Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo tiến sĩ: Lượng nhiều thì chất sẽ ít

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo, ĐH Cần Thơ hiện đào tạo 13 chuyên ngành TS thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và kinh tế; trường được Bộ GD-ĐT chọn tham gia Đề án 911 của Chính phủ với mục tiêu đào tạo 20.000 TS. Từ năm 2013 đến 2015, ĐH Cần Thơ đã đào tạo 38 TS. Hiện có 482 nghiên cứu sinh (NCS) đang học tại trường. Thời gian qua, ngoài quy trình đào tạo nghiêm ngặt, ĐH Cần Thơ đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo TS như một số học phần dạy bằng tiếng Anh, giảng viên sử dụng E-learning để tương tác, hướng dẫn NCS; tạo điều kiện để NCS tham gia giảng dạy… Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Lê Thông, Khoa Kinh tế, bức xúc: “Chất lượng đào tạo TS khó đi đôi với số lượng. Tôi cảm nhận một số NCS có năng lực yếu, trình độ về tư duy không thỏa mãn yêu cầu làm NCS. Đặc biệt, với những NCS có động cơ học tập không phù hợp với học hàm, khi mình đưa ra những yêu cầu về chất lượng trong quy trình đào tạo, họ khó đạt nên phải kéo dài thời gian học tập, trở thành gánh nặng cho nhà trường”.

Thêm vào đó, nhiều NCS có tâm lý chờ đến gần hết thời gian 24 tháng mới tiến hành chuẩn bị bảo vệ đề cương, dẫn đến trễ hạn; nhiều NCS gặp khó trong thực hiện luận án bởi họ phải chạy đua với quy định B2 Anh văn, trong khi chỉ có 1 năm học ngoại ngữ. Đặc biệt, đa số NCS đang làm cán bộ hoặc lãnh đạo tại các cơ quan nên không đảm bảo tiến độ học tập. TS. Trần Thanh Bé, từng tham gia nhiều hội đồng chấm luận án tốt nghiệp TS, bức xúc: “Nhiều NCS là quan chức đi học, họ mắc công việc cơ quan nên lơ là chuyện học tập, ít gặp thầy hướng dẫn, chậm tiến độ học tập. Thầy hướng dẫn khó lòng kêu họ đến gặp, việc sửa lại công trình nghiên cứu của họ cũng khó khăn”. Để nâng cao chất lượng đào tạo TS, giải pháp dung hòa giữa phương pháp đào tạo của Mỹ, châu Âu và tiêu chí của Bộ GD-ĐT được nhiều đại biểu đồng tình. Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng nên giảm số lượng NCS từ các cơ quan và tăng cường NCS đến từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu. Đồng thời cần bổ sung quy chế thi tuyển đầu vào chất lượng hơn, trong đó có thi vấn đáp môn chuyên ngành.  GS.TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ, cho rằng: Trong quá trình đào tạo, khi liên hệ 2, 3 lần mà NCS không đến gặp để kiểm tra số liệu, báo cáo tiến độ nghiên cứu, thầy hướng dẫn có quyền chấm dứt việc đào tạo. Về đề cương luận án, trong năm đầu phải xong đề cương luận án. Những chuyên đề chuyên môn nếu chỉ làm trong 2 năm thì không có chiều sâu, cần có quy chế quy định về điều này. “Theo tôi, trường cần chú ý chất lượng, thà ít TS nhưng chất lượng đảm bảo, đó cũng là danh dự và hướng phát triển của trường trước mắt và lâu dài để đi tới hội nhập quốc tế”, GS. Lê Quang Trí nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Lê Thông – Khoa Kinh tế, ĐH Cần Thơ – bổ sung: “Do quá trình đào tạo không đuổi học ai nên chất lượng đào tạo TS khó bảo đảm. Nếu có quy định đuổi học khi không đạt yêu cầu thì chắc chắn chất lượng và hiệu quả đào tạo sẽ khác. Trường cần thành lập hội đồng chuyên môn, hội đồng phải được đảm bảo tính công bằng, tự chủ trong hoạt động”.

Đ.Phượng

Bình luận (0)