Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo nhân lực trên địa bàn Hà Nội: Chưa “bắt tay” được với nhu cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2008-2009 là năm thứ hai ngành GD-ĐT triển khai các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Tuy vậy, việc "Nói không với đào tạo không theo nhu cầu", nhất là trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội của các nhà trường xem ra vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Thiếu thông tin
Đông đảo thanh niên Thủ đô đến với Ngày hội thanh niên đô với nghề nghiệp. Ảnh: Đăng KhoaThủ
Tại Ngày hội Thanh niên Thủ đô với nghề nghiệp vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình đã khẳng định: Tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu nguồn nhân lực đang diễn ra: số lao động thiếu việc làm do không có tay nghề phù hợp ngày càng đông, trong khi các doanh nghiệp ngày càng thiếu hụt trầm trọng lao động chất lượng cao ở nhiều ngành nghề mới.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự thiếu hiểu biết của HS phổ thông về việc lựa chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp. Phần lỗi ấy trước hết thuộc về các nhà trường trong việc định hướng nghề, phân luồng HS. Hoạt động tư vấn tuyển sinh mới chỉ chú trọng tới số ít HS có thể học tiếp ĐH, CĐ, còn lại hơn 2/3 trong số 1 triệu HS THPT tốt nghiệp hằng năm phải tìm con đường khác, trong đó có học nghề, lại chưa được quan tâm đúng mức. Không có cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác, nên nhiều em chọn nghề theo cảm tính hoặc còn nhầm lẫn giữa ngành học thời thượng và ngành học cần nhân lực, nên học xong không có việc làm.
Với các cơ sở đào tạo, việc điều chỉnh nội dung chương trình sát yêu cầu thực tế dù đã được chú trọng song kết quả chưa như mong muốn. Riêng với yêu cầu về thực hành, mới có 50% trong tổng số hơn 40 trường TCCN, ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCCN của Hà Nội hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tăng tỷ lệ thực tập lên 50-70%. Phần lớn các trường còn chủ quan, thụ động, chưa đầu tư đúng mức cho việc nghiên cứu thị trường cũng như tuyên truyền về hoạt động đào tạo.
Các doanh nghiệp thì vẫn khá thờ ơ, trong khi lẽ ra họ phải cùng chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo nghề để được sử dụng nguồn nhân lực chất lượng, bớt tốn kém khi phải đào tạo lại. Bộ GD-ĐT đã có chủ trương trình Chính phủ cơ chế để doanh nghiệp "bắt tay" với nhà trường, trong đó có việc trích một phần chi phí sản xuất cho đào tạo, song có lẽ vẫn chỉ là chủ trương.
Trong tình hình ấy, không khó để lý giải tại sao chỉ tiêu tuyển sinh của các trường TCCN, ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCCN của Hà Nội năm 2008 mới đạt 69% so với kế hoạch. 
Yếu chất lượng
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khoảng 60% lao động tốt nghiệp từ các trường nghề cần phải đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng. Còn ông Nguyễn Phương Nam, Phó ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho biết, TP hiện có 9 khu công nghiệp và 3 khu công nghệ cao. Theo đó, lao động có trình độ từ trung cấp trở lên mới chiếm hơn 10%, còn lại hơn 80% lao động chưa có tay nghề. Thực tế ấy cho thấy công tác đào tạo nhân lực hiện còn xa rời thực tế, các nhà trường chỉ quen đào tạo theo cái mình sẵn có nên người lao động chưa đáp ứng yêu cầu của công việc. Việc lưu tâm tới nhu cầu sử dụng, nếu có mới chỉ dừng lại ở số lượng, chưa "đặt hàng" được với các doanh nghiệp về chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt của từng vị trí công việc.
PGS.TS Nguyễn Đức Trí, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì cho rằng, một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng mạnh tới chất lượng nguồn nhân lực là do cách cấp kinh phí đào tạo theo kiểu cào bằng hiện nay. Ông dẫn một ví dụ ở Thái Nguyên, có trường đào tạo khoảng 500 HS trung cấp nghề trong 2 năm đã chịu lỗ hơn 500 triệu đồng. Trường phải lấy khoản thu từ học phí của nghề khác ít chi phí hơn để bù lỗ cho nghề này. Không ít nơi khác cũng đang loay hoay tìm kế "lấy ngắn nuôi dài" để nâng cao hiệu quả đào tạo. Bởi thế, việc tính đúng, tính đủ cho GD-ĐT cần phải được xem xét cụ thể, quan tâm tới các ngành nghề cần đầu tư thiết bị thực hành, thí nghiệm, không nên tính bình quân theo đầu người học ở mọi ngành nghề.
Theo tính toán, từ nay tới năm 2020, các khu công nghiệp và công nghệ cao Hà Nội cần khoảng 400-500 nghìn lao động. Chỉ riêng ngành du lịch Thủ đô từ nay tới năm 2015 cũng cần tới hơn 35 nghìn nhân lực mới. Khảo sát của Tổng cục Dạy nghề cho kết quả khoảng 300 nghìn doanh nghiệp trên cả nước vẫn còn thiếu tối thiểu từ 1,4-1,6 triệu lao động qua đào tạo nghề… 
Như vậy, nhu cầu về nhân lực là rất lớn. Vấn đề còn lại là sự "bắt tay" mật thiết của doanh nghiệp với các nhà trường, trong đó không thể không nhắc tới vai trò trọng tài của Nhà nước để từng bước tìm ra lời giải cho bài toán đào tạo nhân lực.
Hồng Hạnh (HNM)

Bình luận (0)