hiện nay là thiếu ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc tập thể và nhất là không giỏi ngoại ngữ”. Còn ông Nguyễn Thanh Trực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP ACB thổ lộ: “Cái quan trọng nhất đối với chúng tôi, đó là chất lượng nguồn nhân lực. Chúng tôi xác định sự liên kết giữa nhà trường và doanh nhiệp là cơ hội để có thể đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng theo hướng phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi tham gia với nhà trường để tào tạo, góp ý chương trình để có kết quả đào tạo đáp ứng được công việc. Mong muốn là như vậy, nhưng hình như giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn chưa có tiếng nói chung”.
Bất cập trong đào tạo

Học viên tìm hiểu máy móc, trang thiết bị dạy nghề

Thầy Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức chia sẻ: “Hậu quả của tình trạng “cố sống, cố chết” học lên cao đẳng, đại học là nhiều cử nhân quản trị kinh doanh, kỹ sư không tìm đúng việc ở chuyên ngành được đào tạo mà phải làm những công việc của lao động phổ thông để kiếm sống và tạo ra sự khập khiễng về cơ cấu lao động hiện nay. Phần lớn học sinh tốt nghiệp là thi đại học, nếu không được thì bỏ cuộc đi làm công nhân hay làm nông. Còn hướng học nghề thì các em chê. Trong khi đó đội ngũ lao động được đào tạo từ các trường nghề chính là nòng cốt để phát triển tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…”. Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, hiện nay lao động có chuyên môn, tay nghề chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là lao động phổ thông. Cùng với thực trạng trên là sự khập khiễng trong việc đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp.
Thầy Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM nhìn nhận, hoạt động đào tạo vẫn còn hạn chế trong việc thực hiện nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, chậm khắc phục những bất hợp lý trong cơ cấu giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp… Việc đào tạo chưa gắn với sử dụng, trình độ kiến thức chưa tương ứng với văn bằng; đào tạo thiếu cân đối giữa cơ cấu trình độ; nhiều yếu kém trong công tác quản lý giáo dục và đào tạo chưa được khắc phục; nội dung chương trình còn bất hợp lý, chậm đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và xã hội hóa giáo dục.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Lý (Trường Đại học Nông Lâm) lại nêu lên việc bất cập ngay tại các đơn vị đào tạo. Trường đại học có chức năng đào tạo đại học thì đua nhau đào tạo trình độ trung cấp; trong khi đó rất nhiều trường trung cấp, cao đẳng chưa đủ điều kiện đào tạo trình độ cao hơn thì lại cố gắng để được nâng cấp hay đào tạo ở trình độ cao hơn. Chính từ đây các đơn vị đào tạo chưa đúng đối tượng, vì thế mà chất lượng giảm. Vấn đề này, cô Lê Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Vạn Tường bức xúc: “Phải trả đào tạo hệ trung cấp lại cho các trường trung cấp đào tạo, không thể cứ tái diễn tình trạng đào tạo chồng chéo như thế. Đào tạo như thế các trường đại học vô tình “bóp chết” các trường trung cấp mà hiệu quả thấy rõ là không đạt chất lượng. Có chăng là đào tạo liên thông “dọc” giữa các trường. Đồng thời, “nhất thể hóa” hai trình độ đào tạo trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Có như vậy mới thu hút được thanh niên học nghề và khi có được sự liên thông, xã hội sẽ bớt đi áp lực vào đại học bằng mọi giá và có nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp”.
Bài, ảnh: Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)