ĐBSCL tuy vẫn là vựa lúa lớn của cả nước, là "mỏ cá, mỏ tôm", nhưng đã qua rồi cái thời làm chơi ăn thiệt. Ngày nay, người nông dân (ND) trồng lúa 2 – 3 vụ/năm ở Đồng Tháp Mười hay nuôi tôm ven biển, nuôi cá tra ven sông luôn đứng trên lằn ranh giữa lời và lỗ, giữa sung túc và khánh kiệt.
Để không bị "đói trên vựa lúa", người ND phải làm chủ kỹ thuật canh tác, nuôi trồng. Họ đang tập dần để trở thành ND chuyên nghiệp.
Theo bà Dương Thị Ruộng – Phó Chủ tịch Hội NDVN tỉnh Long An kiêm GĐ Trung tâm Hỗ trợ ND tỉnh Long An – phong trào dạy nghề cho ND ở Long An phát triển mạnh từ năm 2005 đến nay. Các lớp dạy nghề cho ND được tổ chức tại địa bàn xã, ấp, nơi bà con trực tiếp canh tác, chăn nuôi đang cần đào tạo kỹ thuật. Giáo viên hướng dẫn là kỹ sư, cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Thủy sản, cán bộ giảng dạy từ các trường chuyên ngành…
Nông dân được đào tạo kỹ thuật bảo vệ lúa. |
Ban đầu, hai lĩnh vực được nhiều ND đăng ký theo học nhất là kỹ thuật canh tác lúa và nuôi thủy sản. Các lớp dạy nghề được tổ chức với thời gian khoảng 1 tháng, người ND được tìm hiểu nhiều kiến thức cơ bản từ lý thuyết đến thực hành. Đi học trồng lúa, người ND được hướng dẫn tỉ mỉ các nội dung: Cách thức làm đất, cách chọn giống, kỹ thuật gieo sạ, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, công nghệ thu hoạch… Đi học nuôi tôm cá, ND được đào tạo cách thức cải tạo ao, cách gây màu nước và xử lý nước, cách chọn và thả giống tôm cá, kỹ thuật chăm sóc… Các lớp học luôn được giáo viên cho thực hành tại thực địa, nơi mà người dân đang nuôi chính đối tượng thủy sản đang giảng dạy.
Từ năm 2008 trở lại đây, nhu cầu đào tạo của ND ở Long An dịch chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi gia súc,, gia cầm, nhất là từ khi dịch bệnh trên gia súc gia cầm luôn trở thành mối họa, người ND càng có nhu cầu được đào tạo bài bản hơn. Nhờ làm chủ kỹ thuật chăn nuôi, mà ND Long An vẫn duy trì được nhiều đàn heo, đàn gà, vịt với số lượng lớn, dù dịch bệnh đã vài lần gây thiệt hại lớn ở đây.
Một nhu cầu đào tạo mới cho ND mới xuất hiện từ năm 2009 là kỹ thuật trồng hoa lan, cây cảnh. Hàng chục lớp đào tạo đã được ND TP.Tân An và các huyện Bến Lức, Cần Đước, Châu Thành đăng ký theo học. Bắt đầu từ năm 2010, hội ND ở cơ sở đã bắt đầu chương trình đào tạo thực hành vi tính cho ND. Chỉ cần khoá học 1 tuần lễ, nhiều ND đã có thể vào Internet để học hỏi kỹ thuật sản xuất, tham khảo giá cả thị trường, xu thế tiêu thụ hàng hoá…
Kỳ Quan / Lao Động
Bình luận (0)