Các trường CĐ-TC nghề hiện đang tập trung đầu tư đào tạo các nhóm ngành kỹ thuật công nghệ và dịch vụ, được dự báo là chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động thị trường cần từ nay đến năm 2025.
Người lao động tại một doanh nghiệp tham gia lớp đào tạo nghề chế biến và bảo quản thủy sản bậc TC |
Khát lao động nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ
Giai đoạn 2016-2020, cả nước cần khoảng 12 triệu lao động qua đào tạo nghề, trong đó trình độ CĐ là 1.440.000 người (12%); TC 1.760.000 người (14,5%) và sơ cấp 8.800.000 (73%). |
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2025, Việt Nam có 78,07 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó ở nông thôn là 46,56 triệu người (chiếm 59,46%). Lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế là gần 63 triệu người, trong đó nhân lực ở lĩnh vực nông nghiệp chiếm 35-38% (năm 2020) và 28,3% (năm 2025); lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chiếm 31% (năm 2020) và 25,1% (2025); lĩnh vực dịch vụ chiếm 27% đến 29% (năm 2020) và 46,6% (năm 2025). (Theo số liệu quy hoạch nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và số liệu điều tra lao động việc làm và kết quả dự báo của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm). Đến năm 2025, trong tổng số lao động đang làm việc, số lao động giản đơn có khoảng 12,42 triệu người (chiếm 20,1%); số lao động có kỹ năng trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp là 9,21 triệu người (chiếm 14,9%); số công nhân kỹ thuật vận hành máy và thợ lắp ráp là 7,7 triệu người (chiếm 12,46%) và số lao động thủ công là 7,50 triệu người (chiếm 12,13%)… Cũng theo dự báo, tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2020 là gần 44 triệu người (chiếm khoảng 70% trong tổng số gần 63 triệu người đang làm việc). Trong đó, số người đã qua đào tạo nghề năm 2020 là khoảng 39 triệu, gồm: sơ cấp gần 24 triệu (chiếm khoảng 54%); TC gần 12 triệu (khoảng 27%); CĐ hơn 3 triệu…
Kết quả dự báo cho thấy, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm mạnh từ 44,7% (năm 2015) xuống còn 28,3% (năm 2025); ngành công nghiệp tăng nhẹ từ 22,1% (năm 2015) lên 25,1% (năm 2025); ngành dịch vụ tăng nhanh từ 33,2% (năm 2015) lên 46,6% (năm 2025). Như vậy, đến năm 2025, lao động dịch chuyển từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó chủ yếu chuyển sang ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu lao động đến năm 2020 là rất lớn, chỉ tính riêng các huyện nghèo trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến có khoảng 58 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài; trong đó khoảng 80% lao động đã qua đào tạo nghề.
Đầu tư trang thiết bị xứng tầm bắt kịp với doanh nghiệp
Từ nhu cầu thực tế, các trường nghề đã và đang quy hoạch lại ngành nghề đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực. TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết các ngành nghề khối kỹ thuật hiện đang hút người học, cụ thể là ngành công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, kỹ thuật xây dựng, hàn, cắt gọt kim loại… Để có được nguồn lao động chất lượng, các trường cần đầu tư trang thiết bị đào tạo hiện đại, xứng tầm để bắt kịp với doanh nghiệp. Trong khi đó, tại Trường TC nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, khối ngành kỹ thuật cũng được học sinh lựa chọn với tỷ lệ tuyển sinh mỗi năm cao hơn. “Xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động, công việc ổn định, lương khá, đặc biệt là có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp nên nhiều học sinh lựa chọn khối ngành này”, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết.
PGS.TS Lê Anh Đức (Hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng TP.HCM, Bộ Xây dựng) khẳng định, lao động cho ngành xây dựng hiện đang rất khan hiếm bởi các trường đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu, đó là chưa kể phục vụ thị trường xuất khẩu lao động. Theo đó, nhóm ngành xây dựng thị trường đang cần gồm: công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, quản lý xây dựng, công nghệ kỹ thuật kiến trúc, công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật giao thông, quản lý khu đô thị, quản lý tòa nhà…
Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong từng lĩnh vực Ở khối ngành nông – lâm – ngư nghiệp, dự báo đến năm 2020, số lao động qua đào tạo ở các trình độ là gần 13 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp chiếm 69,5%; TC chiếm 22,5% và CĐ chiếm khoảng 6%. Ở khối ngành công nghiệp – xây dựng, dự báo đến năm 2020, số lao động qua đào tạo các trình độ là 16 triệu người (sơ cấp: 56%; TC: 33,5% và CĐ: 4%). Trong khi đó, ở khối ngành dịch vụ (y tế, du lịch, văn hóa, giao thông vận tải…) cần 15 triệu người qua đào tạo (sơ cấp: 37%; TC: 23%; CĐ: 12%). |
ThS. Trần Thị Thu Hiền (Phó Trưởng khoa Cơ khí chế tạo, Trường CĐ Nghề TP.HCM) cũng nhìn nhận: “Hiện nay việc chọn nghề của học sinh luôn đặt tiêu chí về cơ hội việc làm bên cạnh năng lực và sở thích. Trong quá trình học, các em ý thức trang bị kỹ năng thực hành, trau dồi ngoại ngữ thì cơ hội thăng tiến trong công việc là không khó”.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân (Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn) cho rằng nhóm ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn cũng đang cần lao động, nhưng để trụ vững với nghề thì cần hội đủ kỹ năng hành nghề, kỹ năng ngoại ngữ. “Đây không còn là điều kiện ưu tiên mà là điều kiện bắt buộc khi nhóm ngành này được tự do dịch chuyển lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN”, bà Xuân nói.
T.Anh
Bình luận (0)