Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo tín chỉ với hệ vừa làm vừa học: Thiếu nền tảng, khó phát huy lợi thế

Tạp Chí Giáo Dục

Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH đang là nhu cầu bức thiết mà việc chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ được coi là một giải pháp đột phá. Tuy nhiên, liệu giải pháp này có phù hợp với hệ đào tạo vừa làm vừa học, vốn đang bị đặt dấu hỏi về chất lượng?
Có ưu thế nhưng khó áp dụng
Giáo dục ĐH trên thế giới đã khẳng định rằng đào tạo tín chỉ (ĐTTC) có nhiều ưu thế so với phương thức đào tạo truyền thống, bởi việc tự học, tự nghiên cứu của người học được coi trọng, độ linh hoạt của chương trình giúp họ chọn những môn học phù hợp với mình. Người học có thể rút ngắn thời gian học tùy theo khả năng. Hình thức này phản ánh mối quan tâm của người học và nhu cầu của các nhà sử dụng lao động, tạo được sự liên thông giữa cơ sở đào tạo ĐH, khuyến khích sự di chuyển của sinh viên, mở rộng sự lựa chọn học tập của họ, tăng độ minh bạch của hệ thống giáo dục…
Sinh viên lớp Nhiếp ảnh liên thông, hệ vừa học vừa làm, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội bảo vệ tốt nghiệp.
 Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Thứ (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), hệ vừa làm vừa học (VLVH) phức tạp hơn hệ chính quy khi áp dụng ĐTTC bởi một số lý do. Đào tạo VLVH được tiến hành trên một không gian rộng hơn. Ngoài số SV học tại trường, một số lượng rất lớn học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở liên kết khác trong cả nước, mỗi cơ sở hằng năm đào tạo một số lượng nhất định và bó hẹp trong một vài chuyên ngành. Sự liên kết giữa các cơ sở hầu như không có, vì vậy không có nhiều sự lựa chọn cho SV "mềm hóa" tiến trình đào tạo của mình. Hệ thống cố vấn học tập cũng không đủ khả năng tư vấn. Bên cạnh đó, đối tượng tuyển sinh hệ VLVH rất đa dạng. Những năm gần đây, đối tượng tuyển sinh được mở rộng với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT không thi đỗ vào các trường ĐH dự tuyển ở các địa phương ngày càng tăng lên đáng kể. Như vậy, điều kiện học tập của SV cũng càng phức tạp, nhận thức về trách nhiệm đối với bản thân SV trong đào tạo cũng kém hơn.
Nhưng bất cập lớn nhất, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Hưng Yên, chính là đầu vào của hệ VLVH khi khâu tuyển sinh không tính đến hai điểm quan trọng: Một là khả năng tự học, tự nghiên cứu vốn đặc biệt cần thiết cho ĐTTC. Hai là khả năng ngoại ngữ, một điều không thể thiếu trong thời đại hội nhập quốc tế. Quy mô đào tạo cũng được coi là một trở ngại cho ĐTTC ở hệ VLVH. Theo TS. Phạm Quang (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), do sức ép từ cơ chế tự chủ kinh phí thường xuyên và bị khống chế bởi mức học phí, nhà trường vẫn phải đào tạo theo phương châm "quảng canh". Việc duy trì quy mô đào tạo quá lớn là lực cản cho việc áp dụng phương thức tín chỉ, bởi theo học chế tín chỉ, mỗi giảng viên trong một năm học chỉ giảng dạy tối đa một học phần cho 4 lớp. Như vậy, nếu chuyển sang ĐTTC trên diện rộng, tình trạng thiếu giảng viên sẽ càng trầm trọng. Ngoài ra, nhìn chung, khả năng tự học của SV hệ VLVH còn hạn chế do năng lực tư duy và thời gian không nhiều. TS. Phạm Quang cho rằng, việc áp dụng ĐTTC cho hệ VLVH chưa nên áp dụng tại các đơn vị liên kết.
Không thể rập khuôn
Cũng có ý kiến cho rằng phương thức ĐTTC phù hợp với đối tượng VLVH: Nhiều SV dù đã chuẩn bị tốt kế hoạch học tập nhưng do phải đi công tác theo yêu cầu của cơ quan nên không theo học được một môn nào đó, thậm chí khi đi công tác về, môn học đó vẫn đang được giảng dạy nhưng vì số tiết nghỉ đã quá quy định nên đành bỏ cả môn và chấp nhận học lại. Nhưng nhiều khi kỳ học lại này lại trùng với kỳ học chính khóa của năm học, vì vậy SV gặp rất nhiều khó khăn trong việc học "trả nợ". Ý kiến này cho rằng, việc linh hoạt bố trí thời gian cho học tập sẽ là một yếu tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo hệ VLVH.
Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều chuyên gia đều khẳng định, những ưu điểm của học chế tín chỉ khó có thể phát huy bởi sự phân tán làm giảm hiệu quả tổ chức học tập. Ngay cả việc SV tìm kiếm lớp học lại cũng khó khăn hơn khi đào tạo theo niên chế, vì theo niên chế thì họ hoàn toàn có thể biết trước được môn học đó sẽ có lớp ở đâu và học vào thời gian nào. Kết quả ĐTTC tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân – thí điểm đối với khóa 17 văn bằng II học tại trường đã minh chứng cho những bất cập nói trên: Sau thời gian học với 4 đợt xét tốt nghiệp, chỉ có 385/1.796 SV tốt nghiệp, chiếm 20% dù tỷ lệ SV bỏ học rất thấp (1%). Đây là khóa có số SV tốt nghiệp đúng thời hạn thấp nhất so với các khóa học khác của hệ này.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, vào thời điểm này, việc thực hiện phương thức ĐTTC khó thực hiện với hệ VLVH. Điều quan trọng là phải xây dựng được chiến lược phát triển đúng đắn cho hệ đào tạo không chính quy nhằm tạo ra một bước chuyển căn bản chứ không thể rập khuôn, máy móc trong khi các yếu tố nền tảng cho ĐTTC đối với hệ VLVH không hề được đặt ra dù nó đã có mặt ở Việt Nam hơn 15 năm.
Theo Hà Nội mới

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)