Nhân lực đồng bằng không “xài” được khi hội nhập. Ảnh: I.T |
Trường ĐH Tây Đô tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo và nghiên cứu khoa học vùng ĐBSCL – Hội nhập và phát triển bền vững”. Tai đây, các chuyên gia giáo dục cho rằng khi gia nhập ASEAN, lao động của các nước khác có thể làm việc tại Việt Nam, khiến nhân lực ở ĐBSCL sẽ “thua ngay trên sân nhà” và nguy cơ mất việc là rất cao…
Nhân lực đồng bằng không “xài” được khi hội nhập
Qua nghiên cứu về GD-ĐT ĐH Việt Nam trong bối cảnh gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, PGS.TS Đào Duy Hân, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Tây Đô, cảnh báo: Việt Nam đang đứng trước sức ép lớn khi những chuyển biến về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập AEC đòi hỏi sự thay đổi trong cơ cấu lao động để tạo nền móng cho những ngành công nghiệp sản xuất có năng suất cao, đồng thời hướng đến đào tạo nhân lực có kỹ năng cao, để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong xu hướng tự do hóa lao động trong cộng đồng ASEAN. Theo đánh giá của ILO, nguồn lao động của nước ta tuy trẻ và dồi dào, tỷ lệ đào tạo ĐH đạt 14,6%, nằm trong nhóm nước châu Á có tỷ lệ đào tạo ĐH cao, nhưng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam rất thấp; cụ thể năng suất lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương, chỉ gần bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Gia nhập ASEAN, lao động của các nước khác có thể làm việc tại Việt Nam, khiến chúng ta có nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” bởi nguy cơ mất việc của lao động Việt Nam…
Cũng đi sâu vào chất lượng nhân lực của ĐBSCL, TS. Thái Ngọc Vũ nêu thực trạng: Tỷ lệ lao động qua đào tạo của khu vực thấp nhất nước: Chỉ đạt 10,4% (số liệu của Tổng cục Thống kê – 2014). Bên cạnh đó chất lượng đào tạo chưa cao, và mất cân đối nghiêm trọng trong đào tạo ĐH và đào tạo nghề. “ĐBSCL có 42 trường ĐH, CĐ, và 30 trường TCCN, trên 90% số cơ sở này đã mở rộng đào tạo các ngành kinh tế. Trong khi nông nghiệp và thủy sản là 2 ngành kinh tế then chốt của vùng nhưng chỉ có 10,1% sinh viên theo học 2 ngành này ở bậc ĐH, và chưa đầy 5% ở bậc CĐ. Đáng quan tâm hơn là chính sách xã hội hóa giáo dục trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành sức khỏe của Bộ GD-ĐT, với chuẩn đầu vào các ngành y – dược thấp đến mức không ngờ và gần như không có tiền lệ trước đây, dẫn đến tình trạng làn sóng người đổ xô nhau học ngành y – dược, trong khi cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu giảng dạy và đội ngũ giáo viên của những cơ sở đào tạo ngành y dược đó vừa thiếu vừa yếu cả về chất lượng và số lượng. Ngoài ra không ít trường cứ tuyển sinh theo thế mạnh và mục đích kinh tế, nên đào tạo ra cái mà các cơ sở này có chứ không đào tạo những trí thức mà xã hội cần”, TS. Thái Ngọc Vũ phân tích.
Hậu quả là GD-ĐT chưa trở thành đòn bẩy, là động lực cho sự phát triển kinh tế của khu vực, và càng có nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh hội nhập. Hiện nay ĐBSCL có khoảng 85.000 cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, thu hút 300.000 lao động làm việc. Nhưng do chất lượng lao động kém, toàn vùng chỉ giải quyết việc làm cho khoảng 170.000 lao động. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới: Khoảng 70% người lao động đã tốt nghiệp ĐH, CĐ của khu vực cần phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Hầu hết doanh nghiệp phần mềm phải đào tạo lại ít nhất 1 năm cho gần 90% sinh viên tốt nghiệp ĐH vừa tuyển dụng. Thực trạng nhân lực yếu kém là một trong những lực cản lớn khiến các nhà đầu tư, trong và ngoài nước, e ngại khi quyết định đầu tư vào khu vực.
Sớm quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề và giáo dục ĐH
Máy móc trang thiết bị ở các trường nghề, ĐH còn lạc hậu dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL không cạnh tranh được với khu vực trong tương lai. Ảnh: Thái Hải |
Tháo gỡ thực trạng trên cũng đồng nghĩa là tiến tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sự nghiệp đào tạo phải đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng trong bối cảnh hội nhập. Về các giải pháp, nhiều ý kiến thống nhất GD-ĐT ĐBSCL phải đảm bảo cân bằng cung – cầu giữa các ngành, tránh dư thừa nhân lực dẫn đến lãng phí thời gian, tài chính và sức người. Việc tuyển sinh của các trường phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Chất lượng đào tạo phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Đặc biệt, các trường cần đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, kết hợp doanh nghiệp trong bổ sung giáo trình đào tạo; tăng cường năng lực ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) cho thầy và trò. Có chính sách thu hút giáo viên giỏi và nhiều kinh nghiệm.
Đặc biệt, các cơ sở cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Thông qua nghiên cứu, sinh viên sẽ tăng cường khả năng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức lẫn kỹ năng. Tuy nhiên lĩnh vực này là một trong những hạn chế của nhiều trường ĐH. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Yến (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Đa số sinh viên gặp khó trong định hướng chọn đề tài, và thiếu kinh phí nghiên cứu, trong khi yêu cầu đặt ra là đề tài phải có tính ứng dụng thực tiễn cao. Điều này khiến sinh viên gặp khó khăn trong quá trình thu thập số liệu, mẫu vật thực tế, nhất là khối ngành kỹ thuật công nghệ…
Đứng ở góc độ vai trò người thầy trong đào tạo, TS. Nguyễn Phước Quý Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, cho rằng: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, và xây dựng các chính sách đảm bảo phát triển đội ngũ, đặc biệt quan tâm chế độ đãi ngộ, phúc lợi xã hội; Dành ngân sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức nghề nghiệp cho thầy cô.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng Chính phủ cần đầu tư đúng mức cho hệ thống giáo dục của khu vực. Quy hoạch lại hệ thống giáo dục dạy nghề và giáo dục ĐH. Có chính sách khuyến khích các trường và sinh viên học các ngành cần thiết cho vùng như: Nuôi trồng – chế biến thủy sản; dịch vụ sau thu hoạch, nông, lâm. Có giải pháp chấn chỉnh số trường ĐH đã thu hút sinh viên gần như không chọn lọc, cũng như tình trạng một số trường buông lỏng quản lý, không thắt chặt đầu ra đối với sinh viên dẫn đến chất lượng đào tạo rất kém.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)