Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo theo “chuẩn đầu ra”: Hướng tới cung cấp nguồn nhân lực chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

TS Hoàng Ngọc Vinh – Ảnh: Tthanh Hà

Đào tạo theo nhu cầu xã hội là đích hướng tới của hệ thống giáo dục – đào tạo. Tuy nhiên trên thực tế, đến thời điểm này mới chỉ có Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố được “chuẩn đầu ra”.
Một chuẩn đầu ra và đường hướng tiếp cận, xây dựng chuẩn đó như thế nào là nội dung trao đổi của chúng tôi với TS Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, thường trực Ban chỉ đạo đào tạo theo nhu cầu xã hội của Bộ GD-ĐT.
* Thưa ông, bây giờ Bộ GD-ĐT mới đặt ra vấn đề xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của SV tốt nghiệp. Phải chăng từ trước đến giờ chúng ta đào tạo mà chưa có chuẩn?
– Nói các cơ sở đào tạo chưa có hay đã có chuẩn đầu ra cũng đều đúng. Chỉ có điều nếu coi những tiêu chí mà các trường đã xác định cho “sản phẩm” của mình là chuẩn đầu ra thì cần phải làm rõ chuẩn đó được xây dựng trên cơ sở nào, ai tham gia xây dựng, công bố thế nào, làm sao có thể xác định, đánh giá được… Những chuẩn đó được nhà trường tự xây dựng dựa theo các căn cứ “không chuẩn” thì cũng không thể gọi là chuẩn được.
Từ trước đến nay chúng ta thường xác định mục tiêu chương trình đào tạo. Nhưng việc xác định mục tiêu đào tạo ở nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN hiện nay chưa gắn với đòi hỏi từ thực tế việc làm, để từ đó cụ thể hóa thành những yêu cầu với người học nên các mục tiêu có thể thấp quá hoặc cao quá, hoặc thiếu thực tế, thiếu khả thi, chung chung, không cụ thể, khó đánh giá… Hệ quả là chất lượng và hiệu quả đào tạo thấp không gắn với nhu cầu thị trường lao động. Như vậy, chuẩn đầu ra có thể xem là thông số quan trọng ảnh hưởng lớn đến việc thiết kế chương trình và tổ chức đào tạo.
* Vậy chuẩn đầu ra đối với SV tốt nghiệp sẽ phải bao gồm những yêu cầu, tiêu chuẩn gì, thưa ông?
– Chuẩn đầu ra chính là tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ và hành vi (có thể đo được) mà người học cần có được khi tốt nghiệp. Nói một cách đơn giản là yêu cầu đòi hỏi SV tốt nghiệp biết được gì và làm được gì, ở mức độ nào một cách thật cụ thể, định lượng được.
* Việc mỗi cơ sở đào tạo xây dựng và công bố chuẩn đầu ra sẽ mang lại lợi ích của người sử dụng lao động, đồng thời có thể gia tăng “sức ép” lên người học, thưa ông?

Mới chỉ có Trường ĐH SPKT TP.HCM xây dựng chuẩn đầu ra. Trong ảnh: SV ngành cơ – điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành – Ảnh: NHƯ HÙNG
– Khi có chuẩn đầu ra, giảng viên có thể chủ động lựa chọn nội dung bài giảng, tài liệu tham khảo, áp dụng chiến lược dạy học và kỹ thuật đánh giá kết quả theo chuẩn được xác lập từ trước. Có chuẩn thì việc tổ chức quản lý dạy – học hiệu quả hơn, có mục tiêu hơn. Như vậy, cạnh tranh tuyển sinh đầu vào phải được tăng cường, đặc biệt là khẳng định tính chịu trách nhiệm của nhà trường trước xã hội. Với các doanh nghiệp, họ sẽ biết thông tin về năng lực đầu ra của SV tốt nghiệp để tuyển dụng, có thể sẽ hợp tác và hỗ trợ nhà trường.
Nhưng những đối tượng hưởng lợi trong việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra không chỉ bao gồm giảng viên, nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng nói chung mà còn cả bản thân người học. Chuẩn đầu ra được công bố công khai, rộng rãi sẽ giúp SV chọn ngành học theo năng lực và nhu cầu bản thân, biết được tri thức và kỹ năng cũng như hành vi, thái độ nghề nghiệp, vị trí việc làm phù hợp sau khi ra trường để tu dưỡng, phấn đấu học tập.
* Các cơ sở đào tạo sẽ phải dựa trên chuẩn tối thiểu nào, do ai chịu trách nhiệm đưa ra?
– Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH hoặc hội đồng các trưởng khoa, kết hợp với đại diện doanh nghiệp, các ngành kinh tế, các chuyên gia… sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, hình thành chuẩn tối thiểu chung cho từng ngành đào tạo.
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, hội đồng các hiệu trưởng, trưởng khoa của một số ngành sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 2-2009.
* Đặt ra yêu cầu các cơ sở đào tạo phải xây dựng được chuẩn đầu ra đối với SV tốt nghiệp, theo ông, hiện nay việc này sẽ gặp phải những khó khăn gì?
– Khó khăn thứ nhất là thói quen đào tạo nặng về bên cung, các cơ sở đào tạo có gì đào tạo nấy, đào tạo cái mình có, không quan tâm đến cái xã hội cần. Đó là khó khăn về nhận thức và theo tôi là khó khăn lớn nhất.
Khó khăn thứ hai là làm thế nào để có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, với các tổ chức nghề nghiệp để có phản ánh từ thế giới việc làm, hình thành chuẩn đầu ra phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng. Gần đây các cơ sở đào tạo bắt đầu quan tâm đến vấn đề này nhưng chưa làm mạnh, chưa hình thành cơ chế thường xuyên, liên tục. Các cơ sở đào tạo cần có sự tư vấn nhiều hơn của giới công nghiệp vào trực tiếp các khoa ngành đào tạo, tạo ra quan hệ hợp tác của nhà trường, khoa với chuyên gia bên sử dụng lao động hoặc thông qua các hội nghề nghiệp để cùng xây dựng các chuẩn đầu ra.
Khó khăn thứ ba là kinh nghiệm thực tế khi xây dựng chuẩn đầu ra vì việc này đối với các trường của ta đều còn rất mới mẻ.
Ngoài ra còn có khó khăn do nhận thức và sự đồng thuận của giảng viên, cán bộ quản lý và của doanh nghiệp. Không phải lúc nào việc xây dựng chuẩn đầu ra và các mục tiêu đào tạo cũng “xuôi chèo mát mái” do mỗi nhóm lợi ích khác nhau có niềm tin, kỳ vọng, văn hóa và triết lý khác nhau trong cách tiếp cận.
* Xin cảm ơn ông.
 THANH HÀ thực hiện
Theo TTO
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)