Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Đào tạo phải gắn chặt với thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Học nghề cơ khí ở Trường trung cấp nghề Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: N.C.T.Khu kinh tế Dung Quất đang phát triển mạnh, mở rộng xu hướng mới ở VN: hình thành tổ hợp công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu. Khu kinh tế Dung Quất hiện thu hút trên 160 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 10,5 tỉ USD.

Do tính chất phát triển công nghiệp là trọng tâm trong thời gian tới nên yêu cầu lao động phải qua đào tạo với tỉ lệ tối thiểu 60-70%. Trước yêu cầu cấp thiết này, mới đây ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đã phối hợp với Trường đại học Mở TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về nguồn nhân lực cho sự phát triển Khu kinh tế Dung Quất trong thời kỳ hội nhập. Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu dự hội thảo đã tập trung bàn về phương thức đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực theo phương thức liên kết “ba nhà”: nhà trường – nhà thầu và doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nêu rõ quan điểm: “Tập hợp nguồn nhân lực là vấn đề sống còn; nhân lực là tài sản quan trọng bậc nhất, là sức mạnh giúp doanh nghiệp đứng vững trên thương trường”. Trong khi đó, nói về đào tạo nhân lực trong “chuỗi liên kết” khó thể tách rời, tiến sĩ Fu Shen Li, hiệu trưởng Trường đại học I-shou (Đài Loan), khẳng định: “Cần thúc đẩy hợp tác giảng dạy giữa các công ty với các trường đào tạo; thiết lập thị trường tiếp nhận lao động. Các doanh nghiệp phải làm tốt việc giáo dục, đào tạo và đời sống nhân viên. Có như vậy mối liên kết đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao mới thật sự bền vững…”.

Dự báo đến năm 2010 Khu kinh tế Dung Quất cần khoảng 32.000 lao động, đến năm 2020  cần 100.000 chuyên gia, kỹ sư và công nhân các lĩnh vực: lọc hóa dầu, luyện cán thép, đóng tàu, chế tạo thiết bị công nghiệp nặng, xây dựng…

“Nguồn nhân lực gồm cả tập hợp và đào tạo nguồn nhân lực cần tập hợp các chuyên gia cao cấp, trình độ, giàu kinh nghiệm, bản lĩnh, có “tâm và tầm” – chính lực lượng này sẽ là chuỗi “mắt xích” kết nối đào tạo, định hướng thực tiễn cho các kỹ sư và công nhân lành nghề” – tiến sĩ Trương Đình Hiển (nghiên cứu viên cao cấp Phân viện Vật lý TP.HCM) nhấn mạnh.

Ông cho rằng vài năm sau, khi lực lượng kỹ sư, công nhân này dày dạn kinh nghiệm sẽ dần thay thế đội ngũ chuyên gia. Miền Trung tiến lên hay không phải có một chính sách để tập hợp, mở rộng liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều kiện khẩn cấp mà các khu kinh tế ở miền Trung cần phải làm ngay”.

Các trường ĐH, CĐ miền Trung: chỉ đáp ứng 45% nhân lực cho Dung Quất

Trong những năm qua, có một thực tế là hệ thống các trường đại học, cao đẳng ở khu vực miền Trung – Tây nguyên chỉ có thể đáp ứng khoảng 45% lực lượng kỹ sư, công nhân tay nghề cao cho Khu kinh tế Dung Quất. Trong khi đó các trung tâm đào tạo nghề tại khu vực miền Trung hầu như chỉ thiên về đào tạo lý thuyết, ít chú trọng thực hành. Do vậy, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc tại công trường “đau đầu” vì phải bỏ ra chi phí, tốn nhiều thời gian đào tạo lại tay nghề cho người lao động.

Theo ông Trần Lê Trung, trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất: “Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới chúng ta phải cần sự liên kết của cả hệ thống trường, trung tâm đào tạo nghề của miền Trung, thậm chí cả nước với nhiều hình thức. Có thể đào tạo nguồn nhân lực tại các thành phố lớn hoặc các trung tâm đào tạo lớn trong và ngoài nước; có thể liên kết với các trường đào tạo nghề tại Quảng Ngãi vừa tiết kiệm chi phí cho người lao động, vừa có thể đưa người lao động đến thực tập trực tiếp ngay trên công trường hoặc tại các phân xưởng nhà máy đang triển khai xây dựng, hoạt động ở đây”.

MINH THU (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)