Sáng 28-2, đồng chí Đinh La Thăng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP. Tham dự có bà Thân Thị Thư – Trưởng ban Tuyên giáo; bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.
Nhiều nghệ sĩ – giảng viên tâm tư trước tình trạng đào tạo nghệ thuật ngày càng teo tóp |
Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP được nâng cấp từ CĐ lên ĐH năm 2009. Hiện trường có 109 công chức – viên chức và người lao động, trong đó đội ngũ giảng viên cơ hữu có 55 người (3 PGS; 5 TS; 18 ThS, còn lại là cử nhân, CĐ). Ngoài ra trường còn có gần 100 giảng viên thỉnh giảng.
PGS.TS Vũ Ngọc Thanh – Bí thư Đảng ủy nhà trường – trăn trở: Do trường trực thuộc Bộ VH-TT&DL nên cơ sở vật chất nhỏ hẹp, trang thiết bị phục vụ đào tạo nghệ thuật còn hạn chế, thiếu phim trường, các phòng đào tạo chức năng, chuyên dụng (kết hợp lý thuyết – thực hành), phòng chiếu phim đạt chuẩn tối thiểu. Kinh phí hoạt động, nhất là cho đào tạo tài năng nghệ thuật còn hạn chế. Nhiều thầy, cô giáo có thâm niên giảng dạy vẫn phải đi thuê phòng trọ, việc tiếp cận nhà ở xã hội rất khó khăn. “TP hỗ trợ, tạo điều kiện để trường phát triển theo một số đề án sẽ trình TP trong thời gian tới như: Đề án “Nâng cao vị thế, thương hiệu của trường” nhằm cung cấp nhân lực nghệ thuật cho TP; ủng hộ “Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn 2030” và các đề án trọng tâm để trường đóng góp hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật và đào tạo nhân lực nghệ thuật sân khấu điện ảnh cho TP; Tạo quỹ đất giúp trường tháo gỡ khó khăn về diện tích mặt bằng cơ sở đào tạo, cấp đất để trường xây dựng phim trường bên ngoài khuôn viên…”, ông Thanh đề xuất.
Đạo diễn Ca Lê Hồng – nguyên Hiệu trưởng nhà trường – cũng tâm tư: Cơ sở vật chất thiếu thốn nên nhiều năm nay, công tác tuyển sinh, đào tạo, càng ngày càng teo tóp. Thậm chí môn nghệ thuật – đặc trưng của vùng đất phương Nam là cải lương không có nghệ sĩ giỏi; không tuyển được học viên.
Từ những ý kiến này, ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở VH-TT TP – cho rằng: Việc xây dựng “thương hiệu” cho trường phải cần thời gian, còn hiện tại bây giờ là phải đảm bảo chất lượng sinh viên khi ra trường. Còn việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật cải lương, Sở VH-TT đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan, có cơ chế chính sách thoáng như việc tuyển dụng các em có năng khiếu về cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Tuy nhiên những em có đam mê, năng khiếu bộ môn nghệ thuật này còn rất ít.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – thì, trong điều kiện hội nhập, chương trình giảng dạy của trường cần phải thay đổi. Trong đó, có sự liên kết – đơn đặt hàng với TP, nhất là đào tạo những chuyên ngành, bộ môn mà TP đang cần. Nhưng thời gian qua, nhà trường chưa thực sự quan tâm tới việc phối hợp với các sở ngành, cần phải được chấn chỉnh lại. Bên cạnh đó, nhiều chương trình nghệ thuật hiện nay bị thị trường hóa, không có tính định hướng – giáo dục và nghệ thuật cho lớp trẻ. Các thầy cô giáo ngoài việc đứng lớp giảng dạy, còn tham gia diễn xuất, đóng phim phải là những tấm gương cho học trò noi theo.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy hoan nghênh, sự nỗ lực của các thế hệ thầy trò nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ… Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng phê bình việc Đảng ủy Khối (gồm 13 trường trực thuộc Bộ VH-TT&DL) chưa quán triệt NQ Đại hội Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về văn hóa – nghệ thuật của cả nước và TP với nhà trường. Đồng chí giao cho Ban Tuyên giáo và UBND TP tổ chức Hội nghị quán triệt lại nghị quyết của Đảng bộ TP về lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của khối.
Riêng về các kiến nghị của trường, đồng chí giao Sở TN-MT hỗ trợ trường hoàn thành các văn bản, kế hoạch về các dự án và phải hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2017; hỗ trợ Đài Truyền hình TP.HCM HTV trong công tác quy hoạch, di dời tại khu đất xây dựng phim trường, khi hoàn thành xây dựng thì HTV và trường cùng khai thác, sử dụng…
Lê Quang Huy
Bình luận (0)