Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đào tạo tín chỉ nửa vời – Cái gì cũng thiếu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cả trường học, sinh viên lẫn xã hội đều chưa kịp thay đổi tư duy từ hệ niên chế sang tín chỉ (TC) dù đào tạo theo hệ thống TC đã có mặt ở Việt Nam  hơn 15 năm.

 
Chầu chực cả đêm để đăng ký

Lớp học quá đông không phù hợp với hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ – Ảnh: Đ.N.T

Theo ông Lê Văn Khuyến, nguyên  Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, khi đào tạo theo niên chế, một chuyên ngành có thể chỉ cần một giảng viên (GV) phụ trách, nhưng đào tạo TC ít nhất phải có 2 GV trở lên. Đào tạo theo TC là lấy người học làm trung tâm nên SV hoàn toàn có quyền lựa chọn thời gian học tập hợp lý, GV phù hợp… Tuy nhiên, hầu hết các trường ĐH hiện nay chưa đáp ứng được điều kiện này vì thiếu GV, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp…
Theo đúng TC, một môn học sẽ được mở liên tục với nhiều GV để SV có nhiều lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của mình. Điều này, hiện không thực hiện được ở phần lớn các trường ĐH, CĐ.  Đào tạo theo TC đòi hỏi cơ sở vật chất phải đảm bảo được nhu cầu của SV. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, phòng học ở hầu hết các trường đều còn quá nghèo nàn, thậm chí tạm bợ, không thể đáp ứng được yêu cầu linh hoạt, mềm dẻo của việc tổ chức lớp học theo TC.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều SV bị thôi học khi đào tạo TC là do sự thiếu trách nhiệm của hệ thống cố vấn học tập. Hệ thống này có nhiệm vụ hỗ trợ cho SV trong việc lựa chọn kế hoạch học tập phù hợp. Nếu hết học kỳ 1, SV có kết quả học tập không tốt thì cố vấn học tập phải báo động và hướng dẫn để SV rút bớt môn học trong học kỳ tiếp theo để vừa với sức học. Vì vậy, muốn thành công trong đào tạo TC, các trường phải chú trọng xây dựng đội ngũ này.
Tiến sĩ Lê Văn Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH – Bộ GD-ĐT.
Vũ Thơ (ghi)

Hiệu phó một trường ĐH ở Hà Nội đã thực hiện đào tạo TC cho biết: “Ở nước ngoài, trong giờ học lý thuyết, vài trăm SV có thể học chung trong một giảng đường lớn để nghe bài giảng của các giáo sư giỏi. Nhưng sang đến giờ thực hành hoặc thảo luận, lớp sẽ chỉ còn 20-30 SV/phòng. Còn ở Việt Nam, dù giờ lý thuyết hay thảo luận, hàng trăm SV vẫn bị “nhồi nhét” vào một phòng học chung”.

Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và GV khiến SV học theo TC luôn gặp trục trặc. Có trường như ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, SV phải chầu chực cả đêm để lên mạng đăng ký môn học phù hợp. Do GV không đủ, phòng ốc cũng thiếu thốn nên số lớp học chỉ có hạn, nếu không nhanh chân SV sẽ không đăng ký được. Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Nhà trường không thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của SV bởi năng lực GV và giảng đường có hạn. Kinh phí đào tạo không đủ để chi phí thì nói gì đến việc tuyển thêm GV”.
Khập khiễng trong quản lý
Vấn đề đáng lo ngại nhất đối với việc đào tạo theo hệ thống TC là quản lý. Theo ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, thì hiện nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải chuyển sang đào tạo theo TC nhưng công tác quản lý vẫn thực hiện theo niên chế. Chẳng hạn đào tạo TC thì phải tuyển sinh theo từng học kỳ  nhưng hiện nay việc này vẫn thực hiện theo từng năm học.
Đặc biệt, đào tạo TC đòi hỏi phải có một đội ngũ quản lý và nhân viên hành chính rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện đội ngũ này ở các trường ĐH hầu như không được xem trọng. GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Để chuyển sang đào tạo theo TC, việc dạy của các GV có thể không phải thay đổi nhiều, nhưng công việc quản lý hành chính sẽ thay đổi căn bản, theo hướng nặng lên rất nhiều. Trách nhiệm của những người quản lý và nhân viên hành chính trong hệ thống đào tạo theo TC, bên cạnh các công việc khác, là giúp SV (trong đó có những người quay lại học tập sau nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm gián đoạn) nhận ra đúng thiên hướng và trình độ học lực của mình, đăng ký vào đúng lớp mình có thể và cần phải học. “Ở Mỹ, những người quản lý và nhân viên hành chính đều được đào tạo rất bài bản, khác với ở nước ta, bất kỳ ai cũng đều làm được việc này”, GS Hưng cảnh báo.
Tín chỉ… hình thức
Trường ĐH Luật TP.HCM đã áp dụng 100% mô hình đào tạo học chế TC từ năm học 2009-2010. Dù vậy, tại buổi đối thoại với PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM trong tháng 6 vừa qua, nhiều SV vẫn còn thắc mắc về cách học này.
SV lớp HS34B phản ánh: “Học theo TC thầy cô dạy khá nhanh, nói nhanh nên SV khó tiếp thu”. Trong khi đó, SV lớp LQ34 hỏi: “Vì sao học theo TC, chỉ mang tính hình thức, còn bản chất lại là theo học phần?”. Đại diện nhà trường giải thích: “Vì học kỳ đầu áp dụng nên cần kết hợp, khi ổn định sẽ thực hiện việc học theo đúng bản chất”.
Cố vấn học tập có vai trò quan trọng đối với SV khi học theo hệ thống TC. Tuy nhiên, SV lớp HS34B nêu tình trạng: “SV gặp khó khăn trong trao đổi với cố vấn học tập. Giữa cố vấn học tập và SV cần có sự gặp mặt thường xuyên hơn để trao đổi ý kiến”. Về vấn đề này, Ban giám hiệu trường ĐH Luật TP.HCM phản hồi: “Đề nghị SV sử dụng thư điện tử để trao đổi với cố vấn học tập”. SV lớp TM34B kiến nghị: “Cố vấn học tập nên chủ động hơn trong việc giúp đỡ, hỗ trợ SV về nghề nghiệp, việc làm, cách thức lựa chọn môn học”.
Như Lịch
Ý kiến sinh viên
“Sáng 7 giờ vào lớp, số bài giảng bị giảm xuống (1 tiết học TC được tính bằng 50 phút thay vì 67 phút như trước đây – PV). Thêm vào đó là sự sắp xếp lịch học cũng chưa hợp lý. SV không đủ thời gian để chuẩn bị bài cũ. Sau một ngày học liên tục dường như bị kiệt sức, tối về chưa kịp quay lại với sách vở đã bị cái bệnh buồn ngủ đánh gục. Vậy thì có còn hiệu quả nữa không?”.
“Chúng em cần được tìm hiểu kỹ hơn, được có thời gian thích ứng từ từ. Chứ thế này thì mệt mỏi lắm thầy cô ơi!”.
(Trích từ diễn đàn ·của SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐH Quốc gia Hà Nội)
“Hầu như tụi em thích môn nào, thấy khả năng của mình hợp với môn nào thì đăng ký môn đó. Thầy cô cũng hướng dẫn tụi em, nhà trường thì cho danh sách những môn nên học trước… Nếu tụi em không cập nhật thông tin nhanh sẽ không biết sắp tới phải đăng ký môn nào, thi cử ra sao… Nói chung, học TC đòi hỏi SV phải năng động, chủ động, nếu không sẽ không thể theo kịp”.
Bùi Nguyễn Thục Minh Khoa
(SV năm cuối ngành CNTT trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
Mỹ Quyên (ghi)
Ý kiến giảng viên
* “Đào tạo niên chế bắt điểm danh mà SV còn chưa chịu đi học. Học theo TC, giờ lên lớp ít hơn, giờ tự học nhiều hơn trong khi ý thức tự học của SV còn rất thấp. Đó là một khó khăn không nhỏ cho hình thức đào tạo này”.
Thạc sĩ Huỳnh Chức (Phó hiệu trưởng trường CĐ Tài nguyên – Môi trường TP.HCM)
* “Ngay từ khi SV nhập học năm thứ nhất, trường phát một cuốn niên giám để giúp SV có thể nắm toàn bộ cách thức đăng ký môn học. Như vậy, SV sẽ tự mình xây dựng chiến lược, kế hoạch và chủ động được thời gian học. Song vẫn có không ít SV chậm đăng ký môn học hoặc không đăng ký để rồi đến khi chuẩn bị tốt nghiệp mới nhận ra mình còn thiếu. Thậm chí, SV lại sử dụng quyền tự học của mình để làm việc khác và đôi khi ham chơi đến quên việc học”.
Tiến sĩ Trương Chí Hiền (Hiệu phó trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
* “SV không hiểu mục đích của đào tạo theo TC là tạo quyền chủ động để phát triển năng lực của họ. Cái khó trong việc thực hiện đào tạo theo TC hiện nay là các chính sách về đào tạo chưa minh bạch từ chương trình đào tạo, đề cương chi tiết đến tư duy của đội ngũ thực hiện”.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Thiên Long – Mỹ Quyên (ghi)

Vũ Thơ / Thanh Niên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)