Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo TCCN: Bao giờ có chuẩn đầu ra?

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh ngành tin học hệ TCCN Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức trong giờ thực hành

Đào tạo TCCN khó xây dựng chuẩn đầu ra, đó là ý kiến của đa số hiệu trưởng các trường TCCN tại TP.HCM trong buổi tọa đàm “Xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo TCCN” do Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp tổ chức mới đây.
Chất lượng đầu ra chưa được chú trọng
Ông Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho biết: Hiện nay phần lớn các trường TCCN trên cả nước đều chưa xây dựng chuẩn đầu ra, phần lớn các trường mới chú trọng đầu vào, vấn đề này không chỉ có hệ TCCN mắc phải mà còn gặp ở nhiều hệ đào tạo khác. Một thực tế là giáo viên chỉ dạy những gì mình có, nhà trường cung cấp các dịch vụ đến đâu giáo viên dạy tới đó. Giáo dục chuyên nghiệp cũng cần đào tạo tín chỉ, nhằm tạo ra những “đồng tiền chung” để gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học; tạo điều kiện liên thông và học suốt đời. Song song đó các trường công nhận văn bằng lẫn nhau. Xây dựng chuẩn đầu ra là đòi hỏi để công nhận đào tạo theo tín chỉ ở bậc THCN.
Thầy Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Công nghệ thông tin Sài Gòn cho biết: “Khó khăn khác từ trước đến nay là chúng ta chưa có cơ quan dự báo nguồn nhân lực nên các trường phải tự mày mò theo nhu cầu xã hội để đào tạo. Vì thế chỉ trong một thời gian nhiều trường ồ ạt đào tạo, dẫn tới bão hòa, học sinh ra trường không có việc làm”. Thầy Khoa lấy ví dụ: theo nghiên cứu riêng của nhà trường, doanh nghiệp tuyển dụng học sinh TCCN sau khi ra trường có tới 19% không có khả năng làm việc, 59% các em không có kỹ năng; 37% sinh viên tốt nghiệp ra trường có kiến thức nửa vời. Điều này khiến doanh nghiệp “quay lưng” với các học sinh tốt nghiệp TCCN.
Nhiều trườngTCCN nêu lên chương trình khung hiện nay còn nặng nề về các môn lý thuyết cụ thể như các môn chính trị, quốc phòng, giáo dục thể chất…
Trường và doanh nghiệp “chưa bén duyên nhau”
Bà Tô Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận: “Hiện nay các trường đào tạo chưa thật sự gắn với nhu cầu doanh nghiệp, nói cách khác là đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động “chưa bén duyên nhau”. Vì vậy TP.HCM phải đi trước, cụ thể là phải tiến hành xây dựng chuẩn đầu ra các ngành ở các trường TCCN trong thời gian tới theo yêu cầu thực tế”. Bà Tô Thị Thanh Nga nhấn mạnh: “Nếu các trường có khó khăn trong mọi vấn đề, trong quyền hạn, khả năng của mình Sở GD-ĐT sẽ giúp đỡ hết mình, đặc biệt là trong vấn đề xây dựng chuẩn đầu ra hệ TCCN”.
Nhiều trường TCCN cho biết về bức tranh tuyển sinh năm 2009 sáng sủa hơn. Nhiều ngành nghề được học sinh theo học rất đông, thậm chí còn đông hơn cả hệ đại học như ngành: kế toán doanh nghiệp, nghiệp vụ ngân hàng, điều dưỡng… Các trường cho biết những ngành nghề này học sinh ra trường dễ kiếm việc làm lại có cơ hội học liên thông với nhiều trường CĐ, ĐH. Nếu thời gian tới hệ thống TCCN xây dựng được chuẩn đầu ra sẽ có kế hoạch đào tạo nhằm hút học sinh hơn.
Tuy nhiên, theo cô Bùi Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường TC Vạn Tường, cho biết: “Việc đào tạo hệ TCCN hiện gặp khó khăn bởi phải cạnh tranh với các trường CĐ, ĐH có đào tạo TCCN. Vì các trường có cơ sở vật chất tốt, nhiều ngành nghề không phải thi. Mặt khác hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có một quy định chính thức nào về việc xây chuẩn đầu ra TCCN nên dù rất muốn nhưng chúng tôi thiếu thông tin để xây dựng chuẩn đầu ra”.
Văn Mạnh

Bình luận (0)