Sáng nay 23.11, tọa đàm 'Giáo dục nghề nghiệp phục vụ xuất khẩu lao động trên địa bàn TP.HCM' do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức, đã nêu ra những vấn đề thiết thực nhất cho các trường trước bối cảnh đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp nói về xuất khẩu lao động tại buổi tọa đàm. ẢNH: MỸ QUYÊN
Nhu cầu ngày càng nhiều
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Trợ lý Giám đốc phụ trách Quản trị chiến lược và đối ngoại của Công ty Esuhai cho biết: “Hiện nay, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… đang có nhu cầu tuyển dụng lao động từ Việt Nam rất lớn. Năm 2015, công ty chúng tôi đã đưa gần 1.000 kỹ sư và thực tập sinh sang Nhật để làm việc. Năm 2016 là hơn 1.500 người và dự đoán những năm tới sẽ còn nhiều hơn thế”.
Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, từ năm 2011 đến nay, thành phố và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã đưa hơn 55.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, trong đó có 9,22% có trình độ trung cấp, 5,81% có trình độ CĐ và 6,22% có trình độ ĐH, còn lại là lao động phổ thông. Riêng sang Nhật, có hơn 31.000 lao động, Đài Loan hơn 12.000 người, Malaysia gần 5.000 người, Hàn Quốc hơn 3.500 lao động. Đây là 4 quốc gia và vùng lãnh thổ chính có nhu cầu tuyển dụng lao động từ Việt Nam lớn nhất.
Các thị trường trên chủ yếu cần lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực may mặc, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử, thuyền viên…
Ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, Phó phòng Thị trường, Trung tâm xuất khẩu lao động thuộc Công ty cổ phần dệt may Sài Gòn, cũng chia sẻ: “Riêng quý 1/2016, Việt Nam đã đưa 7.110 lao động sang Nhật. Một trong các chương trình đang thực hiện hiện nay đó là thực tập kỹ năng tại Nhật, theo hợp đồng từ 6 tháng, 1 năm, 3 năm đến tối đa là 5 năm. Các bạn trẻ sẽ được học tập, làm việc, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, tay nghề trong hầu hết trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất”.
Tại nhiều trường như CĐ Kỹ nghệ 2, CĐ nghề TP.HCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức… trong những năm qua đều có các ký kết với Nhật, Hàn Quốc để hằng năm đào tạo lao động có tay nghề sang làm việc trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, số lượng này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Lao động có tay nghề cao luôn được doanh nghiệp nước ngoài chào đón. ẢNH: MỸ QUYÊN
|
Lương 3 năm đủ về nước khởi nghiệp
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, chia sẻ: “Trong số 300 sinh viên được trường đào tạo để xuất khẩu lao động sang tập đoàn Freesia của Nhật, nhiều em do chăm chỉ làm việc, sau 3 năm trở về được một khoản thu nhập lên tới 4,2 triệu yen, tương đương khoảng 850 triệu đồng”.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Xuân Lanh, mức lương trung bình phía doanh nghiệp Nhật trẻ cho lao động Việt Nam là từ 25 triệu – 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nếu chịu khó làm tăng ca thì thu nhập có thể cao hơn.
“Sau 3 năm làm việc, các em có thu nhập từ 400-700 triệu. Trở về nước, với tay nghề giỏi, ngoại ngữ tốt, tác phong làm việc nghiêm túc, kiến thức mở mang nhờ vào quá trình làm việc ở một quốc gia phát triển bậc nhất, các em hoàn toàn có thể xin vào một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Hoặc với số tiền đó, các em hoàn toàn có thể khởi nghiệp”, ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa chia sẻ.
Theo thạc sĩ Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM, muốn xuất khẩu lao động trở thành một giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực VN, thì đào tạo lao động phải chất lượng hơn nữa. Nghĩa là xuất khẩu tinh chứ không xuất khẩu thô. Ông Bình nói: “Các trường phải chủ động xây dựng chương trình, bên cạnh khối lượng kiến thức khung, cần phải có những học phần đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Tại trường CĐ nghề TP.HCM, chúng tôi có riêng một học kỳ đào tạo những thứ doanh nghiệp cần. Nếu người lao động đã có kỹ năng giỏi, khi sang nước bạn, các em sẽ không mất nhiều thời gian để học hỏi và thích nghi. Thời gian đó để dành làm việc và nạp thêm những kiến thức, trải nghiệm mới từ một quốc gia phát triển. Khi trở về Việt Nam, các em sẽ trở thành nguồn lao động chất lượng cao cho đất nước”.
Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)