Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo tín chỉ, dục tốc khó đạt

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sau một năm thực hiện đào tạo theo quy chế tín chỉ, số lượng SV tốt nghiệp loại khá tăng vọt, cùng với đó là những loay hoay khác cho thấy việc triển khai phương thức đào tạo tiến bộ này đang gặp phải nhiều"vướng mắc".
Chỉ còn hơn 1 năm nữa là tới thời điểm tất cả các trường ĐH, CĐ trên cả nước phải chuyển đổi sang học chế tín chỉ theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Nhưng thực tế triển khai ở một số trường cho thấy phải mất từ 5 – 10 năm để hoàn thiện chuyển đổi.
 Dù học lý thuyết hay thực hành, cả trăm SV vẫn bị "nhồi nhét" vào một phòng học lớn. Ảnh: Lan Hương
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, một trong những trường thí điểm chuyển đổi sang học chế tín chỉ đầu tiên của khu vực phía Bắc, đã mất tới 7 năm để hoàn thiện chương trình như hiện nay.
Tuy  vậy, một số phương diện vẫn chưa theo đúng “chuẩn”.
Còn Trường ĐH Luật Hà Nội, mặc dù bắt đầu các khâu chuẩn bị từ đầu năm 2006, nhưng đến năm học này, mới chỉ có 19 môn được thí điểm dạy và học theo học chế tín chỉ.
Một lãnh đạo của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho rằng: cần có lộ trình dài hơi hơn và rút kinh nghiệm dần.
Từ nay đến 2010 chỉ còn 1 năm, các trường rất khó chuẩn bị kịp. Vì thế, nên triển khai bắt đầu từ những trường có điều kiện trước hoặc có thể triển khai từng ngành, từng môn rồi mới rút kinh nghiệm đại trà.
Thảo luận vẫn “nhồi nhét” hàng trăm SV/phòng 
Thay đổi dễ nhìn thấy nhất khi chuyển sang đào tạo tín chỉ là SV chủ động tự lựa chọn kết cấu chương trình học phù hợp, với một số học phần bắt buộc và một số học phần tự chọn.
Ngoài ra, SV được tự lựa chọn thời gian học, lớp học và thiết kế thời khoá biểu riêng phù hợp với năng lực và nhu cầu.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất, phòng học ở hầu hết các trường đều còn quá nghèo nàn, thậm chí tạm bợ, không thể đáp ứng được yêu cầu linh hoạt, mềm dẻo của việc tổ chức lớp học theo tín chỉ.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho biết: “Trước kia, lớp đã được sắp xếp cố định từ đầu kỳ, nhưng học theo tín chỉ thì lớp đông, lớp vắng, giờ này nhiều lớp, giờ kia ít lớp… Vì thế, số lớp nhàn rỗi phải nhiều để mềm dẻo trong bố trí. Nhưng trường rất bí phòng học vì số lượng SV tăng nhanh hơn số phòng.”
Ở nước ngoài, trong giờ học lý thuyết, vài trăm SV có thể học chung trong một giảng đường lớn để được nghe bài giảng của các GS giỏi. Nhưng sang đến giờ thực hành hoặc thảo luận, lớp sẽ chỉ còn 20-30 SV/phòng. Còn ở Việt Nam, dù giờ lý thuyết hay thảo luận, hàng trăm SV vẫn bị “nhồi nhét” vào một phòng học chung.
Đến giờ thảo luận, đáng nhẽ cả lớp phải cùng lắng nghe, góp ý thì ngược lại, nhóm nào thuyết trình thì chỉ có thầy giáo và nhóm đấy nghe, cùng lắm là có thêm vài SV quan tâm. Số SV còn lại, người yên lặng… ngủ, người lôi bài tập môn khác ra làm, người thì chuẩn bị cho bài thuyết trình sắp tới của nhóm.
Hiện nay, ở Trường ĐH Luật Hà Nội, lớp thảo luận được chia nhỏ từ 30-40 SV. Để khắc phục tình trạng thiếu phòng, trường xếp thời khoá biểu không theo 2 buổi như trước đây mà xếp theo 2 tiết một, liên tục từ sáng đến 8 giờ tối (thời điểm cho phép của qui chế đào tạo theo tín chỉ).
Trường cũng vừa phá một tòa nhà cũ để xây nhà mới và tạm thời chuyển một số phòng làm việc vào… ký túc xá trong thời gian xây dựng.
Giảng viên ngại thay đổi, SV vẫn ít lựa chọn 
Ngay từ đầu học kỳ, SV đã được phát đề cương môn học chi tiết nội dung học tập của từng tuần.
Ảnh: Lan Hương
Khi đào tạo theo tín chỉ, đầu mỗi học kỳ, SV sẽ được phát một đề cương môn học cụ thể, chi tiết tới từng tuần.
Nhìn vào đề cương, SV biết từng tuần sẽ học nội dung gì, những vấn đề nào sẽ được trao đổi tại lớp, nội dung nào phải chuẩn bị sẵn ở nhà.
Đây là công việc chưa từng có tiền lệ ở các trường nên đa phần giảng viên chưa quen và gặp nhiều lúng túng.
Trường ĐH Luật Hà Nội đã phải nhờ các chuyên gia của khoa Sư phạm, ĐHQG tới tập huấn theo nhiều đợt cho giảng viên.
Mỗi đợt học chỉ mất 10 ngày, nhưng phải xây dựng một đề cương môn học kéo dài 6 tháng. Hơn nữa, hàng năm lại phải điều chỉnh, cập nhật  đề cương cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Trong khi đó, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) lại bắt đầu từ việc xây dựng các đề cương “mẫu” trong một số môn rồi mở rộng ra các môn khác. Để có được hơn 1.400 đề cương môn học được nghiệm thu, toàn bộ giảng viên và đội ngũ quản lý đào tạo đã phải căng sức làm việc từ tháng 11/2006 tới nay.
Từ năm học 2008 – 2009, ĐH KHXH&NV bắt đầu biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn học tập môn học (study guide), sau khi đã chuyển đổi chương trình đào tạo và biên soạn đề cương môn học.
Một thách thức nữa với các trường khi chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ là kết cấu chương trình phải phong phú.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội thì cái khó nhất là tâm lý của giảng viên: “có cái gì dạy cái đó”. Bộ môn nào cũng muốn đưa môn của mình vào chương trình bắt buộc.
Tuy nhiên, Trường ĐH Luật Hà Nội vẫn dự tính sẽ giảm tải thời lượng của cả chương trình, nhưng tăng tỷ lệ thời lượng và bổ sung học phần mới cho các môn tự chọn, bớt nhiều môn bắt buộc.
Sau 10 năm triển khai học chế tín chỉ, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cũng thừa nhận: “Thiết kế các môn của mình chưa đủ nhiều, chưa có nhiều thầy dạy được các môn mới. Thêm môn mới thì phải cắt bớt môn cũ đi nhưng không nhiều thầy muốn bớt giờ cũ.”
Kết quả là hiện nay, SV có rất ít môn tự chọn và chỉ là chọn theo chuyên ngành, theo nhóm mà thôi
Lan Hương (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)