Một tiết dạy và học của cô trò Trường THPT chuyên Quang Trung
|
Khi hiểu được giá trị của sự việc, con người ta sẽ biết nắm giữ cũng như biến nó thành động lực để vượt qua khó khăn, thử thách mà đạt đến mục tiêu nhất định. Những học sinh (HS) Trường THPT chuyên Quang Trung tỉnh Bình Phước được học những giá trị ấy, để rồi các em phấn đấu, trưởng thành cả về học thức lẫn đạo đức con người.
Dạy chữ đi đôi với dạy người
Đưa ra câu hỏi: Bí quyết nào mà HS Trường Quang Trung có học lực giỏi đều như vậy; năm nào số lượng HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia hay thi đậu ĐH cũng đều cao cả về điểm lẫn số lượng tại các trường ĐH nổi tiếng trên cả nước, Phó hiệu trưởng nhà trường, thầy Hà Văn Quyền cười hiền: “Chẳng có bí quyết gì cả. Dưới sự giảng dạy, giúp đỡ tận tụy của thầy cô, các em luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm mà phấn đấu học tập. Đứng trước bất kỳ công việc nào, thầy trò luôn xác định nhiệm vụ một cách nghiêm túc, bắt tay vào làm đến nơi đến chốn”.
Kỳ thi HS giỏi Olympic truyền thống 30-4 lần thứ 18 vừa qua, do Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đăng cai tổ chức, Trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) về nhì với tổng cộng 49 huy chương (29 huy chương vàng, 15 huy chương bạc, 5 huy chương đồng), chỉ xếp sau Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Đặc biệt có 3 đội tuyển là vật lý khối 11, địa lý khối 11 và lịch sử khối 10 đạt 100% huy chương vàng.
Có được kết quả này, trước khi đến với cuộc thi, thầy trò xác định “mỗi lần tham gia kỳ thi nào là một cơ hội học hỏi kinh nghiệm, tập dợt làm nền để bước vào sân chơi sâu rộng hơn”. Vì thế, thầy trò không ngừng chuẩn bị một cách chu đáo. Từ những dạng bài đơn giản cho đến các dạng bài phức tạp đều được thầy trò tìm cách giải quyết dứt điểm. Thầy dạy đến đâu, trò vững kiến thức đến đó. Học tủ, học đối phó, hoặc chuẩn bị theo kiểu “mì ăn liền” là những khái niệm không tồn tại trong cách thức làm việc của cả thầy và trò nhà trường.
Nhắc đến HS trường chuyên, nhiều người thường nghĩ là dân chuyên “cày”, học hết kiến thức cơ bản, kiến thức nâng cao đến việc lao đầu vào tìm tòi, giải tất cả các dạng bài tập hóc búa. Điều này trái ngược với HS Trường Quang Trung. Vốn thuộc tỉnh vùng sâu, vùng xa, các em HS trong trường đến từ nhiều huyện như Lộc Ninh, Phước Long, Bình Long, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp, thậm chí những khu vực giáp ranh biên giới Campuchia. Mỗi em một sức học, hoàn cảnh gia đình, nhận thức không giống nhau. Những em có điều kiện gia đình tốt thì không nói gì, song có những em hoàn cảnh gia đình khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần thì ở đó sẽ có sự khập khiễng trong việc rèn luyện trí và đức. Hiểu được tính chất này, đội ngũ GV nhà trường xác định dạy chữ đi đôi với dạy người.Từ cách đi đứng, ăn mặc, chào hỏi, sắc thái lên lớp, cách bắt tay, giao tiếp… cho đến các bài học biết quan tâm, thương yêu những người xung quanh, nhất là với cha mẹ mình, các em đều được thầy cô tận tình phân tích, hướng dẫn, chỉ bảo.
“Khi biết nghĩ đến sức lao động của những người nuôi nấng mình ăn học đến nơi đến chốn, là các em đã hiểu và biết quý trọng cha mẹ, người thân. Động lực này sinh ra sự đam mê, quyết tâm, kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập tốt hơn”, thầy Quyền chia sẻ. Là người luôn trực tiếp đứng lớp giảng dạy, nắm bắt hoàn cảnh từng em, cô Lê Thị Ngọc Thu, chủ nhiệm lớp 12A, cho biết: “Nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn. Kinh phí chi tiêu đôi khi rất hạn hẹp. Bữa ăn tối có khi chỉ gói mì tôm lót bụng. Song điều đó không ảnh hưởng đến việc học, ngược lại các em đã đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, có ý thức vươn lên, học tốt hơn để không phụ công cha mẹ”.
Có lẽ vì thế, so với HS một số trường chuyên khác, chất lượng đầu vào của trường không cao bằng, nhiều em có sức học cũng bình thường nhưng thành tích đầu ra lại không thua kém.
Say mê với nghề, sáng tạo trong giảng dạy
Năm 1997, tỉnh Sông Bé cũ tách thành tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Nhưng mãi đến năm học 2003-2004, trường mới thành lập và đi vào hoạt động. Cái tên Trường THPT chuyên Quang Trung còn khá mới lạ trong số các trường chuyên trên cả nước. Toàn trường có tất cả 17 GV và 185 HS. Khó khăn trước mắt không chỉ thiếu người học, người dạy mà còn thiếu kinh nghiệm giảng dạy. Thầy Quyền cho hay: “Vì đội ngũ GV trẻ, lại chưa giảng dạy trường chuyên bao giờ nên thiếu phương hướng cũng như phương pháp giảng dạy trong hệ thống trường chuyên”.
Nhắc lại thời điểm trường mới thành lập, thầy Quyền vẫn không quên được hình ảnh những ngày tháng thầy trò đến “gõ cửa” các trường chuyên khác xin học hỏi kinh nghiệm, cách thức giảng dạy. Thầy Quyền tâm sự: “Nếu không học hỏi thì khó có thể phát triển tốt và bền vững. Không ai có thể đứng ra “cầm tay chỉ việc” cho mình, hơn ai hết chính đội ngũ GV phải là người trải nghiệm, chắt lọc kinh nghiệm”.
Xác định cơ hội chỉ có một, với sự giúp đỡ của các trường bạn, sự chỉ đạo của ngành GD-ĐT tỉnh cũng như sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong tỉnh, với tinh thần làm việc hăng say, không mệt mỏi, các thầy cô tranh thủ học hỏi từ những điều nhỏ cho đến lớn để rồi cùng ngồi lại bàn bạc, so sánh áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với trường mình. Vốn dĩ mới thành lập, trường xác định công tác dạy trường chuyên không chỉ riêng kiến thức sách giáo khoa mà cần dạy chuyên sâu, cụ thể hóa các vấn đề. Theo đó, đội ngũ GV luôn phát huy tính sáng tạo bằng việc vừa tự học, tự rèn luyện. Hàng năm, mỗi GV viết ít nhất 4 chuyên đề và 1 sáng kiến kinh nghiệm. Tiêu biểu với các sáng kiến kinh nghiệm môn hóa học của cô Trần Thị Oanh, môn toán của thầy Đỗ Mạnh Toàn, môn văn của cô Cao Thị Hoan… xác định tập trung vào phát huy tính tích cực và sáng tạo của HS.
Có một điều khá đặc biệt khi nhắc đến Trường Quang Trung, đó là tinh thần đoàn kết. Trong vai trò đồng nghiệp, đội ngũ GV luôn hợp tác giải quyết, chia sẻ các vấn đề để tìm ra hướng đi chung phù hợp, đúng đắn. Ngược lại, trong vai trò thầy – trò, sự hợp tác chặt chẽ đã mang lại hiệu quả cao. Có nhiều dạng bài hóc búa, thầy giáo đưa ra thảo luận, tìm hướng giải quyết cùng HS. Sự hợp tác này khuyến khích tinh thần học tập giữa thầy và trò, trò và trò, tăng cường nội lực sáng tạo của các em mà tìm ra nhiều phương hướng giải quyết vấn đề.
Có thể nói, cường độ làm việc của đội ngũ GV liên tục, hăng say, không ngừng phát huy tính sáng tạo đã đưa ra những phương hướng phát triển, giúp trường đi lên một cách vững vàng. Năm học 2011-2012, trường đã có 79 CB-GV-CNV với 658 HS; trong đó có 61 GV đứng lớp giỏi năng lực chuyên môn, mẫu mực về phẩm chất, tâm huyết với nghề và hết lòng vì HS. Song song đó, hàng năm trường còn luôn tạo điều kiện cho GV giao lưu, học hỏi tại các trường bạn khắp các vùng miền như miền Trung, miền Bắc để xây dựng vững mạnh hơn nữa về chất lượng đội ngũ GV, quyết tâm giữ vững và nâng cao những thành tích đã đạt được.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Năm học 2010-2011, toàn trường với 621 HS thì có 108 em đạt giải HS giỏi cấp tỉnh; 53 em đạt HS giỏi cấp quốc gia, 49 em đạt huy chương Olympic 30-4; 65 em đạt giải giải toán trên máy tính Casio cấp tỉnh, tỷ lệ đậu NV1 ĐH trên 99% (nhiều lớp đạt 100%, điểm trung bình là 21,72), giúp trường trở thành một trong những trường đứng nhất toàn quốc. |
Bình luận (0)