Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đào tạo thạc sĩ ngày càng dễ dãi?: Trường lớn cũng phải thoáng!

Tạp Chí Giáo Dục

Một thực tế trong đào tạo thạc sĩ hiện nay là trường càng lớn càng khó thu hút người học vì thí sinh có nhiều lựa chọn khác dễ dàng hơn. Trong bối cảnh này, để thu hút người học thì chính các trường đại học lớn cũng đang có xu hướng 'thoáng' hơn trong tuyển sinh đầu vào.
Bằng thạc sĩ là một trong những điều kiện để được thăng tiến nên ngày càng nhiều người có nhu cầu học cao học  /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Bằng thạc sĩ là một trong những điều kiện để được thăng tiến nên ngày càng nhiều người có nhu cầu học cao học. ĐÀO NGỌC THẠCH
Những năm gần đây, số lượng người học thạc sĩ tại các trường đại học (ĐH) lớn ngày càng giảm mạnh. Điều này thấy rõ trong số liệu tổng kết tuyển sinh sau ĐH của các đơn vị này: số lượng người đăng ký dự tuyển sụt giảm mạnh, thậm chí số người trúng tuyển không đủ so với chỉ tiêu.
Ít thí sinh thi trường lớn
Thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy số lượng người đăng ký dự tuyển sau ĐH giảm mạnh từ năm 2012. Cụ thể, từ hơn 10.000 người đăng ký năm 2012 số lượng sụt giảm chỉ còn 2.912 người vào năm 2017. Trong giai đoạn 2012 – 2017, số thí sinh trúng tuyển trung bình chỉ đạt khoảng 85% so với chỉ tiêu cần tuyển. Không chỉ người dự tuyển, tỷ lệ học viên cao học tuyển được qua các năm tại ĐH Quốc gia TP.HCM ngày càng giảm xuống. Năm 2014 tuyển được trên 93%, năm 2015 còn 73% và năm 2016 trên 72%. Tỷ lệ thí sinh cao học trúng tuyển ở các đơn vị thành viên trong từng năm càng gây sốc. Chẳng hạn năm 2016 tỷ lệ này tại Trường ĐH Bách khoa chỉ đạt gần 67%, Trường ĐH Công nghệ thông tin là 57%, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn trên 62%…
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự, năm 2017 trường này chỉ tuyển bằng 1/4 số học viên cao học so với năm 2011…
Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM nhìn nhận: “Thực tế hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước đang buông lỏng chất lượng sau ĐH, mở ngành thoải mái, tuyển sinh ngoài cơ sở khắp nơi… Trong môi trường bậc sau ĐH suy giảm sự nghiêm túc và chất lượng thì trường càng nghiêm túc càng không tuyển được người học”.
Người học có khuynh hướng chung là chọn trường dễ vào, đầu ra dễ để học. Những trường quan tâm nhiều tới chất lượng, quy định chặt chẽ đầu vào đầu ra thì họ “ngán” và né
Phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM
Phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân: “Người học có khuynh hướng chung là chọn trường dễ vào, đầu ra dễ để học. Những trường quan tâm nhiều tới chất lượng, quy định chặt chẽ đầu vào đầu ra thì họ “ngán” và né. Trong khi thực tế lựa chọn trường dễ có khắp nơi. Đó là lý do mà những trường lớn đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh các chương trình này”.
Mở rộng điều kiện đầu vào
Theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD-ĐT, người học muốn học lên thạc sĩ phải có bằng tốt nghiệp ĐH. Nhưng vài năm gần đây, một số trường có xu hướng mở rộng hình thức tuyển sinh đầu vào để thu hút người học. Trong đó, có trường “giãn” đầu vào bằng cách mở rộng xét tuyển thay vì thi tuyển.
Từ năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu mở rộng hình thức xét tuyển đầu vào (không thi tuyển) với học viên cao học. Thay vì chỉ xét tuyển với sinh viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi, hình thức này được mở rộng thêm cho các đối tượng: người nước ngoài, chương trình chất lượng cao PFIEV, chương trình đã được kiểm định ABET, chương trình kỹ sư và cử nhân tài năng. Trong năm nay, ĐH này đã ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ ĐH lên thạc sĩ. Quy định này cho phép sinh viên năm 3 và 4 có điểm trung bình tích lũy đạt loại khá trở lên và đang theo học ngành phù hợp với ngành đào tạo liên thông được học liên thông để có 2 bằng ĐH và thạc sĩ trong khoảng từ 4,5 – 5,5 năm.
Tương tự với hình thức đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng dự kiến hướng tới xây dựng chương trình đào tạo liên tục theo hình thức 3,5 năm + 1,5 năm. Sau khi hoàn thành các môn học ĐH, sinh viên được tự động kéo dài thời gian học tiếp nối, chuyển tiếp vào chương trình cao học.
Nếu được triển khai trong thực tế, việc tuyển sinh đầu vào thạc sĩ sẽ cho phép người chưa tốt nghiệp ĐH được học lên chương trình cao học.
Trước đó, trong hội nghị tổng kết và bàn về phương hướng tuyển sinh sau ĐH của ĐH Quốc gia TP.HCM, một số đơn vị thành viên và trực thuộc còn đề xuất thêm các phương thức tuyển sinh mới. Chẳng hạn, Viện Môi trường – Tài nguyên (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) đề xuất thay đổi phương thức tuyển sinh thạc sĩ theo hướng thay vì thi toán cao cấp 1 môn cơ bản thì chuyển sang phỏng vấn đánh giá năng lực tổng hợp, thi tự luận môn cơ sở thì chuyển sang vấn đáp. Theo viện này, lợi ích với người học là giảm áp lực ôn tập môn toán.
Lãnh đạo một trường ĐH công lập tại TP.HCM cũng cho rằng những chuyển biến trong tuyển sinh thạc sĩ của nhiều trường gần đây cho thấy có xu hướng giảm nhẹ chất lượng hơn trước đó. Sự linh động đầu vào này được xem là một trong các cách để thu hút người học, đảm bảo quy mô đào tạo cần thiết của cơ sở đào tạo.
“Việc mở rộng hình thức tuyển sinh thạc sĩ như trên có thể nói là theo xu thế quốc tế nhưng thực sự điều này thể hiện xu hướng giảm nhẹ đầu vào so với trước đây. Nếu giảm đầu vào mà quá trình đào tạo, đầu ra không siết chặt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nói chung”, vị lãnh đạo này nói. (còn tiếp)

Theo Hân Trân/TNO

Bình luận (0)