Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đào tạo người làm phim

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm trở lại đây, đã có sinh viên được nhà nước cử đi học làm phim tại một số quốc gia có nền điện ảnh phát triển trên thế giới. Song song đó, theo giới làm nghề, việc đào tạo điện ảnh trong nước cũng cần có những thay đổi.

Thiếu nhân lực tạo nên tác phẩm đột phá

Theo thống kê của Cục Điện ảnh năm 2021, ngoài 2 trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh tại Hà Nội và TP.HCM, trong cả nước có gần 10 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng khác đào tạo một số chuyên ngành điện ảnh, trong đó có thể kể đến trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn của Đại học Quốc gia Hà Nội và của Đại học Quốc gia TP.HCM, trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Lang, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội và TP.HCM… Dù vậy, theo đánh giá của Cục Điện ảnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra của Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đào tạo người làm phim - ảnh 1

Bộ phim Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt dự kiến ra rạp vào tháng 3 tới. TL

Khi tổng kết 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã thẳng thắn nhìn nhận: “Điện ảnh Việt Nam thiếu đội ngũ nhân lực có khả năng tạo nên những tác phẩm điện ảnh có chất lượng đột phá, có tiếng vang trên trường quốc tế. Do vậy, chúng ta không có những tác phẩm có sức thuyết phục để quảng bá quốc tế. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật điện ảnh vừa thiếu và yếu, chưa đủ năng lực giải quyết những vướng mắc về mặt kỹ thuật bổ trợ việc sản xuất và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài”.

PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, nhìn nhận một trong những vấn đề của đào tạo điện ảnh hiện nay là mất cân đối trong những ngành nghề điện ảnh. “Đa số thí sinh đều muốn học các chuyên ngành diễn viên, đạo diễn”, ông Thanh đánh giá và cho rằng: “Do đào tạo theo nhu cầu xã hội và xu hướng chọn ngành nghề của người học, nên ngoài các trường công lập, tại đa số các cơ sở đào tạo dân lập chủ yếu là đào tạo các chuyên ngành diễn viên, đạo diễn, ngoài ra là quay phim. Chính việc này góp phần dẫn đến thực trạng đã và đang trở thành khuynh hướng, xu thế trong đầu vào đào tạo với các chuyên ngành là sự mất cân đối, vừa thừa vừa thiếu, do nguyên nhân cả về nhu cầu xã hội, người học (khách quan) và tại nhiều cơ sở đào tạo (chủ quan) trong đào tạo điện ảnh”. PGS-TS Vũ Ngọc Thanh nhấn mạnh vấn đề lớn nhất cản trở cơ hội phát triển bền vững của điện ảnh Việt là do “chất lượng nguồn nhân lực chưa đủ mạnh và thiếu nền tảng đào tạo hiện đại, bài bản, cập nhật với hội nhập quốc tế”. Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề cập đến vấn đề nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh tại Việt Nam “chưa hội đủ điều kiện cần và đủ để tạo ra nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với thế giới, chưa có sự đồng bộ, tiên tiến, hiện đại trong hệ thống giáo trình; nhiều giáo trình còn chưa được thay đổi, cập nhật, nhất là phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho việc đào tạo mang nhiều tính ứng dụng đa ngành nghề còn thiếu nhiều so với nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại”.

Đào tạo người làm phim - ảnh 2

Bộ phim Người tình của đạo diễn Lưu Huỳnh chính thức ra rạp vào ngày 18.2

Không thể chỉ có đạo diễn giỏi

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, cần có quỹ học bổng cho nhiều sinh viên theo học ở những quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến bởi họ chính là nhân lực của ngành điện ảnh Việt tương lai. Ông Vi Kiến Thành cho hay mỗi năm có khoảng tối đa 3 – 4 sinh viên ngành điện ảnh được nhà nước cử đi học tại nước ngoài (Mỹ, Úc…) theo đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030. Tuy nhiên, có một vấn đề là nhiều sinh viên ra nước ngoài học tập (nhà nước cử đi hoặc theo những con đường khác nhau), theo PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, chủ yếu muốn học làm đạo diễn. “Ít ai muốn theo học ngành nghề khác. Nhà nước khi xây dựng, phê duyệt chỉ tiêu lại chủ yếu căn cứ theo đề xuất của bộ chủ quản, thông qua các cơ sở đào tạo”, ông Thanh bày tỏ và nhấn mạnh: “Trong khi đó, đạo diễn dù là “linh hồn của bộ phim” hoặc “phim tác giả, đạo diễn là tác giả”, nhưng loại hình nghệ thuật điện ảnh không phải chỉ có đạo diễn là giải quyết được tất cả các vấn đề nghệ thuật và kỹ thuật. Có đạo diễn giỏi nhưng kịch bản, quay phim, diễn xuất, hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo… không đạt yêu cầu thì sẽ ảnh hưởng nhiều mặt tới chất lượng chung của tác phẩm”.

Trong số những giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL đưa ra, có việc nghiên cứu công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư chương trình đào tạo chuyên sâu, đặc thù cho ngành điện ảnh thông qua chính sách học bổng đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp: biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, hóa trang, phục trang, kỹ xảo, công nghệ, lý luận phê bình, sản xuất phim, phát hành phim, quản lý điện ảnh…; xây dựng kế hoạch đào tạo cấp bách đội ngũ các nhà quản lý điện ảnh, có đủ trình độ và năng lực phát triển nền điện ảnh.

Ngoài ra, trước hết, theo đề án Đặt hàng đào tạo 300 chỉ tiêu các ngành hiếm, khó tuyển sinh, ngành truyền thống, dân tộc và đặc thù tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ VH-TT-DL được phê duyệt vào đầu năm 2020, 14 ngành đặt hàng đào tạo do ngân sách nhà nước chi trả, trong đó có ngành lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình. Đề án được triển khai sẽ góp phần bổ sung nguồn nhân lực của ngành lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình.

Theo Ngọc An/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)