Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Viện khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tổ chức “Hội thảo đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ”. Tới dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, TS Zoubir Yazid – Tổng giám đốc điều hành ETS quốc tế, ông Đoàn Hồng Nam – Chủ tịch IIG VN, cùng hiệu trưởng các trường ĐH, các cơ quan sử dụng lao động trong cả nước và một số hiệu trưởng các trường ĐH của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan và VN…
Ở Việt Nam hiện có nhiều ngoại ngữ được dạy và học ở các bậc khác nhau, trong đó tiếng Anh được giảng dạy như một ngoại ngữ phổ biến, quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và các trường ĐH không chuyên ngữ nói riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ ở nước ta lại đang tỏ ra khá bất cập. Báo cáo về thực trạng của việc học và giảng dạy tiếng Anh ở các trường không chuyên ngữ cho thấy, khoảng 49,3% SV đáp ứng được yêu cầu sử dụng tiếng Anh, 18,9% SV không đáp ứng được và 31,8% SV cần đào tạo thêm. 87,2% số trường được khảo sát có xác định tiêu chí khi xây dựng chương trình chi tiết môn tiếng Anh. Tuy nhiên, các tiêu chí này còn chung chung, không cụ thể về chuẩn trình độ sử dụng tiếng Anh cho từng năm học, hoặc sau khi kết thúc môn học tiếng Anh như: Nắm được các kiến thức cơ bản; có thể giao tiếp được trong sinh hoạt hàng ngày; hay đọc và dịch một số tài liệu cơ bản chuyên ngành đơn giản…
Hiện tại chỉ có 14,4% trường ĐH sử dụng chuẩn trình độ tiếng Anh theo TOEIC làm điều kiện tốt nghiệp cho SV, theo đó SV tốt nghiệp nói chung cần đạt 350 đến 550 điểm TOEIC – tuỳ theo uy tín của từng trường và từng ngành đào tạo (ngoại trừ trường ĐH Ngoại thương hiện đang yêu cầu chuẩn tiếng Anh 670 điểm TOIEC). Bên cạnh đó, việc rà soát, chỉnh sửa chương trình chi tiết, giáo trình, tài liệu và việc giảng dạy môn tiếng Anh cho thấy các trường vẫn ít quan tâm. Chỉ có 15,6% số trường thực hiện, 72,8% số trường bố trí lịch trình giảng dạy, khoảng 45,8% các trường ĐH được điều tra có cho kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào của SV, còn lại 54,2% số trường ĐH không thực hiện kiểm tra trình độ đầu vào của SV, mà chỉ phân lớp theo ngành và theo khoá học…
Về đội ngũ giảng viên, theo khảo sát của Bộ GD-ĐT hiện chỉ có 76% giảng viên giảng dạy môn tiếng Anh. Theo số liệu, tổng số giảng viên cơ hữu giảng dạy môn tiếng Anh của 59 trường ĐH không chuyên ngữ có 964 người, trung bình mỗi trường có 16 giảng viên. Trong đó, giảng viên có trình độ ĐH là 479 người – chiếm 50%, trình độ thạc sĩ là 458 người – chiếm 47,5% và trình độ tiến sĩ là 27 người – chiếm 2,5%.
Ngoài ra, tại Hội nghị các đại biểu còn cho rằng, phương pháp dạy và học tiếng Anh chủ yếu vẫn là phương pháp học truyền thống, lạc hậu, thiên về ngữ pháp và từ vựng. Việc rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết còn rất hạn chế do điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu, quy mô đào tạo lớn, sĩ số lớp lại quá đông. Hơn thế, các trường đều giao việc ra đề thi, coi và chấm thi môn tiếng Anh trong các kỳ thi, kết thúc môn học cho tổ bộ môn tiếng Anh hoặc trung tâm khảo thí (87% công việc do tổ bộ môn chịu trách nhiệm, còn lại 13% do trung tâm khảo thí của trường đảm nhiệm). Do đó, chất lượng đào tạo môn tiếng Anh còn thấp, SV ra trường chưa có khả năng sử dụng tiếng Anh phục vụ công tác chuyên môn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT, GS.TSKH Bành Tiến Long cho rằng, để tạo ra một bước đột phá cần thiết trong các hoạt động giảng dạy, học tập và sử dụng môn tiếng Anh trong các trường ĐH, các trường cần đưa ra được một định hướng chung trong đó như bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng Anh tại nước ngoài cho cán bộ giảng dạy, chọn lựa một số SV xuất sắc chuyên ngành tiếng Anh cam kết khi về sẽ trở thành GV của các cơ sở ngoại ngữ khi được gửi đi thực tập, học tập ở các nước và hợp tác với các trường ĐH nước ngoài để tiến hành đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo chuẩn quốc tế. Từ nay đến năm 2012, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai giảng dạy tiếng Anh 4 chuyên ngành: CNTT, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Du lịch và tiến tới năm 2020, các trường tổ chức dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Nhưng trước mắt, các trường ĐH cần áp dụng chương trình chuẩn quốc tế của TOEIC, TOEFL để đánh giá đầu vào, đầu ra của SV và nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh ở các trường.
Trung Toàn (GDTĐ)
Bình luận (0)