“Phần lớn giảng viên là thỉnh giảng, dạy ở nhiều trường khác nhau nên rất ít thời gian tham gia vào công tác chuyên môn. Số lượng sinh viên ra trường được tuyển dụng còn khiêm tốn do không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, ngoại ngữ của các doanh nghiệp”, ThS. Lã Quốc Khánh – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cho biết như vậy tại hội thảo “Nhu cầu đào tạo và thành lập hội đồng hiệu trưởng các cơ sở đào tạo khối ngành du lịch” do Sở GD-ĐT TP tổ chức ngày 28-8.
Doanh nghiệp “khát” lao động
Số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cho thấy, số lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến TP.HCM ngày càng tăng. Nếu năm 2003 chỉ có 1.312.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2010 đã vượt ngưỡng 3.000.000 khách, năm 2011 là 3.800.000 lượt khách. TP.HCM chiếm trên 55% tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực du lịch cũng tăng nhanh. TP hiện có khoảng 820 doanh nghiệp lữ hành và trên 1.700 cơ sở lưu trú. Điều đó cũng có nghĩa nhu cầu nhân lực của ngành du lịch tăng từng ngày.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thì: “Từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm TP.HCM cần khoảng 21.600 lao động ngành du lịch. Tuy nhiên các trường đào tạo chuyên ngành du lịch (40 trường từ trung cấp, CĐ đến ĐH – PV) chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Đã vậy, chương trình đào tạo tại nhiều trường còn chú trọng đến lý thuyết mà chưa có điều kiện tổ chức nâng cao thực hành. Vì vậy, sinh viên, học viên ra trường thiếu kỹ năng”.
Về thực trạng nguồn nhân lực du lịch, ông Khánh cho biết: Tổng số lao động tăng nhanh, từ 19.260 người (năm 2001) lên 41.449 người (năm 2012). Tuy nhiên, những lao động có trình độ còn rất hạn chế. Đặc biệt là trình độ trên ĐH chỉ có 42/hơn 38.000 người (năm 2011); ĐH – CĐ trên 5.000 người. Thậm chí có tới trên 11.000/19.260 người (năm 2001) chưa qua đào tạo, năm 2011 con số này vẫn còn gần 5.200 người… “Trên bình diện chung, phần lớn lực lượng lao động trong ngành vẫn chưa thông qua đào tạo chính quy cả trong nghiệp vụ chuyên môn lẫn trong quản lý điều hành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân”, ông Khánh khẳng định.
Thay đổi cách dạy và học
Theo tính toán của Viện Kinh tế TP.HCM, đến năm 2015, nguồn nhân lực du lịch TP.HCM sẽ đạt 51.000 người. Trong đó, ĐH và sau ĐH là 5.100, TC-CĐ – 25.500, sơ cấp 15.300. Phân theo khả năng ngoại ngữ là 26.520 người sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp – trên 4.000 người, tiếng Hoa – trên 6.100 người, tiếng Nhật – gần 4.100 người, ngoại ngữ khác trên 5.000 người… Để đáp ứng yêu cầu về số lượng cũng như đảm bảo chất lượng thì cần phải có sự thay đổi trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Muốn làm được điều đó, các trường cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng: “Một số trường còn thiếu các trang thiết bị, các phương tiện vật chất kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy cũng như thực hành, địa điểm chưa ổn định, thuê mướn, chắp vá. Lực lượng giảng viên cơ hữu còn mỏng. Nội dung chương trình còn tập trung nhiều vào việc trang bị các kiến thức lý thuyết, xem nhẹ kỹ năng thực hành. Ngoài ra, theo đánh giá của các doanh nghiệp hoạt động du lịch thì một trong những điểm yếu của lực lượng chuẩn bị tham gia vào ngành du lịch là khả năng ngoại ngữ còn hạn chế”, ông Khánh cho biết.
Theo đó, ông Lưu Đức Tiến – Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD-ĐT TP đưa ra các giải pháp: “Nhà trường cần xây dựng lộ trình tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, giảng viên cơ hữu theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó phối hợp liên kết các doanh nghiệp du lịch để tận dụng, khai thác các trang thiết bị chuyên dùng, hiện đại và thỉnh giảng giáo viên có kinh nghiệm, đặc biệt là xây dựng chuẩn đầu ra”.
Ông Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho rằng: Đã đến lúc phải thành lập hội đồng hiệu trưởng các cơ sở đào tạo khối ngành du lịch. Hội sẽ là cầu nối để các trường và doanh nghiệp gắn kết với nhau. Từ đó cho “ra lò” những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc…
Kim Anh
Bình luận (0)