Xã hội đang báo động việc đào tạo thạc sĩ dễ dãi, nhiều người cũng cho rằng khó có thể chấm dứt tình trạng này, khi xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp và việc bổ nhiệm, thăng tiến trong công việc còn phụ thuộc quá nhiều vào bằng cấp.
Vì sao nhiều người muốn lấy bằng thạc sĩ?
Đào tạo thạc sĩ ngày càng dễ dãi?: Trường lớn cũng phải thoáng!
Khi xã hội vẫn đánh giá năng lực theo bằng cấp thì vẫn còn nhiều người có nhu cầu tìm đến các chương trình học thạc sĩ. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu muốn, vẫn có các giải pháp để siết chặt chất lượng các chương trình thạc sĩ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Trưởng phòng Sau ĐH của một trường công lập tại TP.HCM cho rằng ông cũng không biết cần có giải pháp kiểm soát đào tạo thạc sĩ ra sao, vì xã hội hiện nay vẫn đánh giá năng lực theo bằng cấp thì vẫn còn nhiều người có nhu cầu tìm đến các chương trình học dễ dãi để có tấm bằng.
Người này cho rằng chính vì nhu cầu lớn như vậy nên việc hạn chế đào tạo thạc sĩ cũng rất khó. Chưa kể nhiều nơi thường hay lợi dụng các chính sách để làm phong phú cho “nồi cơm” của mình. Chẳng hạn, Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH không được đào tạo thạc sĩ ngoài cơ sở, trừ các tỉnh Tây nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ. Đây là chính sách đúng vì nếu không được đào tạo thì các nơi này không nâng cao được trình độ. Tuy nhiên, nhiều địa phương khu vực Tây Nam bộ "lách" quy định bằng cách liên kết với các trường ĐH từ phía bắc dù rất xa xôi để mở rất nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ. Trong khi trên thực tế, các trường ĐH ở TP.HCM gần gũi về địa lý hoàn toàn có khả năng đào tạo với chất lượng cao lại giảm về chi phí. “Chỉ có thể giải thích là sự liên kết đào tạo này nhằm tạo sự dễ dãi cho người học”, vị trưởng phòng này nhấn mạnh.
“Mấu chốt nằm ở việc kiểm soát chất lượng. Hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra lại chưa như kỳ vọng. Thanh tra Bộ GD-ĐT không thể quá “dài tay” đến tận từng tỉnh, thành. Trong khi đó, nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ dễ dãi đang tràn về các tỉnh. Giải pháp kiểm soát chất lượng như thế nào phần nhiều nằm ở cơ quan quản lý là Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, hiện nay ở các tỉnh thành, việc bổ nhiệm cán bộ đều dựa trên bằng cấp. Nếu là bằng thạc sĩ thì sẽ được cất nhắc hơn nên nhiều người đua nhau học. Nếu bổ nhiệm dựa hoàn toàn vào năng lực thì những người đi học vì “tự thân”, mưu cầu kiến thức sẽ cao hơn, dần dần loại bỏ những người đi học vì bằng cấp”, vị trưởng phòng cho biết.
Giảng viên tại một trường ĐH công lập ở TP.HCM cũng cho rằng để kiểm soát chất lượng, cần phải siết chặt cả hội đồng chấm luận văn thạc sĩ. “Trước đây, một hội đồng để lọt luận văn thạc sĩ sao chép đến 80% nội dung luận văn tiến sĩ gây ầm ĩ trong dư luận cũng là như vậy. Nhiều hội đồng chấm luận văn mà chính tiến sĩ ngồi trong hội đồng còn có bằng cấp giả, không được công nhận thì làm sao đào tạo thạc sĩ có chất lượng được”, người này cho biết.
Cần đào tạo toàn thời gian
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng muốn có giải pháp thì phải tìm ra căn nguyên mà các trường ĐH lớn hiện nay không tuyển sinh được học viên các chương trình cao học. Theo ông Dũng, các trường ĐH không tuyển sinh được học viên lại càng chạy theo thị trường, giảm chất lượng. Các trường phải “chiều” học viên, mở các lớp thạc sĩ buổi tối, dạy vào thời gian người học rảnh. Cứ hình dung những học viên này làm 8 – 10 tiếng/ngày, tối về kiệt sức, lại phải đến lớp học 5 – 6 buổi/tuần. Như vậy rất khó đảm bảo chất lượng.
Tiến sĩ Dũng cũng cho biết học cao học nước ngoài có 2 dạng: học toàn thời gian và vừa học vừa làm. Dạng học toàn thời gian là học hoàn toàn, không làm gì khác trong 2 năm nên chất lượng rất tốt, học 5 – 6 môn/học kỳ. Còn thạc sĩ vừa học vừa làm chỉ được học 2 môn/học kỳ. Ở VN, học viên chủ yếu học theo hệ vừa học vừa làm, vẫn học 5 – 6 môn/học kỳ. Trong khi học thạc sĩ đâu chỉ có lên lớp nghe giảng mà còn phải tự học, làm thí nghiệm, vào thư viện…“Đó là lý do mà chất lượng các chương trình cao học hiện nay tại VN khá thấp”, ông Dũng nhấn mạnh.
“Những lý do đó dẫn đến việc đào tạo thạc sĩ hiện nay đang ở mức báo động. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tiên các trường phải đưa ra chương trình đào tạo mới, thay thế chương trình cũ kỹ, tồn tại bao nhiêu năm nay. Thứ hai là chấp nhận chọn lựa đào tạo thạc sĩ một cách triệt để như nước ngoài. Vì các trường sợ không có học viên nên dồn học thạc sĩ buổi tối nhưng như vậy không đúng. Xu hướng thế giới hiện nay cũng giúp người học có quá nhiều lựa chọn. Nếu chúng ta không thay đổi, vòng đời sản phẩm của các chương trình đào tạo thạc sĩ sớm muộn cũng sẽ chết”, tiến sĩ Dũng nhận định.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng đề nghị người học phải tập trung toàn thời gian cho học tập. Theo ông Tống, hầu hết chương trình thạc sĩ hiện nay của VN là tại chức, vừa làm vừa học nên khiến người học không thể tập trung toàn lực cho việc học tập, nghiên cứu.
Theo Đăng Nguyên/TNO
Bình luận (0)